Kiệt quệ vì dịch bệnh, chủ trường mầm non tư thục ồ ạt rao bán cơ sở

20/12/2021 - 12:22

PNO - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của COVID-19, nhiều trường mầm non tư thục đã phải tạm dừng hoạt động, không gánh được chi phí, một số chủ trường phải rao bán cơ sở.

Phải đóng cửa liên tục vì dịch COVID-19, nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội cũng như TPHCM không gánh nổi chi phí mặt bằng, buộc phải rao bán nhanh trên mạng xã hội.

 

Không khó để tìm các lớp mầm non tư thục có nhu cầu sang nhượng
Không khó để tìm các lớp mầm non tư thục có nhu cầu sang nhượng

Những ngày này, nhiều trường mầm non tư thục tại TP.Hà Nội, TPHCM đang liên tục được rao bán, sang nhượng gấp. Không khó để tìm kiếm thông tin về những trường mầm non tư thục đang có nhu cầu sang nhượng trên mạng xã hội. Thế nhưng, một thực trạng chung là cho dù có chào mời người mua với mức giá sang nhượng chỉ từ 100 - 500 triệu đồng, một số trường mầm non tư thục còn sẵn sàng để lại toàn bộ nội thất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học miễn phí nhưng khách mua cũng không mấy mặn mà.

 

 

 

Nhiều trường chấp nhận bán lỗ nhưng người mua cũng không mặn mà
Nhiều trường chấp nhận bán lỗ nhưng người mua cũng không mặn mà

Chị Trịnh Lệ Hằng - chủ một cơ sở mầm non tư thục tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết sau hơn 8 tháng cầm cự đã buộc phải quyết định sang nhượng trường dù không đành lòng nhưng cũng không còn cách nào khác.

“Vốn là cô giáo mầm non, cách đây hơn 2 năm, tôi thuê mặt bằng là hai căn biệt thự liền kề để mở trường mầm non tư thục. Thời gian đầu, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn nhưng vì đam mê và nỗ lực của cả tập thể nhà trường, phụ huynh bắt đầu tin tưởng và gửi con nhiều hơn, có thời điểm số học sinh của trường đến cả trăm em.

Ai cũng vui mừng vì những bước tiến vượt bậc nhưng rồi dịch bệnh ập đến, trường 3 lần phải đóng cửa và lần lâu nhất là từ tháng 4/2021 đến nay.

Mỗi tháng tôi phải trả 120 triệu tiền thuê mặt bằng. Những tháng đầu lớp học đóng cửa thì còn cố gắng vay chỗ nọ, chỗ kia để trả tiền thuê nhưng đến giờ thì có muốn cũng không cố thêm được. Cơ sở vật chất đầu tư hơn 800 triệu, giờ tôi chỉ sang nhượng 200 triệu nhưng cũng không có mấy người mặn mà”, chị Hằng kể.

Cũng là chủ trường mầm non tại quận Hà Đông, chị Phạm Hà Thu cho biết ở những đợt dịch trước, dù vẫn phải đóng cửa trường nhưng do thời gian giãn cách xã hội ngắn nên sớm phục hồi còn đợt dịch bệnh này ở Hà Nội chưa biết khi nào mới dừng lại.

“Lần này, chưa biết bao giờ trường học mới được mở cửa trở lại khi mỗi ngày có hàng ngàn ca mắc mới. Tính ra, mỗi tháng tiền thuê mặt bằng cũng là 50 triệu, 8 tháng qua tôi mất 350 triệu, chưa kể nộp bảo hiểm cho các cô giáo để giữ chân họ.

Không còn con đường nào khác, tôi đành phải sang nhượng trường. Tôi đăng bài sang nhượng trường trên mạng xã hội cả tháng nay với giá rẻ bèo nhưng cũng không có khách, có thì họ cũng ép giá rẻ như cho”, chị Thu nói.

 

Không chỉ Hà Nôi, tại TP.HCM nhiều chủ nhóm mầm non cũng cần tìm người sang nhượng gấp
Tại TPHCM, nhiều chủ nhóm lớp mầm non cũng cần tìm người sang nhượng gấp

Tại TPHCM, chị Hà Kim Phương - chủ một nhóm trẻ mầm non tư thục tại quận Bình Thạnh - cũng đang rao bán trường, "sang nhượng" cả giáo viên, cả trò với mức giá chỉ khoảng hơn 300 triệu đồng.

“Nhóm lớp rộng, thoáng mát, khu vực đông dân cư. Khi trường học mở cửa thì có 6 lớp hoạt động với khoảng 80 cháu. Tôi để lại hết cơ sở vật chất từ máy chiếu, ti vi, đồ chơi... không lấy đi bất kỳ gì, kể cả giáo viên, học sinh. Giá tôi đưa ra gần như chỉ tính 1/2 tiền đầu tư cơ sở vật chất. Tôi xác định giải thể chứ không thể trụ được nữa nhưng khách mua lại trả cỡ 100 triệu”, chị Phương thông tin. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2021 - 2022 có 151 cơ sở giáo dục mầm non (124 nhóm trẻ, 27 trường) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học. Đầu tháng 10, do không trụ nổi trước đại dịch, gần 100 chủ trường mầm non tại TPHCM đã có thư kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Còn đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt đối với cấp học mầm non. Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT đã rà soát, đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Kết quả khảo sát cho thấy, 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ để có chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên mầm non nói chung, giáo viên mầm non các trường ngoài công lập nói riêng, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI