Kiệt sức vì quà tết và giỗ chạp

14/01/2025 - 06:25

PNO - Mỗi dịp lễ tết, tôi kiệt sức vì lo toan quá nhiều thứ. Chồng tôi trọng lễ nghĩa nhưng lại vô tâm với gia đình nhỏ.

Cứ lo xong 4 đám giỗ của nhà chồng vào tháng Chạp là nhà tôi hết cả tiền ăn Tết (ảnh minh hoạ)
Cứ lo xong 4 đám giỗ của nhà chồng vào tháng Chạp là nhà tôi hết tiền ăn tết (ảnh minh họa)

Chồng tôi là con một nên việc gì của dòng họ anh cũng... vơ về. Mỗi dịp tết đến xuân về là tôi lại bải hoải vì mệt mỏi và thẫn thờ lo toan. Vẫn biết rằng quan tâm anh em họ hàng là tốt, nhưng cũng phải tùy vào hoàn cảnh nhà mình. Chồng tôi rất vô tâm với gia đình nhỏ và có… hiếu với cả dòng họ.

Gia đình tôi nhận trách nhiệm làm đám giỗ cho ông bà cố, ông bà nội, ba mẹ chồng. Hơn thế nữa, một số cô dì chú bác bên nhà chồng thuộc diện neo đơn hoặc chỉ có con gái, không có con trai thờ tự là chồng tôi cũng nhận làm giỗ ở nhà tôi.

Vì vậy, nhà tôi gần như tháng nào cũng có 1-2 đám giỗ. Những đám giỗ lớn như của ông bà, cha mẹ, tôi phải lo vài mâm cơm để chồng đãi đằng họ hàng. Các đám giỗ nhỏ hơn thì vẫn làm mâm cơm cúng trong nhà ăn với nhau, nhưng anh ấy không quên chụp ảnh để gửi vào nhóm của dòng tộc trên mạng xã hội, báo cáo là mình rất trách nhiệm với việc thờ tự.

Vào tháng Chạp, nhà tôi có 4 đám giỗ. Lo xong 4 đám giỗ này là tôi hết tiền tiêu tết. Vợ chồng tôi chỉ là viên chức, lương ba cọc ba đồng chứ nào giàu có gì cho cam. Đã vậy, chúng tôi còn đang nuôi 2 con đang tuổi cấp II, đường học hành của các cháu còn rất dài.

Hôm rồi, các chị chồng mở lời, nói từ nay trở đi, các chị em trong nhà cùng góp đám giỗ ông bà cha mẹ. Thấy vợ chồng tôi gánh vác chục năm qua vất vả, tốn kém, các chị cũng áy náy. Tôi thấy thế là hợp lý. Mình không yêu cầu, nhưng các chị có lòng góp giỗ, thì rõ ràng là các chị cũng muốn chia sẻ với chúng tôi.

Tuy nhiên, chồng tôi lại nghĩ khác. Tính sĩ diện của anh nổi lên, anh tuyên bố việc giỗ chạp là của đàn ông, mấy chị phận gái đã đi lấy chồng, nên không cần tham gia làm gì, dắt con cái về dự là tốt rồi.

Tôi lựa lúc chỉ riêng vợ chồng, thủ thỉ rằng kinh tế nhà mình không dư dả, các chị lại khá hơn. Đám giỗ ông bà cha mẹ là của chung, các chị có lòng góp giỗ, sao anh lại gạt đi. Mỗi người chung tay một tí sẽ thêm đoàn kết. Hơn thế nữa, khi các con cháu kéo tới đông vui, mọi người đều thoải mái.

Nghe tôi nói vậy, chồng tôi nhảy dựng. Anh bảo rằng tôi đừng vì tham cầm vài đồng bạc lẻ khiến anh mang nhục. Anh nói tôi đàn bà, suốt ngày chỉ quẩn quanh với chữ tiền.

Không chỉ chuyện giỗ chạp. Cứ gần tết, chồng lại nhắc tôi chuẩn bị quà đi biếu xén cô dì chú bác trong dòng họ. Anh nói đấy là truyền thống của gia đình, khi mẹ anh còn, bà vẫn làm như thế. Nhẩm ra ít nhất cũng 5 phần quà tết biếu cho nhà cô Ba, cô Tư, bác Sáu, dượng Bảy, dì Hai. Mỗi phần quà ít nhất cũng phải chai rượu, hộp bánh, hộp trà.

Các con nhìn tôi chạy ngược xuôi lo giỗ chạp, quà tết cho bà con dòng họ thì phản đối vì thấy vô lý. Cậu trai lớn thắc mắc: “Sao con không có thấy ai cho nhà mình món gì mà năm nào ba cũng nhắc mẹ xách quà đi biếu dòng họ vậy? Biếu nhiều thế, hết tiền rồi nhà mình ăn gì?”.

Đến con trẻ còn hiểu được điều đó, chỉ có chồng tôi là vô tâm. Vợ con thiếu thốn tứ bề không lo, lúc nào cũng lo sống sao cho đẹp lòng bà con dòng họ.

Chưa lo xong đám giỗ, chồng đã nhắc nhở tôi chuẩn bị quà biếu Tết cho cô dì chú bác trong họ (ảnh minh hoạ)
Chưa lo xong đám giỗ, chồng đã nhắc nhở tôi chuẩn bị quà biếu tết cho cô dì chú bác trong họ (ảnh minh họa)

Năm nay, kinh tế khó khăn, công việc nhiều xáo trộn, tết này chưa chắc vợ chồng tôi có thưởng, khéo còn bị chậm lương, vậy mà chồng cứ ra rả bên tai chuyện đám giỗ với quà tết biếu xén người nọ người kia, làm tôi rối ruột. Tết nhất lẽ ra phải là dịp sum họp, nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, chứ ai lại tạo áp lực cho nhau như thế?

Hoài Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI