Kiệt sức vì… tôn trọng tự do của con

23/10/2024 - 18:31

PNO - Thận trọng, cân nhắc, nhưng cũng đảm bảo các nguyên tắc cần thiết trong việc tham gia vào các vấn đề của con như thế, chị sẽ tự tin hơn, bớt lo lắng thái quá.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Con gái tôi 16 tuổi. Từ nhỏ tôi đã dạy con theo lối không áp đặt, tôn trọng tự do của con hết mực. Nhưng con càng lớn, tôi càng thấy kiệt sức khi phải luôn tôn trọng tự do của con mà nín nhịn, không lên tiếng về những điều mình không vừa ý.

Con yêu cầu tôi không được góp ý về giờ giấc của con, miễn sao con học tốt là được. Tôi cũng không được ý kiến về bạn bè của con, miễn sao con không làm gì ảnh hưởng đến việc học là được. Tôi đôi lúc bị con từ chối cho biết lịch học, miễn sao con không cúp tiết và đảm bảo mục tiêu của từng học kỳ là được. Con nói do tôi có tính hay lo nên biết càng ít càng tốt.

Khi tôi nói con quá tự do thì con bảo con chỉ tự lập. Kinh khủng nhất, mới đây, con tự đi xăm một vùng khá lớn trên chân mà không hề trao đổi hay xin phép tôi. Khi phát hiện, tôi quá sốc, con lại nói đó là cơ thể của riêng con, con có quyền mà không cần xin phép mẹ. Giờ thì con đòi đi chơi qua đêm với nhóm bạn ở Vũng Tàu, để “tập dượt việc sống tập thể”.

Lâu dần, tôi thấy mình đang sống theo nguyên tắc của con và thực sự mệt mỏi. Liệu tôi có đang “hiện đại nửa mùa” nên không chịu nổi những biểu hiện tự do nơi con, hay thực sự quá trình phát triển của con tôi đang có vấn đề?

Trong thời đại của tự do này, tôi có thể dựa vào đâu để tiếp tục vai trò của một người mẹ? Nếu cứ tự do kiểu này thì mẹ chắc chỉ còn là người cung cấp điều kiện vật chất cho con mà thôi.

Thúy Hiền (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thúy Hiền thân mến,

Tự lập và tự do đều là những điều rất đẹp đẽ, xứng đáng để cha mẹ theo đuổi và vun đắp cho con. Nhưng cần hiểu đúng về những khái niệm này. Ngay cả với người trưởng thành, tự do cũng không có nghĩa là “thích gì làm nấy”, tự lập không có nghĩa là “một mình tự quyết”. Người ta chỉ có thể tự lập và có được tự do khi thực sự thấu hiểu bản thân, sống có kỷ luật. Nếu không, tự do chỉ có nghĩa là thỏa mãn cảm xúc và ý muốn nhất thời, điều này đồng nghĩa với rủi ro.

Có 2 khía cạnh quan trọng cha mẹ cần biết để giúp con tự lập đúng cách, đó là: nhu cầu và khả năng của con. Hãy xem đây là cơ sở để cân nhắc mọi ý muốn nơi con. Cần cho con hiểu rằng, trong độ tuổi này, con có khả năng tự quyết những việc gì và những việc gì cần có sự đồng ý của cha mẹ. Từng nhu cầu phát sinh cũng sẽ được trao đổi dựa trên sự cân bằng giữa nhu cầu (ý muốn) và khả năng của con.

Đồng thời, chị cần xác định những vấn đề lớn mà con cần phải tham vấn ý kiến của cha mẹ. Thường, ở độ tuổi 16, các con cần phải có sự trao đổi, đồng ý của cha mẹ trong các vấn đề: giờ giấc, sự thay đổi trong kế hoạch học tập, các vấn đề liên quan đến sức khỏe, các quyết định thuộc loại “chỉ được quyết 1 lần, không có đường lùi” (xăm hình là một ví dụ).

Khi đã thống nhất các vấn đề trên, chị xác lập đó là nguyên tắc trong gia đình. Chị hãy cho con biết rằng, tôn trọng nguyên tắc chính là một phần của sự tự lập và đó chính là cơ sở để có được tự do thực sự. Với những chuyện con có khả năng tự quyết, hãy để con tự quyết, cha mẹ chỉ tham gia vào những việc thực sự cần.

Ví dụ, khi con xin đi chơi xa, chị cần trao đổi để xác định nhu cầu thực sự đằng sau đó là gì. Hãy trò chuyện cởi mở, vui vẻ với con xem tại sao con lại nghĩ rằng con muốn tập dượt sống tập thể, con có khả năng tới đâu trong việc giải quyết các rủi ro có thể có trong chuyến đi… Khi chị có tâm thế thực sự cởi mở, lắng nghe không thành kiến, con cũng sẽ mở lòng hơn.

Thận trọng, cân nhắc, nhưng cũng đảm bảo các nguyên tắc cần thiết trong việc tham gia vào các vấn đề của con như thế, chị sẽ tự tin hơn, bớt lo lắng thái quá. Khi đó, con cũng bớt ngại chia sẻ với mẹ, mẹ con sẽ gắn kết hơn. Chúc chị thành công.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI