Kiến trúc sư Chu Kim Đức: Vì quyền được chơi của trẻ em

27/12/2020 - 06:42

PNO - Bắt đầu từ một ý tưởng làm sân chơi cho trẻ em từ vật liệu tái chế, kiến trúc sư Chu Kim Đức cùng đồng sự là Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đã thành lập Think PlayGrounds (TPG) và thực hiện gần 200 sân chơi miễn phí dành cho trẻ em.

Vốn là kiến trúc sư học thạc sĩ tại Pháp, cô luôn ước mơ trẻ em Việt Nam có nhiều sân chơi, có quyền được chơi, được lưu giữ tuổi thơ của mình một cách đẹp nhất. Kiến trúc sư Chu Kim Đức đã được BBC bình chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.

Dịch COVID-19 cho thấy những không gian công cộng nhỏ, gần nhà là vô cùng quan trọng, giúp cho trẻ em và người dân có chỗ để giao lưu, tập thể dục, vận động mà không phải đi xa và chịu cảnh đông đúc. 

Kiến trúc sư Chu Kim Đức
Kiến trúc sư Chu Kim Đức

Nơi trẻ em có thể chơi đùa không phải trả tiền 

Phóng viên: Điều gì khiến chị từ một kiến trúc sư trở thành nhà sáng lập TPG?

Kiến trúc sư Chu Kim Đức: Năm 2012, khi học làm phim ở Doclab, tôi gặp bà Judith Hansen, một phụ nữ Mỹ mong muốn tặng cho Hà Nội một sân chơi. bà ấy rất thích chụp ảnh sân chơi ở khắp nơi trên thế giới mà ở Hà Nội thì không tìm thấy sân chơi đúng nghĩa. Bà Judith là người nói với chúng tôi về các khái niệm như “quyền được chơi”; rằng “sân chơi” không chỉ là một không gian trống trải mà phải là nơi có các thiết bị chơi dành cho trẻ em, nơi trẻ em có thể chơi tự do, giao lưu và không phải trả tiền.

Dự án của bà Judith không thực hiện được nhưng đã truyền cảm hứng cho tôi và Đạt - người sau này trở thành đồng sáng lập TPG với tôi. Chúng tôi hiểu rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời, ai cũng thấy hay nhưng không ai làm gì cả. Vì vậy chúng tôi tự tay làm, rủ thêm bạn bè, tình nguyện viên và mọi người đóng góp, hỗ trợ. Sân chơi đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của báo chí và được ủng hộ, chúng tôi quyết định thành lập TPG để hướng đến sứ mệnh lâu dài, tạo ra các không gian chơi cho trẻ em trong thành phố.

* Chị có nhắc tới ý tưởng làm mô hình một chú rùa để trẻ em được chơi ở Hồ Gươm?

- Hồ Gươm nổi tiếng bởi huyền thoại rùa thiêng ngậm gươm thần của vua Lê, nên dựng ở đây một biểu tượng chú rùa là hợp lý nhất. Tuy nhiên, không chỉ là mô hình hay tượng, mà nó phải có tính thực tiễn, nghĩa là chú rùa đó cũng có thể là nơi cho trẻ em được quyền chơi. Đây là mô hình cầu trượt con rùa do họa sĩ Ban Ga làm và dự kiến đặt ở Hồ Gươm, trên một bãi cỏ đối diện Hàng Khay. Có nhiều bậc cầu thang để trẻ em có thể leo trèo lên mai rùa và tụt xuống đất bằng hệ thống cầu tuột trên thân rùa. Kế hoạch này tới giờ chưa thành hiện thực bởi muốn làm gì cho hợp lý ở hồ Gươm không phải là một điều đơn giản. Nhưng tại sao không? Tôi vẫn ước mơ điều đó thành hiện thực, trẻ em thay vì leo trèo ở núi đá Tháp Bút, có thể trèo leo trên mình chú rùa này lắm chứ.

Các thành viên của nhóm TPG
Các thành viên của nhóm TPG

* Sân chơi đầu tiên mà TPG thực hiện là ở đâu, chị còn nhớ gì về những cảm xúc khi nhìn thấy bọn trẻ được vui chơi?

- Sân chơi đầu tiên là ở bãi giữa, sông Hồng. Trẻ em ở đây sống trên các nhà nổi. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng các em rất nhanh nhẹn, vui vẻ và năng động. Tôi rất xúc động khi thấy những đồ vật đơn giản, tái chế mà chúng tôi làm có thể biến một mảnh đất nhỏ xíu thành một không gian thuộc về trẻ em, mang lại nhiều niềm vui cho các em.

* Một đặc điểm khiến đồ chơi TPG trở nên khác biệt với những đồ chơi khác phải chăng chính là việc sử dụng vật liệu tái chế?

- Đúng thế. Vật liệu sử dụng trong sân chơi của TPG là vật liệu tự nhiên, tái chế từ lốp xe cũ, gỗ bạch đàn (là loại gỗ được trồng để làm nguyên liệu, không phá rừng nguyên sinh) được ngâm tự nhiên để tăng độ bền khi sử dụng ngoài trời. Hiện nay, TPG tiếp tục nghiên cứu các vật liệu tái chế khác để áp dụng trong sân chơi như gạch sinh thái, tấm lợp từ vỏ hộp sữa… đồng nghĩa sử dụng tài nguyên có ý thức nhằm bảo vệ môi trường. Các sân chơi TPG đều được thiết kế riêng cho từng khu vực, luôn có các hệ chơi mới, sáng tạo tùy theo câu chuyện của từng địa phương.

Các thiết kế kết hợp lốp xe và gỗ tròn trông sinh động và phiêu lưu chứ không phẳng phiu tẻ nhạt như các vật liệu nhựa và sắt. Lốp xe cũ vốn rất bền, lại có hình dáng đặc biệt, có thể tận dụng các đặc tính của nó để làm thú nhún, hệ leo trèo, điểm cân bằng của bập bênh, chỗ ngồi của xích đu…
Ngoài ra, lốp xe cũng là một dạng đơn vị mà ta có thể nghĩ ra vô số thiết kế khác nhau với chúng. Trong thiết kế sân chơi ở Hà Lỗ, Đông Anh đạt giải Ba cuộc thi Nghệ thuật tái chế của Unesco năm 2019, hai chuyên gia sân chơi Bianca và Sarah từ Đức và Pháp cùng TPG sáng tạo một hành trình của hàng chục chiếc lốp xe gắn trên các hệ cột bạch đàn. Trẻ em đã tương tác rất hứng thú với hệ chơi mới lạ này.

“Thật may chúng tôi không đơn độc"

* Chị có thể chia sẻ đôi chút về chặng đường có cả niềm vui và khó khăn đã trải qua?

- Tôi nghĩ rằng tôi đã học được rất nhiều điều trong quá trình xây dựng TPG; từ đối tác, đồng nghiệp và cộng đồng. Mỗi thất bại là một bài học và thành công lại giúp mình có động lực để đi xa hơn.

Khó khăn lớn nhất là nhận thức của đa số người dân về quyền được chơi. Nếu không có quyền này, trẻ em không thể phát triển một cách lành mạnh. Quyền được chơi nghĩa là tất cả trẻ em không phân biệt giàu nghèo đều cần có không gian chơi - tự do - ngoài trời mỗi ngày. Không gian này phải gần với nơi ở của các em để các em có thể tự đi đến.

Các thành viên của TPG miệt mài sáng tạo  để trẻ có những sân chơi đúng nghĩa
Các thành viên của TPG miệt mài sáng tạo để trẻ có những sân chơi đúng nghĩa

Khi chúng tôi thuyết phục chung tay xây dựng sân chơi thì ít được cộng đồng đóng góp, trong khi mỗi gia đình lại bỏ rất nhiều tiền cho con đi học thêm kín cả cuối tuần. Cộng đồng cần nhận thức rằng trẻ em cần có không gian chơi gần nhà vì trong sân chơi, trẻ em học được rất nhiều điều mà không trường lớp nào dạy được, nhất là các trải nghiệm thể chất, tâm lý và xã hội cũng như cách tự giải tỏa căng thẳng do áp lực. Điều này rất cần thiết cho cuộc sống sau này.

* Thật may là chị không đơn độc. Anh Đạt đóng vai trò thế nào trong dự án? 

- Tôi rất may mắn vì có anh Đạt đồng hành. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện, thảo luận, tranh cãi… về mọi vấn đề. Cũng có nhiều lúc giận nhau nhưng đều là những thứ lặt vặt. Chúng tôi may mắn luôn đồng quan điểm ở những vấn đề lớn.

* Có khi nào chị gặp khó khăn đến mức quyết định dừng TPG lại?

- Cho đến bây giờ, TPG vẫn chưa phải là một công ty/tổ chức thật sự vững chắc và có ngân sách hoạt động dài hạn. Chúng tôi vẫn là một công ty rất nhỏ, luôn trong tình trạng bấp bênh, tháng nào biết tháng ấy. Vì thế, khó khăn là thường trực và những lúc nản lòng cũng là hết sức bình thường. Chúng tôi có một sứ mệnh và TPG sẽ theo đuổi đến bao giờ không thể làm được nữa.

* Khi khởi động một dự án, điều khó khăn nhất khiến TPG ngần ngại là gì?

- Tôi không nghĩ ra cái gì làm cho TPG ngần ngại vì khó khăn thì luôn có rất nhiều. Cũng may chúng tôi luôn sẵn sàng với các thử thách mới. Thường một dự án thành công cần hội tụ đủ các yếu tố: được cộng đồng thống nhất chấp thuận, có đủ ngân sách, được chính quyền cho phép… Các dự án thành công chỉ bằng nửa số thất bại. Thế nhưng, tôi vẫn nghĩ mỗi dự án đều mang lại một điều gì đó, một kết nối mới, một bài học mới… 

* Chị thuyết phục các nhà đầu tư thế nào? Và chị có nhận ra vì sao một số đối tác đã rất chào đón mình còn một số thì chưa?

- Tôi thường cố gắng tìm hiểu và phân tích các mục đích, nhu cầu của họ, rồi xem các dự án như thế nào là phù hợp cho tất cả các bên liên quan. Để có thể đi đường dài, trước hết phải xây dựng lòng tin, sau đó luôn học hỏi, tìm kiếm những cái mới, phải sáng tạo… Tóm lại cho đến giờ, tôi cảm thấy TPG đã thể hiện được uy tín và linh hoạt. Với các nhà đầu tư mà mục tiêu của họ hoàn toàn khác với mình thì lại không cần phải cố gắng làm gì.

* Chị có thể chia sẻ với độc giả một vài điểm vui chơi ấn tượng mà nhóm đã thực hiện và khiến chị cảm thấy hạnh phúc?

- Sân chơi bãi giữa, nơi mà cộng đồng rất khó khăn nhưng đặc biệt gắn kết và trẻ em rất mạnh mẽ, tự lập. Sân chơi phiêu lưu ở Ecopark, nơi chúng tôi thử nghiệm mô hình này lần đầu tiên ở Hà Nội và được cộng đồng yêu thích. Nó chứng minh rằng mô hình ở Nhật có thể áp dụng ở Việt Nam.

Đồng sáng lập TPG Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đã cùng kiến trúc sư Chu Kim Đức và các cộng sự thực hiện gần 200 sân chơi miễn phí cho trẻ
Đồng sáng lập TPG Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đã cùng kiến trúc sư Chu Kim Đức và các cộng sự thực hiện gần 200 sân chơi miễn phí cho trẻ

Sân chơi cho công nhân, phụ nữ, người khuyết tật

* Mô hình sân chơi phiêu lưu adventure playground tại khu đô thị Ecopark có đặc điểm gì để thu hút cả người lớn lẫn trẻ em?

- Sân chơi phiêu lưu là nơi trẻ em có thể tự do tác động với không gian để tự tạo ra không gian chơi mà các em yêu thích. Ở đây có các thiết bị chơi hơi mạo hiểm so với sân chơi thông thường, có nhiều chất liệu thiên nhiên như đất, nước, khu đốt lửa và có các công cụ như xẻng, nồi niêu, búa cưa để chơi ở khu làm mộc… Sân chơi phiêu lưu thành công phải được xây dựng bởi cộng đồng sinh sống xung quanh khu vực. Phụ huynh không những là người giúp xây dựng mà còn là người chơi cùng con, giúp vận động, duy trì cho sân chơi. Tính sở hữu của cộng đồng và trẻ em với không gian này là yếu tố quan trọng nhất.

* Mô hình sân chơi cho công nhân được chị chú ý tới. Vì sao chị lại có ý tưởng này và chị dự định thực hiện như thế nào?

- Các khu ở của công nhân cũng là một không gian đô thị cần được quan tâm vì họ vốn thiếu các không gian công cộng, nhất là nơi cho trẻ em chơi. TPG đã cùng tổ chức Light làm một sân chơi nhỏ xinh cho một khu công nhân ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. 

* Chị có nghĩ tiếp về việc tạo sân chơi cho chị em phụ nữ hay không?

- Sân chơi hay không gian công cộng nói chung thì không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, TPG đã làm việc với tổ chức Plan International trong một dự án thành phố thân thiện cho trẻ em gái. Dự án này có các nữ sinh cấp II tham gia từ khâu thiết kế đến khâu thực hiện. Sân chơi có các không gian ngồi chơi chung với nhau như các box đọc sách và nhiều xích đu.

* Thế còn sân chơi cho người khuyết tật, chắc chắn phải có sự lưu ý khác biệt khi thiết kế và thực hiện, bởi độ an toàn cần cao hơn nữa hoặc phải sử dụng các mô hình khác biệt?

- TPG đã làm việc với một nhóm sinh viên trị liệu của Southern Cross University ở Úc, để làm một không gian trị liệu ngoài trời, một sân chơi cho trẻ em bị mắc các bệnh về thần kinh tại Làng Hữu Nghị, với thiết kế để các em có thể ra ngoài chơi cùng bạn bè thay vì bị nhốt ở trong phòng. Mô hình không quá khác biệt so với các sân chơi khác nhưng tập trung vào những hoạt động giúp các em tập thăng bằng, cảm nhận các giác quan và tạo ra các không gian chơi chung với nhau.

Bất ngờ với bình chọn của BBC

* Là người khá nhẹ nhàng nhưng hình như chị ít bị ảnh hưởng bởi tác động vẩn vơ bên ngoài?
- Đúng là tôi ít bị chi phối bởi những thứ mà tôi cho là vô nghĩa. Lý do ư? Vì chúng có quá nhiều. Nếu mình để tâm đến những thứ vẩn vơ thì không làm được việc gì cả.

* Chị thường dạy con thế nào về môi trường? Cháu có tham gia và cho ý kiến vào việc thử nghiệm các trò chơi, mô hình mà mẹ mình và đồng nghiệp làm ra?

- Tôi thấy thế hệ con cái mình có nhận thức về môi trường khá tốt trong khi đáng lý ra thế hệ tôi cần phải có nhận thức tốt hơn và hành động nhiều hơn để đảm bảo môi trường cho con cháu. Con gái tôi thường là người đầu tiên thử nghiệm đồ chơi mà chúng tôi làm. 

Những đứa trẻ ở xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thích thú với trò chơi mới mẻ
Những đứa trẻ ở xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thích thú với trò chơi mới mẻ

* Trở thành một trong số 100 phụ nữ có sức ảnh hưởng, truyền cảm hứng nhất thế giới do BBC bình chọn, đối với chị có là một sự bất ngờ?

- Giải thưởng này rất có ý nghĩa với tôi. Vì trong khi TPG đã dành được khá nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, đây là một sự ghi nhận vượt ra ngoài giới hạn lĩnh vực hoạt động của chúng tôi, một sự ủng hộ lớn cho những việc chúng tôi làm, giúp quyền được chơi của trẻ em được nhấn mạnh. Tôi hy vọng nó sẽ thực sự được xem là điều quan trọng và cấp thiết.

* Ai là người có ảnh hưởng đến chị nhiều nhất?

- Bà Judith là người ảnh hưởng rất nhiều đến tôi. Tôi chưa gặp ai hiểu biết, tinh tế, thích quan sát, nhiều trải nghiệm, sẵn sàng chia sẻ và vô cùng tốt bụng như bà ấy. Bà có một lối sống rất lành mạnh, thích vận động và yêu thích công việc cộng đồng. Anh Đạt cũng là một người ảnh hưởng đến tôi. Anh hiểu biết rộng, có tâm hồn thơ mộng và rất khoan dung.

* Cuốn sách chị ưa thích?

- Tôi đọc đi đọc lại ba cuốn Sapiens, Homo Deus 21 bài học cho thế kỷ 21 của Yuval Noah Harari. Ở cuốn thứ ba, ông ấy đưa ra các bài học của thời đại mà tôi thấy rất hứng thú khi công việc mình đang làm cũng góp một phần. Ví dụ như loài người cần học cách hiểu mình hơn trước khi AI (trí tuệ nhân tạo) thao túng được chúng ta. Tôi nghĩ rằng trẻ em chỉ có thể học được điều đó qua chơi tự do.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Chúng tôi đang làm việc với nghệ sĩ Ưu Đàm để cùng cộng đồng ở huyện Đông Anh tạo ra một không gian nghệ thuật mà trẻ em có thể chơi được. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm một dự án rất mới: Cải tạo chợ dân sinh ở phường Tân Mai. Sắp tới chúng tôi sẽ tham gia nhiều hoạt động trong dự án Vì một Hà Nội 
đáng sống...

Tôi luôn cố gắng sống thật với mình và cách này hay cách khác có thể đóng góp cho xã hội.

Kiến trúc sư Chu Kim Đức

Codet Hanoi (thực hiện) - ảnh: nhân vật cung cấp



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI