Kiệt cùng vươn lên: Số phận càng nghiệt ngã, càng phải sống mạnh mẽ (Phần 1)

23/10/2018 - 09:00

PNO - Có những người phụ nữ, dù trong cuộc đời có bị vùi dập bởi bao nhiêu phong ba bão táp, họ vẫn vươn lên hướng về phía mặt trời. Câu chuyện đầy truân chuyên của người phụ nữ này hẳn sẽ khiến bạn khâm phục.

Là con gái thứ 2 trong một gia đình 7 anh chị em, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (36 tuổi, hiện đang sống tại TP. HCM) chọn cách nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em. Những sóng gió liên tiếp đến khi chị bị bóc lột sức lao động, bị mất cắp, gặp biết bao trắc trở trong tình yêu và bị phản bội. Nhưng như thế nào đã đủ, sau này, chị lại chọn nhầm một người đàn ông trăng hoa, vô tâm.

Trong thời gian chị chạy chữa vì hiếm muộn, vất vả vì công việc kinh doanh, 2 cô nhân tình của chồng vác 2 cái bụng bầu đến gõ cửa để gặp chị... Ngày chị mang thai và sinh con cũng chỉ có một mình, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần đến trầm cảm. Nhưng rồi, với chị, mạnh mẽ là một lựa chọn sống còn. Để sau tất cả, đã có thể an vui bên cạnh đứa con trai duy nhất của mình.

Kiet cung vuon len: So phan cang nghiet nga, cang phai song manh me (Phan 1)

Chị đã phải trải qua rất nhiều những gian nan thử thách để có được an yên hiện tại. Ảnh nhân vật cung cấp

18 tuổi, tốt nghiệp cấp 3, chị rời mảnh đất Tây Ninh nắng cháy da người lên Sài Gòn với mong muốn kiếm tiền để được học tiếp, để thay đổi cuộc sống và phụ ba mẹ nuôi 5 đứa em ăn học. Công việc chị chọn làm những ngày đầu ở Sài Gòn là công nhân xí nghiệp giày da của người Đài Loan làm chủ. Trong căn phòng 10m² có gác, chị ở trọ cùng 4 chị cùng quê nữa. Ban ngày nóng hầm hập, trên mặt lúc nào cũng có cái khăn ướt vì quá nóng. Ban đêm nằm xếp lớp như cá mòi.

Thế nhưng làm được 1 ngày, chị quyết định xin nghỉ. “Tôi nói với các chị, tôi không thể thoải mái đi làm khi mà đến nhu cầu đi vệ sinh cũng phải viết giấy xin, chờ quản lý ký đồng ý mới được đi. Ai bị tào tháo rượt chờ đồng ý chắc ướt hết quần”.

Rồi chị liên lạc với người cô bà con xa ở Tân Bình, xin ở lại và làm việc. Chị xách balo với vài bộ quần áo và 10 ngàn đồng đủ đi xe buýt lên Tân Bình, mong sẽ tìm được công việc khác và kéo những các chị đi theo. Ấy thế nhưng hy vọng đó nhanh chóng bị dập tắt khi chị phải trải qua những ngày tháng bị bóc lột sức lao động đến rạc người.

“Nhà cô tôi kinh doanh vật liệu xây dựng giàu có lắm. Sáng tôi ra cửa hàng phụ bán, chiều 3g đi thu tiền các cửa hàng, tối dọn dẹp rửa chén lau nhà giặt giũ cho cả nhà cô. Khuya tối hàng về thì bốc xếp, vác nặng đến rong kinh triền miên, đêm làm hoa voan tới 4,5g sáng, mắt mở không nổi phải nói dối cô buồn đi vệ sinh để vào WC mà gục xuống. Cứ nghĩ rằng mình làm nhiều giờ như thế chắc lương cũng được kha khá giúp gia đình. Nhưng cuối tháng, cô trả lương được 600 nghìn, chỉ bằng 1/3 của các nhân viên khác. Cô bảo vì cô bao chỗ ăn chỗ ở”.

Kiet cung vuon len: So phan cang nghiet nga, cang phai song manh me (Phan 1)

Với chị, mạnh mẽ là một lựa chọn sống còn. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhưng khó khăn chưa dừng ở đấy khi một buổi chiều đang đi thu tiền hộ người cô, chị đã bị cướp xe, trong cốp còn có thêm 5 triệu tiền mặt vừa mới thu được. Và từ đó, làm cuối tháng chị bị giữ lại một nửa lương trừ vào tiền mất xe. Giam mình trong phạm vi đó hết 2 năm, chị xin được công việc bán hàng vật liệu xây dựng cho công ty khác với mức lương khá hơn. Khi này chị đã 20 tuổi. Hàng ngày hơn 4g sáng dậy đi bộ ra trạm xe buýt, sau đó đi thêm 3 tuyến xe buýt mới tới chỗ làm, ngày nào cũng đi 110km cả đi về.

Rồi chị chịu khó làm, đi dạy kèm và dành dụm. Buổi tối chị đi học các khóa học và lớp tại chức. Chị giúp mẹ đóng tiền học cho các em, mua được 1 chiếc xe máy và sửa được cho ba mẹ căn nhà ở quê tươm tất hơn.

Nhưng khi cuộc sống bớt ăn hôm nay lo ngày mai, chị lại phát hiện có khối u trong ngực. Đi khám, bác sĩ khuyên chị mổ để xét nghiệm u lành hay ác tính. Đến hẹn, chị tự chạy xe đi, mổ xong tỉnh thuốc mê thì tự về.

Kiet cung vuon len: So phan cang nghiet nga, cang phai song manh me (Phan 1)

Là người có nhan sắc, lại chịu khó nhưng chị gặp không ít trắc trở. Ảnh nhân vật cung cấp

Chị từ chối vài cơ hội lấy chồng vì sợ không còn lo được cho các em vào đến đại học, vốn cũng là môi trường mà chị luôn khao khát vì không có tiền theo. Nhưng rồi trái tim chị lại lỡ nhịp trước một người đàn ông khi nhìn thấy sự chịu khó, tinh thần cầu tiến của anh. Nhưng khi cảm nhận được keo kiệt của người mình rung động, “Ngày đưa anh về quê thăm ba mẹ, lên Sài Gòn anh nói nhà đông anh em như thế, thì lấy chồng làm được bao nhiêu chắc tôi nuôi em hết”, cũng là khi chị tự ái buông tay anh.

23 tuổi, chị vẫn mang trái tim non nớt của một người con gái, dại khờ yêu. Chị quen với 1 người đàn ông khác: “Anh đã qua một lần đò, yêu tôi hết mực nhưng anh nghèo đến nỗi khi đến với tôi, anh chỉ có 2 cái quần tây và mấy chiếc áo đồng phục của công ty. Anh đưa tôi về thăm ba mẹ anh. Bước vào nhà, tôi rơi nước mắt vì nhà anh trống từ cửa trước đến cửa sau. Thương anh, thương ba mẹ anh và các em của anh, tôi ra chợ mua cho mẹ anh cái bếp gas, cái chổi, cái chiếu, cái rổ, cái nồi...”

Chị còn sắm cho anh từng đôi vớ, cái khẩu trang, mua cho anh 1 chiếc xe máy làm phương tiện. Anh muốn cưới chị và cả hai quyết tâm kiếm tiền lo cho đám cưới để ba mẹ 2 bên không phải bận tâm. Thời gian ấy, chị quản lí công ty với kinh nghiệm, sự nhạy bén của chị và chịu khó của anh nên số tiền kiếm được khá dư dả. Cuộc sống cũng đầy đủ hơn nhiều. Nhưng cuộc đời chị chỉ cần khởi sắc được một chút như thế, là thử thách lại kéo đến.

Kiet cung vuon len: So phan cang nghiet nga, cang phai song manh me (Phan 1)

Trải qua bao nhiêu đau buồn, nửa sau cuộc đời chị lại là phần rất khác... Ảnh nhân vật cung cấp

Khi chị và anh đã chuẩn bị cho đám cưới, chụp album, thuê nơi đặt tiệc cưới, chuẩn bị hết thiệp mời, cha xứ đã rao tên trên nhà thờ thì ba anh bị tai biến và liệt. “Chúng tôi hoãn lại ngày cưới để lo cho ba. Ngày ngày tôi vẫn đi làm, tối vào bệnh viện chăm ba chồng, lau chùi vệ sinh cho ba. Anh thay đổi, chưng diện và hay nói những lời khinh thường người nghèo đại loại như: đồ cùi bắp, hai lúa. Tôi cũng buồn khi anh như vậy lắm. Rồi tôi phát hiện, trong thời gian đến với tôi, anh cùng lúc quan hệ với người phụ nữ khác và cũng chuẩn bị 1 đám cưới giống hệt như với tôi”.

Tan nát, chị chủ động rời xa, chấp nhận chịu mang tiếng bị hủy hôn, anh không níu kéo, năn nỉ hay có một lời xin lỗi, tiền bạc mấy năm chung tay gây dựng được cũng 
tan đàn xẻ nghé.

Chị kiệt sức, khóc ròng trong một thời gian dài. Và khi gần như đã vượt qua được, anh lại quay về tìm chị để cầu xin tôi tha thứ, săn đón như ngày mới quen. Lòng chị tuy đã nguội lạnh nhưng sự đeo đuổi của người đàn ông ấy quá mãnh liệt. “Anh dùng dao lam cắt đứt tay mình và quỳ dưới chân mong tôi tha thứ. Không hiểu sao tôi lại nghĩ, thôi nếu là số phận, nếu mình khổ thì có lấy ai cũng khổ, giờ đồng ý đám cưới để ba mẹ khỏi mang tiếng. Và đi đặt tiệc cưới lại, đi in thiệp mời lại, và đi đăng ký kết hôn để được làm lễ cưới trên nhà thờ”.

Kiet cung vuon len: So phan cang nghiet nga, cang phai song manh me (Phan 1)

"Không hiểu sao tôi lại nghĩ, thôi nếu là số phận, nếu mình khổ thì có lấy ai cũng khổ".

Bi kịch đến với chị chỉ một ngày sau đám cưới. “Ngay sau ngày đăng kí kết hôn, anh lại qua lại với người phụ nữ ấy. “Ôi cái gì thế này, chúng ta đang làm gì vậy?”, tôi ngồi nói chuyện với anh, nói anh rằng nếu anh mang hôn nhân ra làm trò đùa thế này thì không bền và không ai hạnh phúc cả. Anh hãy quyết định trước khi làm tiệc cưới. Anh ấy bảo tuỳ em, nếu không ở được thì li dị đi.

Tôi lại dọn quần áo vào ba lô và bước đi trong đêm, sau khi vừa đăng kí kết hôn được 1 ngày. Anh nói với theo, loại đàn bà kiếm chuyện để bỏ chồng theo trai, tôi chẳng buồn trả lời, qua ngủ nhờ nhà chị bạn. Ngày hôm sau tôi lại đi làm với khuôn mặt bình thản như chưa hề xảy ra chuyện gì. Lúc này khối u trong ngực tôi lại phát triển, một lần nữa tôi lại vào Từ Dũ cắt bỏ nó đi”.

Chị bắt đầu cuộc sống đi làm, kiếm tiền, dành dụm lại từ đầu và không muốn nhớ tới cái giấy đăng kí kết hôn mà chưa được làm cô dâu cứ treo lơ lửng cuộc đời của chị thế kia nữa. Một thời gian sau, nghe tin anh cưới vợ, cưới người phụ nữ ấy, chị không buồn nhưng bất chợt có một chút hoảng loạn. “Tôi gọi cho anh, hỏi anh ơi em nghe tin anh cưới vợ, trước tiên em chúc mừng anh. Nhưng anh lấy vợ rồi, vậy còn tờ đăng kí kết hôn sao anh không cùng em giải quyết. Anh bảo anh xé rồi, anh cũng làm kết hôn với người khác rồi, em muốn làm gì em làm, cùng lắm em đánh anh đi hoặc ra tòa thưa anh đi”.

Chua chát, chị lại một mình vượt 120km về quê anh xin đơn phương ly dị. Rồi cuộc sống vẫn cứ trôi, chị vẫn sống, vẫn cố gắng trong công việc. Lúc này, 4 đứa em của chị đã lên Sài Gòn sống cùng và chị lo cho các em ăn học đầy đủ. Riêng phận mình, khi này đã gần 30 tuổi, lỡ dở một lần nhưng vẫn mơ về mái ấm gia đình, mơ về bờ vai người đàn ông sẽ cho chị dựa vào mỗi khi buồn vui của cuộc sống. Nhưng có lẽ số phận vẫn cứ mãi thử thách chị, khi lại bắt chị phải gặp một người đàn ông tệ bạc khác. Và chuyện đời chị lại thêm hồi truân chuyên...

(Còn tiếp)

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI