Kiễng chân

22/05/2024 - 05:59

PNO - Chị nghĩ, người ta ai cũng mong cầu niềm vui nhưng được mấy người hiểu niềm vui chưa bao giờ có từ bên ngoài và đến từ người khác.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

1. Hơi nóng từ 2 họng bếp gas tỏa ra hừng hực như có bàn tay ai đó chụp lên đầu chị bóp chặt. Đau buốt. Tóc búi cao nhất có thể, áo quần mát nhất có thể, chị loay hoay trong bếp nấu bữa trưa cho cả nhà. Một bữa trưa có chả giò cho con trai lớn, có bò xào cho con trai nhỏ, có cá kho cho anh, có chè sen giải nhiệt, có nước mát…

Mồ hôi dấp dính lưng áo mỏng. Nóng quá! Chị không thể ăn nổi, cũng không ngồi nhìn 3 cha con ăn như mọi khi.

Chị kiễng chân với lấy chai sữa tắm trên kệ. Không biết tại sao, vẫn là chai sữa tắm mọi khi, ở chỗ mọi khi, hôm nay rơi xuống, kéo theo những thứ xung quanh vương vãi, ngổn ngang… Chị thả người xuống sàn, tưởng hơi thở đã bỏ mình đi và hình như có những giọt nước đang chảy ra từ khóe mắt.

Chị đã kiễng chân bao nhiêu lần trong quãng hôn nhân của mình rồi?

Từ chặng mang thai vật vã với cơn nghén chưa từng tưởng tượng nổi. Từ những đêm dài thức trắng canh từng hơi thở cho con. Từ những lần anh gục đầu nói về sai lầm mà chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng chị mới biết. Đã bao lần chị thấy sau lưng trống hoác, phía trước mênh mông mà vẫn cố lờ đi, cố kiễng chân, bỏ qua cảm xúc, nhu cầu, tổn thương của mình, rướn người với tay để đi qua? Như một con sông, chị luôn sẵn sàng cho đi dòng nước mát mà không mảy may nhận hay lo lắng về một ngày nó sẽ cạn khô.

2. Họ - chồng và con - thực sự biết chị đã phải cố gắng thế nào chưa hay chỉ hời hợt mường tượng rồi dễ dàng quên đi như những điều chưa từng trải? Có ai trong những người mà chị xem là tất cả cuộc đời mình thấy được hay biết ơn chị đã kiễng chân để với lên mỗi ngày?

Nhìn đống chai lọ trên sàn, cái nọ chồng lên cái kia, có cái bật nắp tung tóe, mùi thơm tỏa lên dễ chịu, chị dần cảm thấy bình tĩnh. Phòng tắm tận tầng 2 đóng kín, tiếng rơi vãi này liệu chồng con chị có nghe? Chị ngồi đây lặng lẽ suy nghĩ, ứa nước mắt và không kêu lên một tiếng nào liệu họ có biết?

Chị lặng lẽ dọn dẹp, nghĩ đến bản thân. Có khi nào chị đã sai? Người ta bước ra đường đều quần áo tinh tươm, giày dép chỉn chu, trang điểm xinh đẹp. Ai nấy đều có nhu cầu che giấu những khuyết điểm, cố cho người ngoài nhìn thấy phần tốt đẹp nhất. Về đến cửa nhà mình, họ mong gì hơn là cởi ra cho nhẹ nhàng thoải mái? Chị có cởi ra đâu? Chị có cho phép mình nghỉ ngơi; có cho phép mình mệt mỏi đâu? Chị cũng có cho phép mình thể hiện nhu cầu được chăm sóc đâu? Chị đã sai rồi phải không, khi kiễng chân mãi để rướn đến hình ảnh hoàn hảo mình tự nghĩ ra, rồi cô đơn tủi thân chông chênh trong sự lựa chọn của mình?

Chị chợt nhớ đến ba chị. Có lần, khi mấy chị em ngồi ăn uống, cười nói vui vẻ, mẹ chị cứ luôn tay, lát lấy cái khăn lau một vết dơ trên tường, lát cúi người nhặt nhạnh vài vỏ hạt hướng dương các cháu làm rơi…

Khi ấy, ba chị cười cười, nói nửa đùa nửa thật: “Ở với mẹ áp lực lắm nhen tụi con!”. Có khi nào chị đã tạo áp lực đè lên những người thân bao nhiêu năm qua một cách vô tư? Có khi chị còn hăm hở khệ nệ, vác khiêng chất lên vai họ nhân danh thương yêu chăm lo không chừng!

Mùi hương nhẹ nhàng vẫn vương vít xung quanh. Chị nghĩ, người ta ai cũng mong cầu niềm vui nhưng được mấy người hiểu niềm vui chưa bao giờ có từ bên ngoài và đến từ người khác. Rõ ràng, cũng một phong cảnh đó, đẹp hay không là do mình! Cũng một lời nói đó, buồn ít hay nhiều cũng do mình! Cũng con người đó, xấu hay tốt là do ở tình yêu thương của mình. Cũng có con, nuôi con nhẹ nhàng vui vẻ hay nặng nề căng thẳng là do mình.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

3. Có một thời, chị đã nhìn những cô bạn đồng nghiệp lúc nào cũng xinh đẹp, thơm tho, thảnh thơi dù họ có chồng con như mình bằng thái độ kiêu hãnh. Kiêu hãnh vì sớm mai chị đến chỗ làm khi bữa sáng bữa trưa cho cả nhà đã sẵn sàng. Kiêu hãnh khi lẩm nhẩm tính thay vì chi tiền cho các dịch vụ spa, quần áo, phấn son như người ta, chừng mươi năm nữa, nhờ sự tằn tiện, hy sinh, chị có thể mua một miếng đất cho con ngày nó có gia đình.

Lâu lâu kiễng chân lên thì được nhưng chẳng lẽ chị có thể kiễng chân cả đời?

Chị giật mình. Hóa ra chị không hề muốn và cũng không có khả năng kiễng chân suốt đời. Trời nóng như thế này, chị phải để cho mọi người thấy chị mệt. Bữa cơm đôi quả trứng luộc ăn với nước tương, mấy trái dưa leo và ly nước lọc không làm ai bị gì cả! Nhà cửa 1 tuần không lau, bừa bộn một chút cũng chẳng sao! Con đi học trễ, nói chuyện trong lớp hay có ăn vụng với bạn đôi ba lần cũng không đến nỗi phải ủ ê căng thẳng, quát mắng, làm trầm trọng hóa vấn đề để rồi mẹ con oán trách nhau, mất kết nối, khoảng cách ngày một xa…

Bỗng dưng chị cảm thấy sợ hãi chính mình như sợ hãi một căn nhà rộng thênh thang ngăn nắp không một chút bụi nhưng chẳng ai dám ghé thăm. Chị sợ những bữa ăn tinh tươm có lợi cho sức khỏe nhưng không ai nói với ai điều gì, chỉ nghe tiếng kể lể của người nấu. Chị sợ khuôn mặt lúc nào cũng dàu dàu cau có vì bản thân đau ốm, bản thân mỏi mệt thì còn hơi sức đâu để rộng lòng vui vẻ thứ tha cảm thông cho người khác.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

4. Đàn bà ngẫm thấy thương. Từ trong huyết quản, tiềm thức của họ là yêu thương vun vén, lo toan, tận tụy chăm chút cho những thương yêu của mình.

Thương cái cách gồng gồng gánh gánh, kiễng chân lên cố sức để chu toàn một ngày, một đời của họ. Thương vô cùng khả năng bền bỉ dẻo dai như cây trúc cây tre oằn mình chịu đựng gió mưa một đời.

Chị tự nhiên thèm được tắm mát; được mặc đồ đẹp, tóc tai thơm tho; được vui vẻ nhẹ nhàng. Không muốn nấu thì gọi đồ ăn về hay chỉ uống ly sữa ăn cái bánh. Chị không muốn cố nữa. Chị không muốn kiễng chân lên để rồi một ngày nào đó như hôm nay, với tay lấy chai sữa tắm trên cái kệ kia, mọi thứ rơi xuống đổ bể tan nát, có khi sẽ va vào tay chân gây trầy xước chảy máu. Chị muốn mình phải chừa kẽ hở, những kẽ hở bất toàn, để dạy cho người thân, nhất là bọn trẻ, hiểu, thương và có trách nhiệm với những người xung quanh. Chị tập cho họ chỉ biết nhận thì ai sẽ biết cho?

Chị tự hỏi, rốt cuộc có bao nhiêu người đàn bà trong mái nhà mình, trong cuộc sống hôn nhân, trong cuộc đời mình đã và đang kiễng chân như chị.

Họ - chồng và con - thực sự biết chị đã phải cố gắng thế nào chưa hay chỉ hời hợt mường tượng rồi dễ dàng quên đi như những điều chưa từng trải? Có ai trong những người mà chị xem là tất cả cuộc đời mình thấy được hay biết ơn chị đã kiễng chân để với lên mỗi ngày?

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI