Kiệt quệ tinh thần vì gánh cậu em lầy lội

21/08/2019 - 05:30

PNO - Dung bị rơi vào trạng thái mất sạch cảm xúc hơn một năm nay. Nếu có ai đó chợt hỏi, bây giờ chị thích nhất được làm việc gì, hoặc hưởng thụ gì, chị sẽ đần cả người ra vì thực sự không có câu trả lời.

Chị không biết là mình thích cái gì nữa! Hồi chưa có chồng, chị thích nhiều thứ lắm. Thích đi xem kịch ở nhà hát, nghe nhạc pop, thích đi khám phá thành Rome, thích chèo thuyền trên sông Hồng, thích xem bóng đá, thích ngồi cà phê bên bờ Hồ Gươm đúng mùa thu…

Khi lấy chồng rồi thì chị thích có hai đứa con xinh xắn, thích du lịch cùng cả gia đình. Nhưng từ khi chị thành lập công ty riêng, giàu có hơn và bận rộn hơn, nhiều trách nhiệm hơn, thì chị dần mất đi những thú vui có từ xưa.

Có người tặng đôi vé VIP đi xem kịch, Dung cũng thờ ơ rồi nhường vé cho đứa cháu gái và người yêu nó đi thưởng thức. Chị ở nhà kiểm tra bản quyết toán thuế công ty. Mùa hè, cả nhà du lịch Mũi Né, chị chẳng thiết ra ngoài tắm biển hay thăm thú danh lam thắng cảnh, chỉ nằm trong phòng khách sạn ngủ hoặc lướt web trong nỗi thờ ơ chán chường. Hình như có con quỷ vô hình đã hút sạch niềm vui và cảm xúc ra khỏi chị. Hình như tâm hồn Dung cũng đã chết lâu rồi.

Kiet que tinh than vi ganh cau em lay loi
Ảnh minh họa

Ai đã gây nên nông nỗi này cho chị? Chị tự đặt câu hỏi này cho mình rồi nghĩ ngay ra: thằng em dại. Dung có một cậu em trai kém chị hai tuổi, tên Thọ. Thọ từ nhỏ đã là đứa em bấy bứ, luôn bám Dung và chị phải giải quyết mọi sự cố cho nó, từ việc nó bị bạn bắt nạt, tới việc làm bài cô giáo giao về nhà, rồi mua xe đạp, mua giày mua bóng…

Do bố Dung bị bệnh nằm liệt giường từ khi Dung lên 12 tuổi, mẹ Dung phải luôn bên cạnh chăm sóc bố Dung, nên cực chẳng đã, Dung không chỉ làm hết mọi việc trong nhà thay mẹ, mà còn phải làm “mẹ" của em trai mình.

Thọ có lớn mà không khôn, không chịu học, chỉ mải lêu lổng chơi bời, khiến Dung luôn phải chạy theo em giải quyết hậu quả. Cực nhất là việc chạy điểm cho em tốt nghiệp Trung học phổ thông, chạy điểm để có thể tốt nghiệp Đại học, Dung đều phải chịu đựng cả. Cho đến khi Thọ ra trường, cầm tấm bằng Đại học Kinh tế, Dung mới thở phào nhẹ nhõm, cho rằng mình có thể buông từ đây.

Nhưng Thọ không chịu đi làm, cứ ở nhà ngủ dài. Mẹ Dung nhìn thấy cảnh ấy, không chịu nổi, đành bảo Dung nhận em trai về công ty riêng của chị để nó có việc làm. Dung thương em, nể mẹ, nên nhận Thọ vào làm công việc quản lý các hợp đồng với khách hàng. Công ty chị làm dịch vụ thiết kế nội thất, nên có nhiều khách hàng cả lớn lẫn nhỏ, Dung kiếm được khách về, ký hợp đồng xong thì giao em trai coi sóc việc thực hiện hợp đồng.

Thọ làm một thời gian, khách hàng kêu ca, phàn nàn quá nhiều, Dung đành cho Thọ sang giữ vị trí quản lý nhân sự, trả lương 20 triệu đồng/tháng. Dung nghĩ, mình trả lương cao cho em, em sẽ có trách nhiệm với công việc hơn, và có đủ kinh phí để nuôi vợ con.

Kiet que tinh than vi ganh cau em lay loi
Không thiếu những bà chị khốn khổ vì phải gánh cậu em trai chị lầy lội. Hình minh họa.

Có vị trí tốt, lương khá, nhưng Thọ tiếp tục gây ức chế cho chị gái. Anh đi làm muộn hơn cả nhân viên, lại tranh thủ về sớm để đón con từ trường mẫu giáo, mặc dù vợ anh chỉ ở nhà, không đi làm, cô ta cũng không đón con. Những trái khoáy ấy của Thọ khiến Dung không chịu nổi, chị dọa cho Thọ nghỉ việc. Thọ về mách với mẹ, bà lại khóc lóc trách móc Dung, khiến chị không dám đuổi việc em trai.

Gánh nặng gia đình, kinh doanh liên tục gây sức ép, khiến Dung bị căng thẳng, mất ngủ triền miên. Thêm thằng em dại làm việc lờ vờ như bóng ma, tạo thói quen không tốt ở công ty, càng chất chứa nỗi uất ức trong Dung. Chị không thể xả ra với ai được, kể cả chồng, hay bạn thân. Bởi mỗi lần như thế, câu trả lời của họ chỉ là: cho thằng em dại nghỉ việc!

Dung thì vẫn chưa dám mạnh tay, vẫn cả nể em và mẹ. Dần dần, những ức chế ấy bào mòn cảm xúc trong chị, khiến chị thành cỗ máy vô cảm.

Kiều Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI