Kiệt sức - mối đe dọa của xã hội hậu COVID-19

14/10/2022 - 12:24

PNO - Đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng khác sau đó như lạm phát, chiến tranh, bạo lực súng đạn đang tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của mọi người.

 

Các giáo viên và nhân viên y tế cần được bảo vệ tốt hơn khỏi nguy cơ kiệt sức - ẢNH: GETTY IMAGES
Các giáo viên và nhân viên y tế cần được bảo vệ tốt hơn khỏi nguy cơ kiệt sức - Ảnh: Getty Images

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ riêng đại dịch đã khiến tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn thế giới tăng 25%. Vào giữa năm 2021, Jovena Loon cảm thấy mình sợ hãi khi đi ngủ vào ban đêm, khó thở, cảm giác như có khối u trong cổ họng và dạ dày. Người phụ nữ 31 tuổi sống tại Singapore chia sẻ: “Đôi khi, tôi nằm trên giường vào ban đêm và nghĩ: Tại sao mình lại phải chịu đựng mọi thứ xung quanh?”.

Loon làm việc trong ngành thực phẩm và đồ uống, bắt đầu cảm thấy kiệt sức sau một thời gian cố gắng cân bằng sự nghiệp và cuộc sống. Cô đã phát triển một lối sống không tốt cho mình khi làm việc tại nhà, thường xuyên tiếp tục làm thêm giờ và kết thúc một ngày trong trạng thái quá mệt mỏi. 

Trong một khảo sát về sức khỏe tâm thần do kênh tin tức CNA (Singapore) thực hiện, kiệt sức là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trong thời kỳ đại dịch ở đảo quốc sư tử (57%). Tương tự, một báo cáo do ứng dụng quản lý công việc Asana thực hiện cho thấy 77% người lao động tham gia khảo sát ở Úc và New Zealand bị kiệt sức khi phải làm việc tại nhà. 

Tại Mỹ, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, 54% bác sĩ và y tá đã phải trải qua tình trạng kiệt sức. COVID-19 càng đưa họ đến điểm cực hạn, khi liên tục đối mặt với những áp lực mới. Mặt khác, nghiên cứu cho thấy y tá, bác sĩ có nhiều khả năng phải chịu đựng trong im lặng hoặc tránh điều trị vì sợ bị rút giấy phép hành nghề hoặc sa thải. Đáng chú ý, thống kê cho thấy tình trạng kiệt sức của nhân viên y tế có khả năng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc sai sót y tế, khiến nó trở thành một vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe cộng đồng.

Lấy ví dụ về tỷ lệ kiệt sức tự báo cáo trong số các bác sĩ tâm thần tại Mỹ, con số lên đến mức đáng kinh ngạc là 78%. Trong đó gần 50% cho biết cảm thấy quá tải vì công việc. Ở một số trường hợp, sự mệt mỏi đã khiến các bác sĩ phải rời ngành, góp phần thêm vào tình trạng thiếu bác sĩ lâm sàng.

Một ngành khác chịu nhiều áp lực theo sau đại dịch chính là giáo viên. Kết quả thăm dò của Gallup vào tháng Sáu cho thấy 44% giáo viên ở Mỹ “luôn luôn” hoặc “rất thường xuyên” cảm thấy kiệt sức trong công việc, vượt xa tất cả ngành nghề khác trên toàn quốc. Theo một cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (trụ sở tại Mỹ), giáo viên và hiệu trưởng ở Mỹ gặp căng thẳng liên quan đến công việc với tỷ lệ gấp đôi so với trung bình dân số nói chung. 

Tình trạng căng thẳng tại nơi làm việc cũng đã khiến ngành giáo dục nhiều nơi trên thế giới thiếu giáo viên. Ngoài ra, một đánh giá có hệ thống vào năm 2020 đối với 5.311 giáo viên và 50.616 học sinh tại nhiều quốc gia cho thấy việc giáo viên kiệt sức có liên quan đến thành tích học tập của học sinh kém hơn, động lực học tập thấp hơn. Do đó, sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên là vấn đề quan trọng mà mọi cộng đồng đều cần quan tâm.

Tấn Vĩ (theo Talkspace, Forbes, MedCity, CNA, WE Forum)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI