'Kiệt sức' chính thức được công nhận là một căn bệnh

28/05/2019 - 08:13

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên công nhận "kiệt sức" là một căn bệnh trong Phân loại bệnh quốc tế (ICD), một tài liệu được sử dụng rộng rãi làm căn cứ để chẩn đoán và bảo hiểm y tế.

'Kiet suc' chinh thuc duoc cong nhan la mot can benh

Quyết định trên được thống nhất tại Hội nghị Y tế Thế giới tại Geneva (Thụy Sĩ) dự kiến bế mạc ngày 28/5, một bước tiến chấm dứt nhiều thập kỷ tranh luận giữa các chuyên gia về cách định nghĩa kiệt sức và liệu có nên coi nó là một căn bệnh y tế hay không.

Trong bản cập nhật mới nhất của danh mục bệnh tật và thương tích trên thế giới, WHO định nghĩa kiệt sức là "một hội chứng được giải thích bởi hậu quả căng thẳng lâu dài tại nơi làm việc không được xử lý tốt”.

Hội chứng kiệt sức được xác định bởi 3 đặc tính: "1) cảm giác cạn kiệt năng lượng hoặc kiệt sức; 2) gia tăng sự xa lánh đối với công việc, hoặc cảm giác tiêu cực hay hoài nghi liên quan đến công việc của mình và 3) suy giảm hiệu quả chuyên môn”.

Theo phân loại của WHO, “kiệt sức liên quan cụ thể đến bối cảnh nghề nghiệp và không được dùng để mô tả trải nghiệm trong các lĩnh vực khác của cuộc sống”.

Danh sách cập nhật của ICD, có tên là ICD-11, được soạn thảo năm ngoái theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế trên toàn thế giới, đã được chính chức phê chuẩn hôm 25/5. Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic nói với báo giới “đây là lần đầu tiên kiệt sức được đưa vào Phân loại bệnh quốc tế (ICD)”.

ICD-11, có hiệu lực từ tháng 1/2022, bao gồm một số nội dung khác được bổ sung trong đó có phân loại "hành vi tình dục bắt buộc" là một rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, lần đầu tiên IDC thừa nhận chơi video game là một chứng nghiện và được liệt kê cùng với cờ bạc và ma túy.

Cập nhật IDC loại bỏ chuyển đổi giới tính khỏi danh sách các rối loạn tâm thần và đưa nó vào chương "các căn bệnh liên quan đến sức khỏe tình dục".

Thanh Hiền (Theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI