Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn và câu chuyện nhận diện đô thị Việt Nam đương đại

15/02/2024 - 06:09

PNO - Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn có gần 40 năm kinh nghiệm làm việc quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc. Ông đã viết tác phẩm Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện quy hoạch - kiến trúc (Phanbook và Nhà xuất bản Dân Trí). Bằng sự quan sát, thấu hiểu và nhận diện một cách thấu đáo, khoa học về bức tranh đô thị Việt Nam hiện nay, ông đã có nhiều ý kiến chuyên môn đầy trách nhiệm khi trò chuyện với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM giai phẩm Xuân 2024 về tương lai và những hướng đi cần thiết cho đô thị Việt.

Mảng xanh hay “rừng trong thành phố” không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là nhu cầu bức thiết của phát triển đô thị - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Mảng xanh hay “rừng trong thành phố” không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là nhu cầu bức thiết của phát triển đô thị - Ảnh: Nguyễn Quang

 

Ông Ngô Viết Nam Sơn từng thành công với nhiều dự án lớn ở các nước: quy hoạch xây dựng Phố Đông và khu trung tâm 2 bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), quy hoạch đô thị mới Filinvest (Philippines), dự án quy hoạch khu nhà ở thương mại cao cấp Lachine và khu phố quốc tế ở Montreal (Canada), quy hoạch làng Đại học Washington, Seattle và công trình Trung tâm huấn luyện phi công, Orlando (Mỹ)… 

Ở Việt Nam, ông là cố vấn trưởng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, đồng chủ nhiệm quy hoạch TP Đà Nẵng, chủ nhiệm đồ án Khu đô thị hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế và đồ án Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi tỉnh Đồng Nai. Ông đồng thời là thành viên hội đồng quy hoạch của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

“Chúng ta đang có  sự khủng hoảng về giá trị”

Phóng viên: Vì sao thời điểm này, chúng ta cần phải “nhận diện đô thị Việt Nam đương đại”, thưa ông?

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện đã đạt trên 40% và sẽ còn tiếp tục tăng. Tương lai Việt Nam sẽ có trên một nửa dân số sống trong đô thị. Do đó, việc bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng bền vững là tiêu chí hàng đầu. 

Hiện nay, người ta đã bắt đầu chứng kiến những tác động tiêu cực của phát triển không bền vững. Tại sao những khu đô thị mới luôn kẹt xe, ngập nước? Tại sao phát triển đến đâu ngập đến đó? Nhận diện để thấy được quá khứ đô thị Việt Nam, tự hào về những gì ông cha đã làm và để lại. Cần nhận diện những thử thách của hiện tại trước khi nói đến những cơ hội mới cho tương lai. Chúng ta cần có tầm nhìn xa, để có một đô thị phát triển bền vững. 

Thiết kế đô thị thế kỷ XXI là thiết kế môi trường sống cho người dân, thiết kế không gian kinh tế xã hội để người dân an cư lạc nghiệp, thế hệ trẻ có tương lai bền vững, đất nước giàu đẹp hơn. Điều này không phải chỉ dựa vào lãnh đạo, nhà đầu tư, các chuyên gia, mà còn cần có sự chung tay của toàn thể người dân. Tôi tin rằng, Việt Nam có thể phát xuất chậm hơn, nhưng sẽ sớm bắt kịp và vượt qua, vì có khả năng phát triển 1 năm bằng mấy chục năm.

Tác phẩm Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại:  Câu chuyện quy hoạch - kiến trúc (Phanbook và  Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành) của tiến sĩ khoa học,  kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Nguồn ảnh: Phanbook
Tác phẩm Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện quy hoạch - kiến trúc (Phanbook và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành) của tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Nguồn ảnh: Phanbook

* Cốt lõi cho mọi vấn đề đều quy về “con người” và “giá trị”. Thế nhưng, trong tâm thức thị dân lâu nay, chuyện quy hoạch - thiết kế đô thị chừng như không phải là mối bận tâm của họ…

- Đó cũng là một phần lý do tôi viết cuốn sách Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện quy hoạch - kiến trúc, mục tiêu hướng đến toàn thể bạn đọc. Khi tôi làm việc ở Bắc Mỹ, mọi thứ đều được vận hành rất dễ dàng, kiến trúc sư chỉ tập trung làm thiết kế. Ở đất nước phát triển, người dân có chung giá trị và nếu như họ không theo những chuẩn mực đó thì luật pháp buộc họ phải theo. Ví dụ như trường hợp đập bỏ một di sản để xây công trình mới là không được. Hoặc trong quy hoạch khu đô thị di sản, công trình nào xây bao nhiêu tầng, được phép sơn màu gì…, tất cả đều được thẩm định nghiêm ngặt từng chi tiết. Sau một thời gian về Việt Nam làm việc, tôi nhận ra khó khăn lớn chính là quan điểm chung về giá trị. Trong quy hoạch đô thị, giữa lãnh đạo, nhà đầu tư, giới chuyên môn và người dân chưa có được tư duy, những quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan thống nhất để có thể đoàn kết hợp lực với nhau. 

Hiện nay, chúng ta đang có sự khủng hoảng về giá trị, thiếu một quan điểm thống nhất về các khái niệm. Nhiều lãnh đạo địa phương lầm tưởng thiết kế đô thị đồng nghĩa với quy hoạch đô thị. Người dân chưa được chuẩn bị tốt để có thể trở thành người đô thị. Khi sống quần cư trong một khu đô thị, có những quy luật mà chúng ta cần phải đáp ứng: phát triển hạ tầng thế nào, chia sẻ giá trị chung của cộng đồng ra sao… Nếu vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không chú ý đến tác động môi trường - xã hội, không nghĩ đến bảo vệ di sản - bản sắc thì chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí kéo theo hệ quả là trì kéo đà phát triển của đất nước. 

Hồ Con Rùa xanh mát giữa trung tâm TPHCM - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Hồ Con Rùa xanh mát giữa trung tâm TPHCM - Ảnh: Nguyễn Quang

“Đô thị thông minh” không nhất thiết phải trang bị nhiều công nghệ hiện đại

* Đô thị Việt Nam ở mỗi địa phương đều có những vấn đề riêng phải đối mặt, giải quyết. Với TPHCM, có rất nhiều kỳ vọng về xây dựng “đô thị thông minh”, “thành phố đáng sống”, “phát triển bền vững”, “giữ gìn bản sắc”… Những điều kiện tốt nhất trong sự hội tụ giá trị, cũng như những thử thách lớn nhất đối với thành phố hiện nay là gì, theo ông?

- Đây là một câu hỏi rất hay. Có vẻ như nhiều đô thị Việt đang tranh đua nhau để đạt các danh hiệu “đô thị thông minh”, “thành phố đáng sống”, “phát triển bền vững”, “đô thị bản sắc”… Nhưng kỳ thực, cuộc tranh đua này là vô nghĩa, nếu không được đặt nền tảng dựa trên nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên, con người và các nhu cầu mang tính đặc trưng của từng đô thị, để tìm ra các giải pháp phù hợp riêng cho từng đô thị.

Ví dụ, tiêu chí “thông minh” không nhất thiết phải luôn đi đôi với việc trang bị thật nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, mà cần phải cải tổ cơ cấu quản lý trước một bước để dọn đường. Việc quy hoạch đô thị “ít thông minh” hơn, ít lệ thuộc vào công nghệ hơn, nhưng chú trọng nhiều hơn đến các giá trị nhân văn và cộng đồng, đôi khi lại vẫn là một hướng đi tốt hơn cho một đô thị. 

* Ông nói rằng, mảng xanh hay “rừng trong thành phố” không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là nhu cầu bức thiết của phát triển đô thị. Thế nhưng, việc xây dựng thêm hay mở rộng mảng xanh trong TPHCM hiện nay phải chăng đang dần trở thành điều bất khả? Chúng ta có thể thay đổi điều này như thế nào?

- Hiện nay diện tích không gian xanh trong nội thành chỉ đạt khoảng 0,5m2/người, trong khi mục tiêu quy hoạch là ít nhất 10m2/người. Cơ hội để tăng diện tích không gian xanh lên khoảng 20 lần trong bối cảnh đa số diện tích đô thị đã bị “bê tông hóa” là một nhiệm vụ không dễ dàng. Nhưng không phải không thực hiện được, miễn là chúng ta bớt “tham”, và có những định hướng rõ ràng, cụ thể để tăng diện tích xanh khi có cơ hội. Ví dụ như:

+ Xanh hóa không gian 5 - 50m2 bên ven kênh cho đến ven sông.

+ Dành ít nhất 50% diện tích xanh khi phát triển dự án tại các khu đất tiềm năng còn lại như Thanh Đa, cảng Sài Gòn, khu chế xuất Tân Thuận sau khi hết hợp đồng cho thuê… 

+ Bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đi đôi với phát triển khu đô thị sinh thái xanh, để bổ sung không gian xanh thư giãn cho người dân, với kết nối giao thông công cộng tiện lợi nối vào các khu dân cư nội thành.

+ Khuyến khích người dân góp sức xanh hóa môi trường sống, trồng cây xanh hoa cỏ trước nhà, trong sân, trên ban công, trên mái…

* Trong sách ông có đề cập đến đô thị sức khỏe (health city) - một trong những mô hình đô thị khá mới mẻ đối với Việt Nam, ông có thể nói thêm về mô hình này và liệu rằng, điều đó có khả thi trong điều kiện hạ tầng của nước ta?

- Mô hình này đã được xây dựng và phát triển rất tốt ở Mỹ và Singapore. Kiến trúc quy hoạch để chữa lành (hay khu đô thị chữa lành) có nghĩa là tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan, cho đến thiết kế bệnh viện và không gian đô thị gắn liền với việc khám bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Khu đô thị sức khỏe là nơi mà các bệnh viện lớn nhỏ và các cơ sở nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe cùng với các khu đa chức năng khác (văn phòng, dịch vụ, thương mại, cơ sở thực hành của đại học y, giáo dục cộng đồng…) tạo thành một quần thể gắn kết với nhau, đóng vai trò trung tâm của cả một cộng đồng dân cư rộng lớn bao quanh. 

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hiện là thành viên hội đồng quy hoạch  của nhiều tỉnh, thành trong cả nước - ẢNH: HOÀNG VIỆT
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hiện là thành viên hội đồng quy hoạch của nhiều tỉnh, thành trong cả nước - Ảnh: Hoàng Việt

Khi đó, bệnh viện không chỉ là nơi chữa bệnh mà còn là nơi giáo dục, hướng dẫn người dân giữ gìn sức khỏe. Bệnh nhân được sống trong một môi trường thân thiện, hoặc không nhất thiết phải vào lưu trú tại bệnh viện mà có thể vẫn được chăm sóc tốt nhờ có những thiết bị giám sát sức khỏe tại nhà. Có thể nói, quan niệm thiết kế công trình y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng, đang được thay đổi với bộ mặt mới thân thiện hơn. Không còn được xem là một thể loại công trình tách rời, mà ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với những chức năng khác của đô thị. Đô thị sức khỏe cũng là một xu hướng trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông. 

Chúng ta chưa có được sự hợp tác tốt giữa các đô thị với nhau để cùng nhau phát triển, mà lại có tư duy “gom góp” cho địa phương mình. Kinh tế vùng chưa được quan tâm, mạng lưới giao thông kết nối hạ tầng trọng điểm vẫn chưa xây dựng được. Tôi nhấn mạnh xin các vị lãnh đạo TPHCM đừng quá lo lắng khi sân bay lớn nhất thì ở Đồng Nai, cảng biển lớn nhất thì ở Vũng Tàu, nhà ga lớn nhất thì ở Bình Dương... TPHCM không nên đặt tiêu chí “quy mô lớn nhất” để xây dựng các dự án/công trình hạ tầng trọng điểm để cạnh tranh với các tỉnh bạn. Thay vào đó, thành phố cần đóng vai trò “anh cả”, khẳng định vị thế “đầu tàu” trong việc cung cấp nguồn tài lực, nguồn đào tạo nhân lực, nguồn năng lực tổ chức vận hành để nâng cao tiềm lực các hạ tầng trọng điểm trong mối liên kết hợp tác của cả vùng kinh tế. 

Khi thấy được vai trò của sự nhất quán, thống nhất về quy hoạch vùng, thì mỗi tỉnh, thành đều sẽ có những vai trò cụ thể. Tôi cũng rất kỳ vọng vào vai trò của trung ương trong việc điều phối hoạt động của các tỉnh, thành, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm; đồng thời đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông kinh tế vùng. Điều này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn rất nhiều cho đất nước. 

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư 
Ngô Viết Nam Sơn

Trần Hàn Giang (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI