Caroline Boardman từng cảm thấy kiệt sức, muốn bỏ cuộc sau 2 năm vật lộn vì thất nghiệp - Ảnh: Times Union
Nỗi ám ảnh mang tên “kiệt sức”
Nhiều phụ nữ tham gia các lĩnh vực truyền thống do nam giới thống trị có xu hướng tin rằng họ cần làm nhiều hơn để nhận được sự công nhận. Để tạo dấu ấn và chứng tỏ bản thân, phụ nữ thường tự đặt cho mình áp lực phải vượt trội các đồng nghiệp nam. Cùng với gánh nặng vừa phải chu toàn chăm sóc gia đình vừa phải hoàn thành tốt công việc bên ngoài, nhiều người trong số họ quên mất việc lắng nghe chính mình. Cho đến một ngày, sự dồn nén đã quá giới hạn chịu đựng, họ trở nên kiệt sức và rơi vào khủng hoảng.
Kiệt sức được mô tả trong tài liệu y học là tình trạng kiệt quệ về thể chất và tinh thần do căng thẳng mãn tính trong thời gian dài. Kết quả của một nghiên cứu về các phương pháp tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của Viện Y tế McKinsey (MHI) thuộc Công ty Tư vấn toàn cầu McKinsey (Mỹ) trên gần 15.000 chuyên gia cho thấy, phụ nữ (nhất là phụ nữ châu Á) dễ bị kiệt sức hơn đàn ông. Cụ thể, cùng đi làm nhưng người mẹ thường dễ gặp phải những biểu hiện của tình trạng này hơn những người cha.
Shilpa Jain đang làm luật sư doanh nghiệp cho một công ty ở Melbourne (Úc) chia sẻ, cô không hề hay biết bản thân bị kiệt sức cho đến lúc tinh thần cô đột nhiên suy sụp. Từ một phụ nữ tự tin, cô bỗng dưng trở nên yếu đuối và dễ rơi nước mắt. Tình trạng đó nghiêm trọng đến mức một hôm cô chợt cảm thấy xúc động khi kiểm tra hộp thư đến, thấy emai là lời mời dự tiệc văn phòng, tiếp đến là một email thông thường. Cô cảm thấy bất lực, tủi thân rồi vô thức bật khóc mà không kiểm soát được cảm xúc.
Trước email “định mệnh” đó, Jain đã làm việc tăng ca hàng tháng trời và thường chỉ tắt máy tính vào lúc nửa đêm. Cô đã kiệt sức nhưng lúc bấy giờ cô không biết hay hiểu những gì mình đang trải qua.
“Các triệu chứng kiệt sức phổ biến là cảm giác bất lực, chán nản và thất bại. Những cảm giác này không chỉ thể hiện trong công việc mà còn ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Nó có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ của tôi vì tôi đang trút giận lên người khác. Tôi bắt đầu bị đau đầu hoặc đau cơ thường xuyên…” - Jain nói.
Trên thực tế, ngay cả trong văn phòng, các nhiệm vụ có tính chất chăm sóc, tỉ mỉ vẫn thường được giao cho phụ nữ từ việc sắp xếp phòng họp, tổ chức tiệc sinh nhật cho đồng nghiệp hoặc chọn địa điểm tiệc tùng liên hoan…
Tình trạng kiệt sức của phụ nữ càng căng thẳng hơn sau 3 năm khủng hoảng vì COVID-19. Nó như một sát thủ thầm lặng bóp nghẹt sức chịu đựng của phái đẹp. Có vô vàn nguyên nhân gây nên áp lực cho phụ nữ: công việc, thu nhập, gia đình, bổn phận làm trọn đạo hiếu…
Bà mẹ 2 con Victoria Fricke cảm thấy bản thân bị vắt kiệt sức lực khi vừa phải sắp xếp công việc vừa chăm sóc con cái - Ảnh: CNBC
Caroline Boardman (người vừa trở thành giám đốc truyền thông của CSEA - liên đoàn lao động của bang New York - vào tháng Bảy năm nay), là một trong số 11,9 triệu phụ nữ Mỹ đã mất việc làm trong những ngày đầu của đại dịch. Cô đã phải mất vài năm chờ đợi mới quyết định chuyển việc để có được phúc lợi tốt hơn nhưng bất ngờ dịch bệnh lại xảy đến, đẩy cô rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp suốt khoảng thời gian dài. Tự nhận mình là một nhân viên chăm chỉ đáng tự hào, việc bị hàng loạt doanh nghiệp từ chối tuyển dụng khiến có giai đoạn cô rơi vào bế tắc, suy sụp.
Trái ngược với Caroline Boardman, Lori Wilson (Canada) lại xin nghỉ việc để giải quyết căng thẳng trong việc chăm sóc mẹ và 2 cô con gái đang tuổi dậy thì của mình sau khi mẹ cô được chẩn đoán mắc một hội chứng thần kinh có thể xuất hiện ở những bệnh nhân có bệnh gan bởi nếu không điều trị, mẹ cô có thể trở nên hung hăng hoặc hôn mê. Ngoài ra, 2 con gái của Wilson cũng đều phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tất cả điều đó tạo nên một cơn bão áp lực bủa vây từ mọi phía khiến cô kiệt sức mà không hay biết.
Cô Wilson cho biết: “Tôi đã suy sụp bởi có quá nhiều việc xảy ra cùng lúc”. Sau thời gian gồng gánh, cuối cùng cô chọn từ bỏ sự ổn định tài chính vì sức khỏe của chính mình và những người thân yêu.
Dành thời gian cho chính mình
Kể từ khi đại dịch xảy đến, nhiều chuyên gia đã cho ra đời những cuốn sách đề cập đến tình trạng kiệt sức ở phụ nữ. Có 2 tựa sách nổi bật trong số đó: Burnout: Solve your stress cycle của Emily Nagoski và The gifted của Daphne Michaels. Các chuyên gia lưu ý rằng việc phụ nữ bị choáng ngợp, ngụp lặn trong nhiều vấn đề gây ra tình trạng cảm xúc hỗn độn. Để giành lại khả năng kiểm soát, mỗi phụ nữ cần hiểu rõ mong muốn của mình, dành thời gian lắng nghe bản thân trước khi thực hiện các kế hoạch tiếp theo.
“Những người bị kiệt sức thường mất kết nối giữa các giá trị và cuộc sống thực tại. Cần phải hiểu bạn là ai, điều gì thúc đẩy bạn và bạn muốn gì trong cuộc sống. Công việc này tốn rất nhiều thời gian, công sức và bạn cần có sự hỗ trợ. Khi ai đó đang kiệt sức, không phải lúc nào họ cũng có khả năng tự thoát khỏi tình trạng này” - Shilpa Jain nói về cách cô từng bước xác định tình trạng kiệt sức của bản thân.
Jain tâm sự cô đã cố gắng tạo ra nhiều “khoảng trống” hơn bằng cách áp dụng những sự thay đổi nhỏ, những điều cơ bản để tìm sự bình tâm trước khi nghĩ đến những việc lớn. “Tôi đã hỏi mình những câu như: Tôi ngủ đủ chưa? Tôi có đang ăn uống đúng cách không? Tôi tập thể dục chưa? Tôi có đang bỏ bê bạn bè và gia đình không? Tôi có đủ kết nối với mọi người không?... Sau khi giải quyết những điều trên, tôi cảm thấy tốt hơn một chút” - Jain nói.
Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những thách thức về sức khỏe tâm thần đối với những người chăm sóc trẻ em và cha mẹ già - Ảnh: The Globe and Mail
Cũng giống như Shilpa Jain, nhiều phụ nữ nhận ra yếu tố chính của quá trình thoát khỏi tình trạng kiệt sức là mở lòng từ bi với bản thân, dành thời gian cho chính mình. Trong tình huống đó, những điều đơn giản, chẳng hạn như nghỉ ngơi, đi dạo hay ngồi nói chuyện với bạn bè… hóa ra lại vô cùng quan trọng.
Jennifer Moss (diễn giả người Canada) cho biết cô nhận ra việc nuôi dưỡng mối quan hệ với bạn bè và gia đình xoa dịu rất nhiều tổn thương trong lòng: “Có thể bạn đang cảm thấy rất mệt mỏi nhưng việc nhấc điện thoại để nói chuyện với một người bạn thân trong 10 phút chắc chắn sẽ mang đến nhiều điều hữu ích”.
Trong khi đó, không ít phụ nữ tìm cách vượt qua tình trạng kiệt sức và lấy lại cân bằng nhờ sự giúp đỡ thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Harris-Turk - sống ở San Diego cùng chồng và 3 con - cho biết cô rất ngạc nhiên khi thấy mọi người phản hồi tích cực đối với nhóm Learning in the time of Corona mà cô lập trên Facebook khi đại dịch bùng phát, xem đó như một nơi để các bậc cha mẹ tìm kiếm sự trợ giúp và chia sẻ ý kiến. Trang của cô hiện có gần 17.000 thành viên khắp nơi trên thế giới.
Bất kỳ ai đăng bài về một thời điểm khó khăn hoặc một vấn đề cụ thể bản thân hoặc gia đình họ đang đối mặt đều được những người khác tích cực phản hồi. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần và nhân viên xã hội chia sẻ các mẹo hay cho những người quan tâm, thậm chí các thành viên trong nhóm còn nhắn tin trò chuyện cùng nhau. Chính điều này giúp không ít phụ nữ cảm thấy được xoa dịu, chữa lành những tổn thương, tiếp tục hướng về phía trước.
Floating Doctors (Bác sĩ lưu động) tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho các cộng đồng xa xôi và thiếu thốn trên thế giới.