Kiêng cữ đầu năm, nhiều người bệnh trở nặng mới đi cấp cứu

25/02/2021 - 05:59

PNO - Sợ xui xẻo khi đến bệnh viện ngày đầu năm, nhiều người ráng chịu đựng. Qua tết, mới chịu vào viện thì bệnh đã trở nặng.

Sợ xui xẻo khi đến bệnh viện ngày đầu năm, nhiều người ráng chịu đựng hoặc truyền tai nhau các mẹo vặt trị bệnh… cuối cùng phải vào bệnh viện cấp cứu.

Gãy tay, vẫn ráng “Ăn tết xong” mới đi chữa

Trong ca trực mùng Bốn tết, bác sĩ Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bé N.M.T. (6 tuổi, ở Q.1, TP.HCM) với cánh tay trái được băng kín, cứng khớp không co duỗi được. Vùng da ở khuỷu tay tấy đỏ, phồng rộp, nổi mụn nước, nhiễm trùng. 

Lo ngại bác sĩ rầy, chị Thu - mẹ bé T. - nói lí nhí: “29 tết, con trai tôi ngã khi đùa giỡn. Bé than đau, cánh tay sưng to. Tôi dự định đưa bé đi bệnh viện nhưng người nhà cản vì sợ “xông đất“ bệnh viện thì... bị bệnh cả năm. Rồi thấy dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nơi phong tỏa nên tôi cho bé ở nhà bó thuốc trật đả. Hai ngày sau, con trai vẫn than đau, tê tay”. Đêm 30, mọi người hân hoan đón thời khắc giao thừa, thì chị Thu nóng ruột, mong cho qua ba ngày đầu năm để đưa con đi bệnh viện. 

Cánh tay bé T. bị gãy xương nhưng kiêng cữ bệnh viện đến cứng khớp
Cánh tay bé T. bị gãy xương nhưng kiêng cữ bệnh viện đến cứng khớp

Qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát hiện bé T. bị gãy đầu trên xương trục tay trái, nhiễm trùng da do đắp lá thuốc phải nhập viện điều trị. Bác sĩ Lê Quang Mỹ nhận định: “May mắn, phần xương gãy không di lệch, vùng da nhiễm trùng nhưng chưa đến mức bị hoại tử. Nếu tiếp tục để bé ở nhà, khả năng phải mổ hoặc bị nhiễm trùng ăn sâu vào máu, tủy xương sẽ rất nguy hiểm”. Trước mắt, bé được nhập viện để xử lý vùng da phồng rộp. Khi da lành sẽ bó bột để cố định xương, sau đó mới đánh giá được tình hình vận động tay của bé.

Bác sĩ Mỹ tiếc nuối nhiều trẻ bị biến chứng nặng do cha mẹ sợ đưa con đi khám bệnh ngày tết. Ngoài bé T., Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng từng cấp cứu bệnh nhi bị viêm ruột thừa nặng rất nguy hiểm vì kiêng cữ khám bệnh đầu năm. Thậm chí, có bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết chưa kịp nhập viện cấp cứu đã tử vong. 

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga, Trưởng khoa Y Dược cổ truyền Bệnh viện Q.2 TP.HCM, cho biết: những ngày đầu năm mới, nhiều người rất ngại đi bệnh viện. Có người còn động viên người thân… ráng chịu cho qua hết tháng Giêng hay ít nhất phải kiêng cữ qua mùng Ba tết để tránh “có huông bệnh tật”. Một số người bệnh rủ nhau mua thảo dược, thuốc đông y dự trữ vừa thơm nhà, xua đuổi tà khí, vừa có thể sử dụng nếu lỡ bị bệnh, chứ nhất quyết không chịu uống thuốc tây. Do đó, những ngày qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Q.2 TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm vì những mẹo vặt này.

Như trường hợp bà L.A. (52 tuổi, ở H.Bình Chánh), sau khi được bác sĩ Bệnh viện Q.2 cấp cứu, bà kể: “Mọi năm, tôi để ý đầu năm uống thuốc tây... không hên nên trước 30 tết, tôi được một người bạn đi tập thể dục chung giới thiệu đi bốc thuốc của một ông thầy ở H.Cần Đước, tỉnh Long An. Khi nấu thuốc thơm ngào ngạt có thể xông nhà, trừ tà ma đầu năm, sau đó đợi thuốc ấm lại uống để tăng sức đề kháng, không lo bị bệnh mấy ngày tết”. Trong thang thuốc, bà L.A. thấy có táo tàu, cam thảo, hồi và ba loại cây phơi khô không rõ cây gì. Sau khi uống xong thì bà bị ngộ độc, tự uống thuốc ở nhà không khỏi, và đợi qua hết ba ngày tết mới đến bệnh viện.

Tự kê toa chờ... ra giêng, lãnh hậu quả!

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga khuyến cáo: mỗi bệnh nhân có bệnh lý nền khác nhau, cơ địa đáp ứng khác nhau theo từng loại thuốc. Sử dụng sai thuốc không chỉ làm cho việc khám, chữa bệnh chậm trễ mà còn gây ra nhiều biến chứng khó lường. Thậm chí, người bệnh có cơ địa dị ứng thuốc, kháng thuốc… dễ gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong.

Đặc biệt, vào những ngày lễ, tết, thời gian ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân thường thay đổi. Có người liên tục ăn uống rải đều ở các khung giờ, có người nhịn đói lo đi chúc tết, có người vui chơi giải trí bỏ bữa… sẽ ảnh hưởng đến khả năng tương tác của thuốc đến hiệu quả trị bệnh. Ví dụ, với nhiều loại thuốc, bác sĩ thường dặn “uống sau khi ăn”, tuy nhiên nhiều người vẫn nghe bác sĩ uống thuốc đúng giờ, nhưng lại trong lúc đói. Nếu uống thuốc sau bữa ăn, thời gian lưu lại dạ dày của thuốc có thể từ 1 - 4 giờ. Nhưng nếu uống lúc đói, thuốc chỉ lưu lại dạ dày chừng 10 - 30 phút rồi được đẩy ngay xuống ruột. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Thậm chí, việc thay đổi hàm lượng thức ăn, ăn ít hay nhiều cũng gây ra tác dụng phụ không mong muốn do tác động của đồ ăn, thức uống lên thuốc. Ví dụ, bữa ăn giàu chất béo, quá nhiều đường, quá mặn hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Điều này ảnh hưởng không tốt đến các thuốc kém bền trong môi trường a-xít của dạ dày và làm chậm sự di chuyển của thuốc đến vị trí hấp thu tối ưu là ruột non để trị bệnh. Hoặc uống rượu sát giờ với thuốc trị cảm paracetamol (hạ sốt, giảm đau) mà bác sĩ đã chỉ định sẽ làm tăng nguy cơ viêm gan.

Cũng theo bác sĩ Nga, với các loại thuốc được bác sĩ kê toa và chỉ định giờ uống cũng chỉ phù hợp với tình trạng bệnh lý tại thời điểm khám cho người bệnh. Khi hết bệnh, bệnh nhân không nên mua thêm thuốc dự trữ, bởi nếu bệnh nhân bảo quản thuốc không đúng cách sẽ làm thuốc mất tác dụng, để lâu thuốc hết hạn sử dụng…

Thông thường, thuốc được bảo quản ở nhiệt độ tốt nhất dưới 250C nhưng ở TP.HCM thì nhiệt độ thường rất cao. Tốt nhất, sau mỗi đợt điều trị nên bỏ những thuốc còn thừa. Ngay cả các thuốc dùng ngoài da như ô-xy già, thuốc sát trùng, kem bôi chỉ nên sử dụng trong vòng hai tháng sau khi mở nắp… để tránh nguy cơ bị vi sinh vật xâm nhập, gây nhiễm trùng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI