Kiệt sức chốn văn phòng - cạn sức phấn đấu, người trẻ chọn... "buông trôi"

29/09/2024 - 07:59

PNO - Sức ép công việc, nạn thất nghiệp, “bão giá” cùng các thực trạng bất cập khác giữa xã hội hiện đại đang làm gia tăng hội chứng burn out.

Không chỉ gây ám ảnh trong môi trường lao động, cảm giác bị rút cạn sức lực tiềm ẩn tác động nguy hại đến muôn mặt đời sống. Tại hàng loạt quốc gia châu Á đông dân, “bóng ma” burn out khiến không ít thanh niên quyết định buông xuống mọi nỗ lực.

Lớn lên ở một thị trấn nghèo thuộc miền Đông Trung Quốc, Li từng trông đợi được đến thành phố lớn, làm việc hết mình vì tương lai tươi đẹp hơn. Hoài bão thời niên thiếu đẹp đẽ là thế nhưng giờ đây, sau hàng năm liền bươn chải cật lực, người thanh niên 25 tuổi này chỉ muốn duy nhất một điều: được nghỉ ngơi.

“Khắp đất nước, có rất nhiều người trẻ đang “mắc kẹt” giống tôi. Chúng tôi phải cố hết sức để vào được một trường đại học tốt, sau lại phải mệt mỏi tranh đấu giành lấy một việc làm tốt. Kể cả khi đủ sức cùng may mắn vượt qua 2 thử thách khó khăn đó, đời sống lại cuốn bạn vào cuộc ganh đua căng thẳng khác nếu bạn không muốn tụt lại hay thua kém ai” - Li than thở.

Đánh mất khao khát nỗ lực

Học tập chăm chỉ ngày đêm để tốt nghiệp thạc sĩ một trường luật danh giá, Li từng kỳ vọng có thể đến Bắc Kinh thử việc cho một hãng luật quốc tế. Thế nhưng, sự tranh đua khốc liệt với nhóm ứng viên bằng cấp còn xuất sắc hơn anh chỉ để chiếm được vị trí thực tập sinh khiến Li rơi vào trạng thái suy sụp. “Tôi đã làm hết khả năng nhưng cuối cùng vẫn đành chấp nhận hạ thấp yêu cầu, làm việc tại một công ty địa phương. Ngày nay, khi chứng kiến những học sinh học hành quên cả bản thân như tôi trước kia, tôi thấy chua xót lẫn kiệt sức thay họ” - Li nói.

Học sinh tỉnh Hà Bắc ôn tập cường độ cao trước kỳ thi tuyển sinh đại học - Nguồn ảnh: AFP
Học sinh tỉnh Hà Bắc ôn tập cường độ cao trước kỳ thi tuyển sinh đại học - Nguồn ảnh: AFP

Là một trong những nạn nhân của burn out, Li ủng hộ tư duy “nằm phẳng” - theo đuổi cuộc sống giản đơn, không còn tha thiết với các giá trị mang tính quy chuẩn như xây dựng tổ ấm riêng, tìm kiếm công việc lý tưởng. Dẫu kéo theo vô số tranh cãi, triết lý này bắt đầu nổi tiếng vài năm trở lại đây tại Trung Quốc - nơi giá nhà, mức sống và điều kiện làm việc trong các thành phố lớn ngày càng khắc nghiệt.

Hiện tượng thanh niên dần từ chối nỗ lực kiếm sống, vươn lên do phải chịu đựng áp lực đè nén không chỉ đáng báo động ở Trung Quốc. Trên khắp châu Á, người trẻ lo sợ rằng họ đang bỏ ra quá nhiều nhưng nhận lại quá ít.

“Nhiều thanh niên hiện nay đang cảm thấy kiệt sức. Họ không hiểu vì sao bản thân phải cố gắng không ngừng đến mức vắt kiệt thể xác lẫn tinh thần” - Lim Woon-taek - giáo sư chuyên ngành xã hội học Đại học Keimyung (Hàn Quốc) - nhận định.

Tại Hàn Quốc, burn out đi liền, thậm chí làm trầm trọng hơn những nỗi thất vọng khác liên quan đến đời sống xã hội. “Tôi không còn mơ mộng một cuộc hôn nhân như ý, sinh con hay mua nhà nữa” - nữ sinh viên Shin Ye-rim chia sẻ. Đang vất vả với việc đèn sách ở trường đại học danh tiếng Yonsei (Seoul), Shin tiết lộ cô không còn tâm sức cũng như hy vọng về mục tiêu gia đình, con cái. Cô thẳng thắn thừa nhận: “Tôi không chắc cho dù có cố gắng hết sức, với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở nhiều thành phố lớn, sau này tôi có thể trang trải đủ để nuôi con, chăm lo tốt tổ ấm của mình”.

“Những đứa trẻ toàn thời gian”

Một khảo sát cộng đồng quy mô lớn tiến hành ở Hàn Quốc cho thấy: 74% người trưởng thành tiết lộ họ phải từ bỏ ít nhất một thứ - tình yêu, hôn nhân, các hoạt động giải trí, nhà cửa hay khía cạnh nào khác trong đời - vì khó khăn kinh tế và sức ép đến từ công việc, sinh hoạt.

Giáo sư Lim lý giải: “Thị trường lao động ảm đạm đang thách thức người trẻ. Giống như burn out khi học tập, làm việc, nạn thất nghiệp bào mòn tinh thần nghiêm trọng không kém, đến mức bạn không còn hứng thú nghĩ tới tương lai”.

Một hệ quả mới đây của nó là “những đứa trẻ toàn thời gian” - những người trẻ không có việc làm lựa chọn sống lâu dài bên cha mẹ thay vì ra ngoài tự lập hay kết hôn. Năm ngoái, loạt video mô tả làn sóng này đăng tải trên mạng xã hội đã khiến dư luận Trung Quốc xôn xao. Ở quốc gia hiện có hơn 6 triệu thanh niên thất nghiệp, giới trẻ dường như đang sẵn lòng buông bỏ cách nghĩ truyền thống về các thành tựu cá nhân. “Tôi dắt chó đi dạo, giặt quần áo, lau dọn phòng ốc và đi mua sắm giúp người nhà” - Xiaoyi - một cô gái trẻ sống ở ngoại ô TP Thành Đô (miền Nam Trung Quốc) - cho biết.

Ý tưởng sống bám vào gia đình dễ gây chỉ trích tại nhiều nước phương Đông lẫn phương Tây. Dẫu vậy, một số bậc cha mẹ lại sẵn lòng tiếp nhận vấn đề, đơn thuần vì muốn con cái họ tránh được áp lực dai dẳng từ xã hội bên ngoài.

Bi quan mãi có phải giải pháp?

Một bộ phận giới trẻ Nhật Bản cũng đang muốn thoát khỏi trách nhiệm, nỗ lực bởi guồng quay cuộc sống quá nhanh và hà khắc.

Sinh viên tại một hội chợ việc làm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Người trẻ nước này đứng trước nguy cơ mất việc cao hơn hậu đại dịch, khi nền kinh tế và thị trường lao động đều chịu ảnh hưởng nặng nề - Nguồn ảnh: Getty Images
Sinh viên tại một hội chợ việc làm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Người trẻ nước này đứng trước nguy cơ mất việc cao hơn hậu đại dịch, khi nền kinh tế và thị trường lao động đều chịu ảnh hưởng nặng nề - Nguồn ảnh: Getty Images

Ra đời từ năm 2010, thuật ngữ “satori sedai” (thế hệ từ bỏ phấn đấu), phản ánh thái độ có phần tiêu cực khi nhắc đến tương lai của một số người lao động trẻ. Cùng với đó, nhiều cá nhân trong số họ gần như không theo đuổi ham muốn vật chất.

“Tôi chỉ chi tiền mua những gì tôi nghiêm túc yêu thích và tìm được giá trị cụ thể từ chúng” - Kenta Ito - 27 tuổi, một nhân viên văn phòng có phong cách sống tối giản theo tinh thần satori sedai - bày tỏ. Đảm đương công việc nhiều sức ép nhưng thu nhập khá cao trong một công ty tư vấn tại Tokyo, Ito trái ngược hầu hết đồng nghiệp xung quanh. Anh không ra sức tích cóp mua nhà, tậu xe.

“Những người ủng hộ triết lý satori sedai làm việc đúng phận sự, nghĩa vụ, ngoài ra dường như không còn gì khác làm họ hứng thú” - giáo sư, nhà nghiên cứu nhân chủng học Sachiko Horiguchi, công tác tại Đại học Temple (Tokyo) chia sẻ. Hiện trạng kinh tế đình trệ, tiền lương tăng chậm trong khi mức sống cao cùng những gánh nặng tâm lý thường trực như trầm cảm, burn out tạo ra một thế hệ trẻ dần trở nên hờ hững với nhiều điều.

Mặt khác, Kenta Ito lo sợ, tốc độ già hóa dân số nhanh đến đáng ngại thời gian qua ở khu vực châu Á sẽ khiến người trẻ thêm chùn bước, không còn cảm hứng phấn đấu. Anh nói: “Khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng nhiều, lượng lớn tiền thuế sẽ dành để chăm sóc họ. Vì thế, cuộc sống có thể càng khó khăn hơn với thế hệ thanh niên chúng tôi”.

Nhưng, liệu có ổn không nếu chúng ta cứ duy trì cái nhìn bi quan về tương lai vì đang cảm thấy kiệt sức ở hiện tại? Phó giáo sư kinh tế học Terence Chong của Đại học Trung văn Hồng Kông (Hồng Kông, Trung Quốc) phản đối cách sống dậm chân tại chỗ như thế: “Tình trạng kiệt quệ tinh thần để rồi trở nên dửng dưng hơn trước hiện thực thực sự đang là mối lo ám ảnh không ít người trẻ. Nhưng tôi tin, tư tưởng chán trải nghiệm - chán nỗ lực sẽ không lan rộng ra toàn xã hội”.

“Nằm phẳng”, buông xuống trách nhiệm, ham muốn vì quá mệt mỏi có thể là lối sống một số thanh niên lựa chọn. Dù vậy, nó tuyệt đối không thể phác họa cách nghĩ của toàn thể cộng đồng. Suy cho cùng, phần lớn chúng ta vẫn muốn làm việc chăm chỉ và hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn” - Chong nhấn mạnh.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI