Lê Thúy Hà là một kiến trúc sư, chị vừa cho ra mắt hai tập sách Con trai, những ngày mẹ vắng nhà và nhìn nhau trong nắng. Vốn là dân chuyên toán, chị có tư duy logic, sắc sảo khi nhìn mọi vấn đề trong cuộc sống, nhưng tâm hồn lại vô cùng lãng mạn, mơ mộng. Lê Thúy Hà viết không phải để trở thành nhà văn, mà là “lặng lẽ trở về với tình yêu thiếu vắng của tất cả tình yêu”…
Phóng viên: Chúng ta hãy bắt đầu từ các tác phẩm mới nhất của chị. Hai tập sách như con thuyền dễ dàng đưa lòng người neo bến ký ức giữa những ngày thu vàng, rơi vào mê cung của kỷ niệm vấn vương…
Lê Thúy Hà: Ở tập Con trai, những ngày mẹ vắng nhà, tôi viết vui, viết sảng khoái. Tôi xoáy vào những nghịch ngợm của con trẻ để vun trồng ngôi nhà yêu thương trong lòng mình. Tôi là người mẹ, vừa chỉ dẫn, vừa chia sẻ, lại vừa học hỏi con trẻ. Tôi kể lại những câu chuyện dí dỏm của gia đình, ở đấy có hai cậu con trai đang ở cái tuổi thích "triết lý", luôn đặt các câu hỏi “tại sao”, “cái gì”.
Còn ở tập Nhìn nhau trong nắng, tôi vẽ nên một không gian đượm màu hoài niệm, ăm ắp suy tưởng. Ở đấy có tuổi thơ của một cô bé xứ Thanh, có cuộc sống lắm khi dở khóc dở cười của một công chức Hà thành, có vẻ đẹp mong manh của làng quê xứ Bắc, và có cả những chuyến chu du khắp thế giới…
* Là kiến trúc sư, việc viết sách, xuất bản sách với chị là cuộc dạo chơi ngang “cánh đồng chữ nghĩa” hay muốn gắn bó lâu dài?
- Việc viết lách ghi lại đời sống, suy ngẫm và tư tưởng là công việc hàng ngày mà tôi tự đặt ra cho mình. Còn việc xuất bản là tùy duyên. Và tôi tin rằng, cái gì xuất phát từ sự chân thành của người viết thì sẽ nhận được sự đồng cảm từ ít nhất một nhóm người đọc nào đó, không phân biệt người viết là “chuyên” hay không.
* Là dân toán học, là kiến trúc sư, với chị, những điều đó có tạo nên một người phụ nữ quá mạnh mẽ?
- Tôi không nghĩ có sự liên quan quy chụp giữa khoa học tự nhiên, phụ nữ và mạnh mẽ. Nữ tính có thể biểu hiện một cách bất ngờ và không quy tắc.
* Sự lãng mạn giúp được gì cho chị trong công việc, trong cuộc sống?
- Lãng mạn là một cách nhìn cuộc sống và công việc cho chúng “nên thơ” hơn, có thể tốt trong việc lấy cảm hứng. Tôi thấy các nhà khoa học trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều rất “lãng mạn”, sự lãng mạn nuôi dưỡng cảm hứng và ý tưởng rất tốt. Tuy nhiên, muốn thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, cũng cần ý chí, sự khổ luyện và quyết tâm, trong nghiên cứu và sáng tạo cũng vậy.
* Phụ nữ lãng mạn có dễ “chuốc khổ vào thân”?
- Mỗi phương pháp chúng ta chọn là cách chúng ta hưởng thụ và cảm nhận cuộc sống của riêng mình. Cái gọi là sướng/ khổ cũng do đánh giá riêng. Nếu một người phụ nữ/đàn ông được gọi là lãng mạn, tức là bản chất cô ta/anh ta là như vậy, và cô ta/anh ta lựa chọn cách sống đó. Chỉ cần sống trọn vẹn với sự chọn lựa của mình là ổn, nửa vời mới “khổ”.
* Để phác họa về bản thân, chị sẽ dùng những tính từ nào?
- Hài hước, yêu tự do, chân thành.
* Điều lớn lao nhất mà chị đã làm được, cho đến lúc này?
- Là sống được cho đến bây giờ.
* Theo chị, điều gì tạo nên giá trị của người phụ nữ?
- Giá trị của con người được tạo nên bằng những điều họ đã cố gắng trong suy nghĩ và hành động. Tôi không hiểu nam và nữ khác nhau như thế nào, kiểu như nam đo bằng sự nghiệp hay nữ đo bằng gia đình và những đứa con. Có phải bạn muốn tôi trả lời vậy không?” (cười). Nếu cụ thể hơn, qua các bạn gái của tôi, giá trị phụ nữ bây giờ là sự độc lập trong tư tưởng lẫn kinh tế, tôi nghĩ vậy. Và điều độc lập ấy sẽ tự tạo nên hoặc nhấn mạnh thêm sự cuốn hút và nữ tính của họ.
* Đằng sau sự thành công của chị, có bao nhiêu phần trăm là nhờ sự chia sẻ của chồng?
- Tôi hoàn toàn không được coi là một người thành công, nhưng tôi tự hãnh diện chắc mình là một người hạnh phúc. 100% là do công của chồng tôi. Không hẳn là phải làm gì cho bạn đời, mà chỉ cần động viên, hoặc im lặng chia sẻ, thế là đủ.
* Làm vợ, làm bạn, người tình, em gái của chồng, mẹ của các con... chị làm tốt nhất vai nào đối với chồng?
- Một lần, khi còn yêu, chúng tôi cãi nhau, chồng tôi bấy giờ bảo bỏ nhau cũng được, nhưng lúc ấy anh biết chơi với ai (cười). Vậy chắc là vai “bạn” tôi làm tốt nhất, từ vai ấy có thể chi phối chất lượng các vai khác.
* Chị có nghĩ phụ nữ chỉ cần đẹp và giỏi quán xuyến việc nhà?
- Hiện nay, mâm cơm trên bàn ăn mỗi tối của chúng ta đều liên quan trực tiếp đến giá dầu thế giới, nên mỗi chúng ta không kể nam hay nữ đều sẽ liên quan đến các vấn đề toàn cầu, dù muốn hay không. Còn đẹp, chắc bây giờ cả nam giới cũng cần hấp dẫn, bằng cách nọ hay cách kia.
* Con chị được mẹ dạy điều gì là quan trọng nhất?
- Trung thực với bản thân, biết thông cảm với người khác, luôn luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh. Trung thực với bản thân là quan trọng nhất.
* Chị là một bà mẹ như thế nào?
- Chắc chắn là tuyệt vời, với hai con trai tôi. Cũng như tôi thấy mẹ tôi là người mẹ tuyệt vời nhất.
* Để có được một Lê Thúy Hà hôm nay, ai là người đóng vai trò quan trọng với chị?
- Tuổi thơ của tôi hoàn toàn chìm trong sách vở. Khoảng đến 12-13 tuổi, tôi đã đọc đủ cả loại sách dùng cho đến tận bây giờ. Nhà tôi có một tủ sách gia đình lưu truyền qua vài thế hệ, do ông nội tôi giữ, chủ yếu là sách Hán Nôm và sách tiếng Pháp (bao gồm cả sách dịch ra tiếng Pháp) đủ mọi thể loại. Vì thế nên tôi hay mắc bệnh đối chiếu với sách vở.
Cái cảm giác và tư tưởng chúng ta đang có đây chắc chắn đã có ai trải qua và phản ánh bằng văn bản rồi, đại loại vậy. Ông tôi là một nhà nho, đồng thời cũng là giáo viên từ thời Pháp thuộc, tôi phần nào cảm nhận được sự ảnh hưởng uyển chuyển của hai nền văn hóa lớn đó vào các tư tưởng của xã hội Việt như thế nào thông qua ông tôi và những người bạn cùng thế hệ của ông.
* Ước mơ của chị?
- Câu hỏi to tát quá. Tuy nhiên, như mọi người mẹ, ước mong canh cánh của tôi là có một môi trường tốt cho con cái học tập, phấn đấu và trưởng thành. Còn tôi mong có thời gian, tiền bạc và cơ hội để hưởng thụ và nghiên cứu những thành tựu vĩ đại của loài người càng nhiều càng tốt (văn chương, triết học, kiến trúc, ngôn ngữ...) trong quãng đời còn lại của cuộc sống.
* Điều gì khiến chị hạnh phúc?
- Tôi hay vui vì những điều rất nhỏ nhặt, chẳng hạn đi lang thang ở nước ngoài gặp được một người dân hỏi han thân thiện, chỉ đường, hay buổi chiều thảnh thơi đứng trước cổng trường đón con đi học về, hoặc là ngắm một cảnh đẹp mà mình bỗng thấy giống hệt như trong một câu thơ từng đọc.
* Ngay lúc này, chị nghĩ đến điều gì?
- Giờ đang là lúc rời công sở về nhà. Tôi nghĩ đến việc tối nay mẹ tôi cho tôi ăn món gì, tôi sẽ cùng con đọc cái gì và khi con đã ngủ thì tối nay tôi sẽ đọc gì trước khi đi ngủ.
Khánh Thủy (thực hiện)
“Mẹ em là một người mẹ béo… mẹ đeo kính, hay mặc váy khi đi làm và mặc quần lửng hoa lúc ở nhà… Mẹ lúc nào cũng thơm thơm, mềm mềm, em thích rúc vào lòng mẹ, dụi ầu vào cái bụng béo của mẹ, cái bụng bố hay chê nhưng em yêu lắm vì nó mềm”. Hay “Mẹ vừa thông minh vừa hài hước vừa nhân hậu. Nhiều khi trong tâm hồn mẹ con thấy có một đứa trẻ”.
(tự họa của Lê Thúy Hà qua lời kể của cậu con trai trong tác phẩm Con trai những ngày mẹ vắng nhà).
“Ngọn đèn tròn vàng ấm. Ông ngồi trên cái ghế vải bố, như mọi khi, đọc một quyển sách nào đó. Mình ngồi cạnh dưới chân ông, êm đềm bình yên hơn bất cứ anh yêu em yêu nào khác trên đời”…
“Không đêm nào là cháu không nhớ ông, cháu nhớ đến cái chén da lươn ông uống, ông cho cháu cái chén men rạn mà về già ông đã run tay làm vỡ nên giờ cháu cũng không còn. Cái bàn đá đầu nhà ven bóng cây râm mát, trên bàn là một chậu lan, có cái ấm con và cái chén, cái đĩa hoa xanh”..
(hình ảnh ông nội qua lời kể của Lê Thúy Hà trong Nhìn nhau trong nắng).
|