PNO - Không chỉ can thiệp, trang bị kiến thức, chị em hội phụ nữ còn hỗ trợ vốn, sinh kế, việc làm, giúp những nạn nhân của bạo lực gia đình có thu nhập, có thế đứng và biết đấu tranh để giành lại hạnh phúc
Nghe điện thoại reo, chị Bùi Thị Thoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) - bỏ dở bát cơm để nghe máy. Gần nửa tiếng đồng hồ sau, khi cơm canh đã nguội lạnh, chị mới cúp máy, lùa vội bát cơm bỏ dở rồi đứng lên. “Cả năm trời gắn bó đã có thành quả rồi. Họ gọi cho biết, gần tháng nay người chồng đã thay đổi, không còn vũ phu như trước nữa” - chị Thoa giải thích. Người phụ nữ ở đầu dây bên kia vừa là hàng xóm, vừa là “khách hàng” mà chị đã “đầu tư” hơn 1 năm qua.
Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu cùng đại diện dự án trao bò cho nạn nhân bạo lực gia đình
Chị Thoa là 1 trong 15 thành viên của Đội Phản ứng nhanh hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực xã Quỳnh Lương. Mỗi thành viên được phân công phụ trách 1 làng để nắm bắt thông tin về các vụ bạo lực gia đình một cách nhanh nhất, để từ đó có các biện pháp xử lý, giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân. Chị Thoa bảo rằng, nhiều chị em phụ nữ ở quê vẫn quan niệm “xấu chàng hổ ai”, nên có người bị chồng bạo hành hàng chục năm trời mà chẳng dám hé môi, đội phản ứng nhanh cũng chẳng dễ gì tiếp cận.
“Có người bị chồng bạo hành suốt 20 năm, trầm cảm nặng nhưng không ai biết. Tôi phải thường xuyên lui tới trò chuyện, chở đi tham gia các buổi hội họp phụ nữ. Phải mất mấy tháng trời họ mới tin tưởng mà chia sẻ chuyện của mình. Những lúc đó, mình chỉ lắng nghe và bảo cứ nói ra hết những ấm ức bao lâu nay cho nhẹ lòng” - chị Thoa nói. Khi đã lấy được niềm tin, chị Thoa bắt đầu trang bị kiến thức pháp luật về các hành vi bạo lực gia đình, kỹ năng mềm để không còn phải cam chịu sự vũ phu. Từ chỗ ôm đầu chịu báng, “khách hàng” của chị bắt đầu biết chạy sang hàng xóm lánh nạn mỗi khi có nguy cơ bị đánh, rồi “vùng lên” khi dám kể hết những ấm ức bấy lâu nay với gia đình chồng để nhờ can thiệp. “Tôi bảo mình không việc gì phải giấu rồi phải chịu đòn mà hãy kể hết cho bên chồng nghe và nhờ mọi người khuyên can. Đến nay, dù chưa hết hẳn bạo hành, nhưng đã có chuyển biến tích cực” - chị Thoa vui mừng.
Theo chị Thoa, bạo lực gia đình đôi lúc xuất phát từ cả hai vợ chồng nên các thành viên đội phản ứng nhanh có trách nhiệm tiếp cận một cách khách quan để tìm hiểu nguyên nhân nhằm giúp các đương sự tháo gỡ những “nút thắt”. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất, vì khi “xen vào chuyện của người ta”, có khi bị họ mắng chửi. “Có lần tôi đến nhà gặp ông chồng “rượu vào là đánh vợ” để nói chuyện. Lúc đó ông ta đang cầm chai rượu trên tay. Tôi sợ nhưng vẫn liều vào và giả vờ quên tháo mũ bảo hiểm” - chị Thoa kể.
Gần 2 năm tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Sức Sống Mới và các hoạt động xã hội, chị T. (xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu) - người có hơn 20 năm bị bạo lực mà “chỉ biết câm nín” - nay đã dám tố cáo chồng, biết tôn trọng bản thân và có kỹ năng giữ an toàn cho chính mình. Chồng chị cũng đã có sự thay đổi, biết chia sẻ việc làm, nói lời nhẹ nhàng với vợ và đồng ý tham gia CLB Người đàn ông trách nhiệm.
Tạo việc làm để vợ chồng không còn cắng đắng
Câu lạc bộ Người đàn ông trách nhiệm vẫn được tổ chức sinh hoạt đều đặn sau khi kết thúc dự án
Bà Hồ Thị Thúy Hằng - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu - nói rằng, bạo lực gia đình xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân từ kinh tế gia đình. Bởi thế, ngoài nỗ lực tuyên truyền, trang bị kiến thức, hội còn hỗ trợ tín dụng và sinh kế cho chị em để họ có việc làm ổn định, tăng thu nhập và có thế đứng vững vàng trong gia đình. Có người được hỗ trợ bò giống, dê giống tùy vào nhu cầu của gia đình. Khi trao con giống, chị em cũng sẽ được hướng dẫn cách chăn nuôi hiệu quả.
Đến nay, đã có 40 phụ nữ là nạn nhân hoặc có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình ở huyện Quỳnh Lưu được hỗ trợ con giống. Đây là một phần trong dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng của bạo lực giới” do tổ chức quốc tế Hagar tại Việt Nam phối hợp Hội LHPN tỉnh Nghệ An thực hiện.
Bà Trần Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu - cho biết, dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng của bạo lực giới” dù đã kết thúc từ lâu, nhưng các hoạt động của nó thì vẫn được duy trì nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là việc trao sinh kế. Hội sẽ nỗ lực kết nối, tìm nguồn kinh phí để duy trì mô hình.
Theo bà Thúy Hằng, dù dự án này đã kết thúc từ năm 2022, song các CLB Sức Sống Mới dành cho các bà vợ, CLB Người đàn ông trách nhiệm dành cho các ông chồng, đội phản ứng nhanh ở nhiều địa phương vẫn đang hoạt động rất hiệu quả.
“Chưa thể chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình trong một thời gian ngắn, nhưng hiện nay tình trạng này đã được cải thiện rất nhiều, có nhiều chuyển biến tích cực. Chị em dần nhận ra được giá trị của bản thân, biết đấu tranh, không còn chịu đựng một mình” - bà Hằng nói.
Dạo một vòng quanh đồi dứa của một thành viên trong CLB, anh Hồ Duyên Cảnh - Ban chủ nhiệm CLB Sức Sống Mới xã Quỳnh Thắng - cho biết, trung bình mỗi tháng CLB họp 1 lần. Những buổi như vậy, họ chia sẻ chuyện gia đình, chia sẻ và hỗ trợ nhau những cách làm kinh tế. Những mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao cũng sẽ được cập nhật để các thành viên cùng nhau tìm hiểu. “Nuôi 1, 2 con bò hay dê thì quá nhàn. Các gia đình ở đây có nhiều đất đai, nên chúng tôi thường tìm hiểu những mô hình trồng cây mang lại hiệu quả kinh tế để phổ biến cho mọi người áp dụng, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Quan trọng nhất là khi có việc làm ổn định, vợ chồng sẽ bớt cắng đắng nhau” - anh Cảnh chia sẻ.