Kiệt sức chốn văn phòng - cô đơn giữa cao tốc

29/09/2024 - 17:48

PNO - Hội chứng kiệt sức tinh thần vốn được ví von là bóng ma vô hình ở chốn văn phòng bước vào mùa cao điểm với những áp lực lương, thưởng, KPI, deadline…

Bệnh viện quận Phú Nhuận (TPHCM) vừa cấp cứu một trường hợp ngộ độc vì dùng thuốc quá liều. Theo người nhà bệnh nhân, nam nhân viên y tế phụ trách bộ phận pháp chế của một viện đóng trên địa bàn TPHCM vì buồn chuyện cá nhân và công việc đã uống khoảng 20 viên thuốc Mimosa, gây ngộ độc.

Sở Y tế TPHCM cho biết, có nhiều nhân viên y tế bị hội chứng burn out (được hiểu là sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc). Trên thực tế, hội chứng này không chỉ diễn ra ở ngành y tế.

Theo phân loại bệnh quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người bị hội chứng burn out thường cảm thấy bị kiệt sức, hoài nghi về công việc của mình và hiệu quả công việc giảm hẳn.

Mặc dù hội chứng trên có thể được can thiệp điều trị tích cực nhưng ngăn chặn nó ngay từ đầu là tốt nhất.

Cả thế giới này đang chống lại mình

Ánh đèn văn phòng sáng lên giữa cảnh đêm nhộn nhịp của Sài Gòn nhưng mọi thứ dần trở nên lạc lõng và xa xôi trong đôi mắt mệt mỏi của L. Những ngày lễ tết, khi mọi người hối hả chuẩn bị cho kỳ nghỉ, cô dường như mất hứng thú với công việc. Lịch đi công tác tỉnh, các cuộc hẹn với đối tác ngày càng trở nên nặng nề và mỗi deadline (thời hạn để hoàn thành công việc) như một gánh nặng đè lên đôi vai mệt mỏi.

Nhiều người trẻ thời nay chịu đựng áp lực phải cống hiến hết mình cho xã hội, để rồi đánh mất hy vọng vào ngày mai vì kiệt sức - Nguồn ảnh minh họa: Getty Images
Nhiều người trẻ thời nay chịu đựng áp lực phải cống hiến hết mình cho xã hội, để rồi đánh mất hy vọng vào ngày mai vì kiệt sức - Nguồn ảnh minh họa: Getty Images

Chỉ mới sáng nay, cô cảm giác cả thế giới này đang chống lại mình. Chiến dịch quảng cáo đầy tâm huyết của nhóm cô chẳng được sếp vùng nhắc đến. Nhân viên dưới quyền liên tục gửi email xin nghỉ việc hay cáo bệnh về sớm mà cô biết rõ là họ đi tiệc với nhóm bạn nào đó. Cô đã dự hơn 4 cuộc họp trong ngày. Việc ăn uống cho ra hồn cũng không thể vì cô không dám rời chiếc máy tính để duyệt file, làm báo cáo, duyệt các quy trình.

Cảm giác kiệt sức không chỉ đến từ công việc mà còn từ sự cô đơn và tách biệt, khiến mọi niềm vui trở nên xa vời. Cô cần một lời mời gọi để đủ can đảm đóng máy tính và rời văn phòng vào lúc 22g. Thế nhưng, cô đã chia tay bạn trai khi bước vào guồng công việc này cách đây 4 năm. Nhóm bạn học cũng đã loại cô ra vào mỗi dịp tụ tập vì họ luôn biết trước kết quả là lời từ chối.

Màn hình máy tính của cô lại phát sáng kèm tiếng bíp quen thuộc, email từ công ty mẹ quyết định dời ngày ra mắt sản phẩm mới sớm hơn. Làm việc bất kể ngày đêm, cuối tuần, cơn đau bao tử quặn lên khiến cô gập người, ngã lăn ra thảm. Ý nghĩ từ bỏ mọi thứ bỗng xuất hiện nhưng cô không còn đủ sức làm bất cứ điều gì nữa.

Xe không còn một giọt xăng

Hội chứng kiệt sức tinh thần (giới trẻ thường gọi là burn out) ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Làn sóng nhân viên cạn kiệt sức khỏe tinh thần ngày càng lan rộng đến những quốc gia đang phát triển vốn có ưu thế về nguồn nhân lực. Những cô gái trẻ trong cao ốc văn phòng như L. ngày càng nhiều.

Người đầu tiên đưa ra khái niệm này là Herbert Freudenberger - nhà tâm lý học người Mỹ. Ông nhắc đến burn out vào năm 1974, trong một luận án. Đến năm 2019, burn out chính thức được WHO định nghĩa trong ICD - phân loại quốc tế về bệnh tật - là “một hội chứng phát sinh do căng thẳng tại nơi làm việc trong thời gian dài mà không được điều chỉnh”. Đây cũng là lời cảnh báo tình trạng suy nhược tâm lý do công việc quá tải ngày càng nhiều và trở thành một vấn nạn lớn.

Là một nhân viên ưu tú, việc H. quyết định nghỉ việc đột ngột để điều trị tình trạng kiệt sức tinh thần khiến cả công ty bất ngờ. Anh cho biết: “Không chỉ phải hoạt động trí óc quá nhiều cho các kế hoạch marketing của công ty đến nỗi não kiệt quệ, tôi còn luôn trong tình trạng bất an với hàng loạt nỗi lo lắng, chẳng hạn như bài thuyết trình của mình có lỗi gì không, có ai soi vào điểm yếu trong kế hoạch không, liệu sếp có thích hướng đi này không... Hàng trăm nỗi lo luôn bám theo tôi từ văn phòng đến khi về nhà khiến tôi không có một phút nghỉ ngơi”.

Cảm thấy luôn lo lắng và ám ảnh công việc là con đường dẫn đến căng thẳng và nhanh chóng đi đến hội chứng burn out.

Một hình ảnh quen thuộc thường được giới tâm lý ví von về hội chứng kiệt sức tinh thần là chiếc xe đã cạn kiệt xăng phải nằm ì giữa đường. Chiếc xe cần được cứu hộ. Người bị hội chứng cháy sạch năng lượng cũng như thế. Họ đã trở nên quá tải và suy nhược. Mọi thứ diễn ra gần như bất ngờ, chỉ khi nó bộc phát dữ dội thì đã muộn. Bạn nằm gục tại chỗ, không còn chút năng lượng để làm bất kỳ việc gì nữa.

Vì sao nên nỗi?

Vì sao tôi cháy sạch năng lượng? Câu trả lời khá rõ ràng: do quá tải công việc và môi trường căng thẳng tại nơi làm việc. Sự đòi hỏi quá cao từ cấp trên, từ công ty mẹ vô tình giáng lên đầu nhân viên những tảng đá khổng lồ khiến họ phải vùng lên một cách “phi thường”.

Chia sẻ của Y. - nhân viên một sàn thương mại điện tử - cho thấy rõ “bức tranh burn out” trong thời điểm hiện tại: “Trong cơn khủng hoảng của năm qua, công ty đã có 2 đợt cắt giảm gần 50% nhân sự. Khi chúng tôi đang quá tải với việc lấp vào những chỗ trống và chật vật không để rớt KPI, công ty lại quyết định nâng doanh số cho năm mới lên gấp đôi. Quả là việc không tưởng. Hoặc bạn làm việc như một vị thần hoặc dọn đồ ra khỏi văn phòng”. Email liên tục về những vị trí cấp cao bị nghỉ việc để thắt lưng buộc bụng càng làm tình hình văn phòng của sàn thương mại này thêm căng thẳng.

Bên cạnh tình hình kinh tế ảm đạm sau đại dịch, áp lực phải tìm mọi cách bù đắp thiệt hại càng làm cỗ máy nhân viên phải vận hành tối đa và nhanh chóng cháy sạch. Giáo sư Chrisrtina Maslach - chuyên gia về hội chứng burn out - cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa của hội chứng này không phải do cá nhân mà là tổ chức và chúng ta chỉ có thể ngăn chặn được nó ngay từ giai đoạn đầu thông qua sự lãnh đạo của các CEO và người quản lý tổ chức”.

Đây là một câu chuyện có lẽ không mới. Nhiều công ty, tập đoàn đã thấy và liền ra tay chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên tích cực hơn nhưng mọi thứ chỉ như muối bỏ bể. Cơn sóng thần burn out vẫn đang nhấn chìm các tòa cao ốc văn phòng. Người trong giới văn phòng không còn cách nào khác ngoài việc tự bảo vệ bản thân trước khi quá muộn.

Cần “sạc” dự phòng trước khi cạn kiệt

Khi đã thực sự rơi vào tình trạng kiệt sức tinh thần, đáp án gần như duy nhất là tìm sự hỗ trợ từ các nhà tham vấn chuyên nghiệp. Hậu quả của hội chứng này khá nhiều nhưng đáng lo nhất là chúng ta không còn tin tưởng bản thân. Từ đó, mọi thứ được xây dựng bấy lâu, nay bị chính ta xô đổ không thương tiếc. Vì thế, điều thiết thực nhất khi nói về hội chứng burn out là cách phòng ngừa, đừng để pin năng lượng rơi xuống mức zero rồi mới cuống cuồng đi sạc. Đúng như pin điện thoại di động thông minh thời nay, cứ rảnh tay là sạc nhồi cho an tâm, chẳng bị chai pin đâu mà sợ!

Lời khuyên từ chuyên gia tâm lý

Đầu tiên, hãy điều chỉnh lại kỳ vọng trong công việc cho vừa tầm với khả năng, vạch ra những giới hạn của bản thân và giữ vững. Dù bận rộn đến đâu, chúng ta cũng cần tạo ra những khoảnh khắc cá nhân để thư giãn và phục hồi. Hãy luyện tập để sẵn sàng nói không với những công việc vượt quá xa khả năng tiếp nhận. Nghiện việc từng là động lực mạnh mẽ cho bạn bứt phá nay phải điều chỉnh. Bạn nên “chia lửa” năng lượng sang những điều quan trọng khác của cuộc sống như gia đình, tình cảm, bạn bè. Dồn hết trứng vào một rổ công việc không phải là cách hiệu quả lâu dài.

Những liều vitamin tinh thần “nho nhỏ nhưng có võ” để phòng ngừa hội chứng kiệt sức tinh thần chính là thực hành các kết nối với thế giới xung quanh như gia đình, thiên nhiên, động vật, bạn bè… Thực hiện một cách có quy củ việc nghỉ ngơi, du lịch, gặp mặt bạn bè... sẽ giúp bạn nhanh chóng phục hồi năng lượng. Chăm sóc bản thân (tập thể dục, thiền, tắm thư giãn, ăn uống khoa học…) nên là nhiệm vụ phải làm cho việc phòng ngừa. Nên tìm đến những thú vui nho nhỏ (xem phim, nghe nhạc, thưởng trà, đọc sách, làm bánh, làm đồ thủ công…) để nuôi dưỡng thêm cảm xúc tích cực.

Một lưu ý nhỏ: người bị hội chứng kiệt sức tinh thần không phải là bị trầm cảm, lo âu hay rơi vào bệnh tâm lý. Có thể dùng hình ảnh, hội chứng kiệt sức tinh thần này chính là bậc thềm dẫn lối vào các loại bệnh trên.

Phạm Đoàn Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI