Phóng viên: Đã có thời gian, người ta ví Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… giống như một công trường lớn, không ngừng xây dựng. Bên cạnh việc xây dựng những công trình phục vụ kiến thiết và phát triển, nhiều di sản kiến trúc cũ, có giá trị, đã bị đập bỏ đi. Cảm quan của anh về bức tranh kiến trúc hiện tại của Việt Nam như thế nào?
Kiến trúc sư Lê Việt Hà Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ với tốc độ xây dựng nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là phát triển bền vững; đi cùng với đó, những yếu tố liên quan đến môi trường và văn hoá cũng cần được lưu ý. Tôi cho rằng, một đô thị phát triển bền vững cần giữ được những “ký ức” trong quá khứ của nó, đó chính là di sản.
Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ và gìn giữ di sản kiến trúc đô thị thực sự đáng báo động. Di sản chưa thực sự được “sống” trong ý nghĩa bao hàm mà từ “sống” này mang lại. Bên cạnh quan tâm, nâng cấp, bảo trì những căn biệt thự, những toà nhà, cũng không được quên những không gian công cộng, hay những không gian có bản sắc rõ nét như vỉa hè, chợ truyền thống,…
|
Kiến trúc sư Lê Việt Hà |
* Một kiến trúc sư từng nói nếu thiết kế đô thị quan tâm tới những công trình dân dụng thì kiến tạo nơi chốn quan tâm tới khái niệm “nhà”. Kiến trúc hiện đại tôn vinh những giá trị về đời sống, vì đó là thứ tạo ra cái gọi là “cảm thức thuộc về”. Xin hỏi suy nghĩ của ông?
- Kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian. Kiến trúc hiện đại đề cao giá trị công năng, phục vụ chính nhu cầu sử dụng của con người. Khi một công trình, một không gian sống phục vụ tốt cuộc sống hàng ngày của chúng ta, lại cũng do chúng ta chung tay giữ gìn, thì khi đó “cảm thức thuộc về” thực sự hiện hữu. Nó sẽ trở thành một phần ký ức của đô thị, gắn bó với người dân, khác hẳn những công trình, khu đô thị “hoành tráng”, xa lạ với hầu hết cư dân đã và vẫn đang tiếp tục được xây dựng không ngừng ở nước ta.
* Trong mấy năm gần đây, người ta nói nhiều đến di sản kiến trúc và phát triển đô thị bền vững. Đang có một cuộc cách mạng mới với việc sử dụng các vật liệu xanh trong xây dựng, kiến trúc. Ông có thể nói rõ hơn?
- Khái niệm “xanh” đang được nhiều người hiểu là thân thiện với môi trường, là phát triển bền vững. Đối với công nghệ vật liệu xây dựng, “xanh” chính là chất lượng, là thước đo tất yếu. Trong tương lai, mọi công trình xây dựng cần được tạo nên bởi những vật liệu và hệ thống giảm phát thải các-bon, theo xu hướng phát triển đô thị bền vững. Ở nhiều nước phát triển, cả những công trình di sản cũng được nghiên cứu tái tạo và duy tu theo công nghệ hiện đại – công nghệ bền vững. Chẳng hạn gần đây, Pháp đang mời gọi các ý tưởng tái tạo Nhà thờ Đức Bà Paris sau hoả hoạn.
|
Hồi sinh những không gian cũ trong cộng đồng nhằm làm nên diện mạo đáng sống cho đô thị |
* Thiết kế, hồi sinh, cải tạo không gian cũ đương nhiên là ý tưởng tốt nhưng ta cũng đã từng có những người… nhiệt tình quá mà hóa thảm họa. Đã có một thời gian, dư luận khiếp đảm với các kiểu trang trí đường phố, vẽ bích họa thiếu thẩm mĩ nhan nhản… Là trưởng ban giám khảo cuộc thi thiết kế này, xin hỏi góc nhìn của anh ra sao?
- Thực ra việc gì cũng cần có một quá trình thực hiện và hoàn thiện, sẽ dần “thông minh” hơn. Tôi nghĩ ở một góc nào đó, những việc làm đó ít nhất cũng đã góp phần tích cực cho nhận thức của cộng đồng về chuyện làm đẹp không gian công cộng.
Việc chuyển đổi, nâng cấp không gian sống sẽ có tác động trực tiếp đến tư duy, đời sống tinh thần và tâm hồn của những người sống trong đó cũng như khắc phục được diện mạo chung theo chiều tích cực dần lên. Ví dụ như ở Anh, nhà thiết kế Linda Florence đã phát triển một bộ sưu tập “Ý tưởng về các mặt sàn”, từ những chất liệu không ngờ tới như hạt thức ăn của chim bồ câu, cô đã tạo ra những mẫu hoa văn tuyệt vời trên sàn.
Với những chương trình như “Phù thuỷ không gian”, chúng tôi mong muốn tạo ra sự tương tác giữa các bên: cộng đồng, chuyên gia, doanh nghiệp, chính quyền, để tìm ra những ý tưởng mới hay nhất trong cộng đồng thực sự làm đẹp không gian sống của chúng ta; đồng thời, lan tỏa khát vọng cải tạo các không gian sống cũ nát, nhếch nhác trong cộng đồng để thành phố đều trở nên xinh đẹp và đáng sống hơn với mọi người. Khi đó, đô thị mới là nhà, người dân sống ở đô thị mới có “cảm thức thuộc về”.
* Cảm ơn anh!
Với mục tiêu hồi sinh những không gian cũ xuống cấp trở nên tươi mới, sống động hơn bằng việc sử dụng vật liệu nội thất kiến trúc sinh thái, cuộc thi thiết kế “Phù thủy không gian” là sân chơi dành cho tất cả công dân Việt Nam và nước ngoài từ 7 tuổi trở lên, sẵn sàng có những ý tưởng sáng tạo và khát vọng làm hồi sinh không gian sống cũng như các không gian công cộng trong thành phố của mình. Những ý tưởng cải tạo xuất sắc và có tính khả thi nhất của cuộc thi sẽ có khả năng được triển khai thực tế, biến những ý tưởng thành không gian trải nghiệm thực sự. Những ý tưởng đến từ những người không chuyên hoặc chưa được tái hiện bằng bản vẽ 3D sẽ được hỗ trợ về công nghệ. Tổng giải thưởng lên tới 1 tỉ đồng. |
Cốc Vũ (thực hiện)