Kiếp sau vẫn muốn làm con dâu của má

13/11/2023 - 18:37

PNO - Má tôi thuộc kiểu người Nam Bộ hào sảng, phóng khoáng. Với bà con dòng họ, má không bao giờ tiếc gì.

Má chồng tôi nay đã ngót nghét gần 80 rồi. Đều đặn 17 năm qua, từ ngày tôi về làm dâu trong gia đình, hễ sinh nhật má là con cháu lại tề tựu đông đủ. Những năm đầu, tôi cũng có chút ngạc nhiên âm thầm: “Má lớn tuổi, còn thích tổ chức sinh nhật”. Nhưng dần dà tôi hiểu ra, má luôn tìm lý do gì đó để cả 7 anh chị em, thêm dâu rể, cháu chắt trong nhà có nhiều dịp gặp nhau, gắn chặt hơn mối thâm tình.

Nhờ những buổi tiệc gia đình nho nhỏ mà các con của chúng tôi thân thiết như anh em ruột chứ không còn giống anh em họ nữa.

Má tôi thuộc kiểu người Nam Bộ hào sảng, phóng khoáng. Với bà con dòng họ, má không bao giờ tiếc gì. Các cháu hay gọi má thân thương là cô Ba, dì Ba. Dưới quê, có ai khó khăn hoặc việc gì đại sự là thường cô Ba có mặt đầu tiên. Nhà cô Ba có khi không phải chỉ 7 đứa con, mà lên đến 8, 9, 10… Là do cô Ba “thầu” nuôi luôn các cháu ở quê vào Sài Gòn đi học.

Tác giả bên mẹ chồng
Tác giả bên mẹ chồng

Tôi từng nghe chị Hai kể chuyện nhà vào những năm ngăn sông cấm chợ, kinh tế khó khăn. Lo cho 7 đứa trẻ tuổi ăn tuổi học không phải đơn giản, nên ba má tần tảo ngược xuôi buôn bán. Vậy nhưng, nếp nhà là đầu năm, cả 7 anh chị em đều được xúng xính đồ mới đi chơi tết.

Thời đó xe cộ ít ỏi, má đi đi về về giữa Trà Vinh - Sài Gòn, cả tuần mới ở nhà 1 lần. Mỗi khi ba má về, cả nhà như mở hội. Bên cạnh một người ba cực kỳ nghiêm khắc, má là nơi ôm ấp, vỗ về cho các con sau mỗi trận la rầy hoặc mấy roi dạy dỗ của ba. Dường như những lời tâm sự, chia sẻ của má lại có tác dụng nhiều hơn. Cho đến bây giờ, má vẫn là nơi để các anh chị trút bầu tâm sự. 

Ngày vợ chồng ra riêng, tôi vẫn nhớ như in cái thùng thật to má gửi cho. 3 cái nồi đủ cỡ, 1 cái chảo, chén, đũa, muỗng, cả ly uống nước… Má chồng tôi tỉ mỉ, tinh tế vậy đó. Có lẽ tôi cũng không bao giờ quên ngày má đón tôi từ Bệnh viện Từ Dũ, lỉnh kỉnh nào sữa, nào tã, nào bình thủy… Đợi sắp xếp cho mẹ con tôi yên vị xong xuôi rồi má mới về.

Vậy mà ngay hôm sau, má đã xách qua canh đu đủ hầm móng giò và cật xào, thêm một bình rượu nếp than mà má đã đặt sẵn cả tháng trước. Má nói: “Biết con không thích cật, nhưng món này ăn được sẽ nhiều sữa. Má làm kỹ lắm, không có hôi đâu, con ráng ăn cho có sữa về”. Khoảnh khắc đó, tôi xúc động không biết mình là con dâu hay con ruột của má nữa.

Không như các bà mẹ chồng khác chỉ chăm chăm lo hoặc bênh vực con trai, má chồng tôi rất công bằng. Thấy con mình chưa đúng là má nhắc nhở liền. Lần đó, cả đại gia đình tôi đi du lịch. Đến nơi, tôi 2 tay 2 đứa nhỏ, lại thêm mớ hành lý cho cả nhà. Má nhìn thấy vậy, hỏi: “Ủa, chồng con đâu, sao không phụ con vậy?”. Rồi má kêu rần rần: “Thằng Út đâu, ra xách đồ cho vợ nè!”.

Lúc khỏe đã vậy, ngay cả khi đau bệnh má cũng nghĩ cho con cháu, không phân biệt dâu rể. Má nằm bệnh viện và bảo, tối thì để mấy thằng con trai thay phiên vô trông má được rồi. Các con dâu, con gái ghé thăm má chút thôi, tụi con đi làm về còn phải lo cơm nước, các cháu còn nhỏ tối cần hơi mẹ…

Đại gia đình mừng sinh nhật mẹ chồng tác giả
Đại gia đình mừng sinh nhật mẹ chồng tác giả

Với tình thương bao la của má, sự nghiêm khắc của ba, 7 anh chị em trong nhà đều an ổn, thành đạt. Bây giờ, ba má thích ở một mình cho đỡ phiền con cái, nhưng anh em chẳng yên tâm với tuổi già đêm hôm không có người coi sóc. Mỗi đêm, mọi người lại thay phiên nhau qua nhà ngủ với ông bà. Cứ nhìn cách mọi người chăm nom, chiều chuộng má từng li từng tí, đủ biết công lao của má đối với các con như thế nào.

Tôi chỉ mong sau này các con tôi lớn lên cũng được thuận hòa, hiếu thảo như cô, như bác của chúng đối với ông bà nội bây giờ. Nhất là lúc có dâu, nhất định tôi sẽ học theo cách của má chồng mà cư xử; để ngày nào đó, con dâu tôi cũng phải thốt lên như nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng viết: “Mẹ tuy không đẻ, không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.

Nếu thật có kiếp sau, tôi vẫn xin được làm con dâu của má. 

Trần Lai

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI