Kiệt sức vì con “bệnh chồng bệnh”

15/07/2022 - 17:52

PNO - Trong 2 - 3 tháng vừa qua, nhiều phụ huynh đã phải “kêu trời” vì tình trạng con ốm sốt triền miên. Từ viêm đường hô hấp, chân tay miệng tới cúm A… bệnh nọ gối bệnh kia ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như sinh hoạt của trẻ.

Hai tháng năm trận ốm sốt

Dù đang đi làm nhưng hai tháng gần đây, chị Phạm Thủy (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) thường xuyên phải xin nghỉ làm vì con gái mới hơn ba tuổi ốm triền miên. Sau khi cho con đi học mầm non được khoảng hai tuần thì bé bắt đầu ho, chảy mũi kèm theo sốt. Lúc đầu, chị cũng nghĩ do mới tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên con dễ mắc bệnh và sau trận ốm này có thể cháu sẽ thích nghi với điều kiện mới. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi khỏi ốm, bé lại bắt đầu sốt trở lại và từ đó tới nay, cứ quay trở lại trường học được vài hôm thì con chị lại phải nghỉ. “Thời gian này, chúng tôi thường xuyên phải đưa con đến bác sĩ. Lần đầu là viêm đường hô hấp, lần sau là nhiễm virus RSV rồi tới chân tay miệng… Gần đây, con lại sốt virus. Từ khi tới trường đến nay, con đã ốm tới năm lần”, chị Thủy thở dài.

Sau bệnh tay chân miệng, Bệnh viện Nhi Trung ương đang ghi nhận nhiều ca bệnh phải nhập viện vì cúm A
Sau bệnh tay chân miệng, Bệnh viện Nhi Trung ương đang ghi nhận nhiều ca bệnh phải nhập viện vì cúm A

Tương tự, chị Mai Hương (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) cũng khá mệt mỏi khi con trai gần ba tuổi đi học được chín tuần thì phải nghỉ mất năm tuần vì ốm. “Khi bắt đầu đi học, con nặng 16kg nhưng tới nay giảm gần 2kg. Dù tôi đã cho con uống các loại vitamin, tăng cường sức đề kháng nhưng hết bệnh nọ lại tới bệnh kia. Gia đình tôi bắt đầu sợ cảm giác ngay cả khi con khỏi bệnh, bởi không biết một vài ngày tới lại đón nhận một trận ốm khác như thế nào”, chị Hương cho biết. Chị cũng chia sẻ mình đã “hao” 2kg và kiệt sức vì phải tất tả lo việc nhà, việc  cơ quan.

Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga - Khoa Nội Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết trong khoảng 1 - 2 tháng nay, nhiều phụ huynh đưa con tới khám chia sẻ về tình trạng trẻ ốm liên tiếp, bệnh nọ gối bệnh kia. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều loại bệnh cũng liên tục vào mùa cao điểm. Trong tháng 4, 5, các ca bệnh tay chân miệng được ghi nhận với số lượng lớn, tổng số lên tới gần 800 ca. Hiện, bệnh nhi mắc tay chân miệng đã giảm, nhưng khoảng một tháng nay, số ca cúm A lại bắt đầu tăng lên. “Trong hai tuần nay, mỗi tuần Khoa Nội tiếp nhận khoảng 40-50 trẻ nhập viện điều trị bởi cúm A. Số bệnh nhân đến khám, không nhập viện có thể cao hơn gấp vài lần”, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga cho hay. Trong số các bệnh nhi mắc cúm A nhập viện, nhiều trẻ bị viêm phổi, một số ca phải thở oxy.

Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách nào?

Lý giải về tình trạng trẻ liên tục ốm trong thời gian gần đây, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết việc trẻ ở nhà quá lâu trong giai đoạn nghỉ dịch COVID-19 là một phần lý do. Ông phân tích: “Trong hai năm liền, trẻ gần như không ra ngoài, chỉ tiếp xúc với cha mẹ, anh chị trong gia đình. Do vậy, kháng thể để chống đỡ với các loại virus, các bệnh vi khuẩn khác của trẻ kém. Ngoài ra, trẻ có thể không tiêm đầy đủ các loại vắc xin, trong đó có cả vắc xin cúm nên khi mở cửa trở lại dễ mắc bệnh”.

Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga cũng chia sẻ thêm, sau khi mở cửa trở lại, nhiều gia đình muốn tăng tương tác cho trẻ nên ngoài đi học, trẻ còn được du lịch, tham gia các hoạt động... Bên cạnh đó, thời tiết vào giai đoạn giao mùa, khí hậu thay đổi nên trẻ tăng nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh, tăng khả năng nhiễm các loại bệnh khác nhau. Khi trẻ bị ốm cũng tạo ra vòng luẩn quẩn làm ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, tăng các tổn thương, từ đó càng dễ mắc bệnh.

Để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia, trong chăm sóc trẻ thường ngày cần chú ý chế độ dinh dưỡng cân bằng. Không nên kiêng khem mà cho trẻ dùng các loại thực phẩm phong phú, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn. Khi trẻ mắc bệnh, nên cho ăn lỏng hơn, chế biến các món ăn mà trẻ yêu thích. Đặc biệt, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga lưu ý, cần giảm nguy cơ phơi nhiễm mầm bệnh từ tiếp xúc cho trẻ bằng các biện pháp vệ sinh cá nhân phù hợp, tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng… “Tăng tương tác trong xã hội là cần thiết, tuy nhiên, cần giảm thiểu phơi nhiễm bằng cách cho trẻ đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, không nên tiếp xúc với nhóm quá đông. Bên cạnh đó, không thay đổi môi trường đột ngột như chuyển từ nóng sang lạnh khiến trẻ dễ mắc bệnh”, vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Trước tình trạng con ốm triền miên, nhiều bà mẹ “rỉ tai” nhau dùng đủ loại thuốc, thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng với mong muốn “cắt cơn” ốm hiệu quả. Tuy nhiên, tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi Trung ương - lưu ý: Thành phần của các sản phẩm này chỉ có một phần nhỏ vitamin và khoáng chất, ngoài ra còn có tá dược và chất bảo quản. Do đó, nếu trẻ ăn uống bình thường, đáp ứng đủ chất dinh dưỡng thì không cần phải bổ sung và không nên xem các sản phẩm này như “thần dược” có thể bảo vệ con khỏi bệnh tật.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI