|
Điểm cầu TPHCM tham gia Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ bầu cử của Bộ Nội vụ. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe trình bày và cập nhật những điểm mới trong các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Theo đó, công tác tổ chức bầu cử ở các địa phương đang thí điểm cơ chế mới ngoài việc triển khai theo Thông tư số 1 của Bộ Nội vụ về nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, còn điều chỉnh theo các nghị quyết của Quốc hội, như: Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng và Nghị quyết số 97/2020/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội.
Bên cạnh đó, phương án bỏ phiếu cho người đang cách ly tập trung tại các cơ sở điều trị COVID-19 hoặc các địa điểm cách ly tập trung khác và người đang cách ly tại nhà (nếu có), ở những khu vực bị chia cắt do thiên tai, lũ lụt… cũng được tính đến.
Những điểm mới của Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH khoá XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 cụ thể hóa đầy đủ hơn tiêu chuẩn ĐBQH và ĐBHĐND, trên tinh thần kiên quyết không để lọt người không xứng đáng, chạy chức chạy quyền tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Hướng dẫn 36 cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH chuyên trách và ĐBHĐND chuyên trách. Ngoài tiêu chuẩn chung, có điểm mới là người ứng cử ĐBQH chuyên trách phải có quy hoạch ĐBQH chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc Công an tỉnh và tương đương trở lên…
Về bố trí Trưởng đoàn ĐBQH, lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng cử ĐBQH nếu trúng cử sẽ đảm nhiệm chức danh này theo nguyên tắc mỗi thường trực cấp ủy của tỉnh (Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và Trưởng đoàn ĐBQH) không giữ quá 2 chức danh lãnh đạo. Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố không giữ quá 3 chức danh lãnh đạo.
Về độ tuổi, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa (tức nam sinh từ tháng 2/1966 và nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây). ĐBQH chuyên trách tái cử (trừ các ủy viên Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất nửa nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021 (tức nam sinh từ tháng 8/1963 và nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây)...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi thảo luận về những nội dung liên quan đến nghiệp vụ công tác bầu cử, những khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Qua đó, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị các cơ quan Trung ương khẩn trương có văn bản trả lời giải đáp vướng mắc theo đề xuất của địa phương (trong thời gian không quá 5 ngày làm việc), cũng như có hướng dẫn chi tiết về công tác triển khai thực hiện trong thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử.
“Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021, đề nghị cấp ủy, tổ chức chính quyền, đoàn thể Trung ương đến cấp xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt, đúng mốc thời gian theo kế hoạch, lịch trình theo luật định. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện đảm bảo thành công của bầu cử và nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID -19, vừa triển khai phát triển kinh tế, xã hội năm 2021”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân yêu cầu.
Công tác tuyên truyền bầu cử cần quan tâm đến tâm lý người dân trong thời dịch COVID-19
|
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu công tác tuyên truyền cần ứng dụng công nghệ và chú ý đến tâm lý người dân trong thời kỳ dịch bệnh. |
Chiều 25/2, Chủ tịch HĐND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã làm việc với Tiểu ban Tuyên truyền phục vụ công tác bầu tử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền, Phan Nguyễn Như Khuê cho biết sẽ sớm ban hành kế hoạch tuyên truyền và đề nghị từng đơn vị trong tiểu ban phải cụ thể hóa phương hướng tuyên truyền riêng theo đối tượng, lĩnh vực mình phụ trách.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao thiết kế gấp các mẫu tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đồng thời huy động các ứng dụng công nghệ 4.0, trình diễn ánh sáng tuyên truyền trực quan sinh động ở các cửa ngõ thành phố và các khu vực mang tính biểu tượng…
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý các cơ quan, đoàn thể, tổ chức phát huy mọi sáng tạo trong công tác tuyên truyền nhưng phải bám sát, cập nhật những chỉ đạo, hướng dẫn từ trung ương.
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng thống nhất ý kiến về việc đổi mới, hiện đại hơn nữa hình thức thông tin tuyên truyền, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung các nội dung tuyên truyền thật ngắn gọn, dễ thấy, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ.
“Cuộc bầu cử của chúng ta diễn ra trong tình hình đặc biệt với diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Đây cũng là vấn đề cử tri quan tâm và lo lắng nhất, nhất là những nơi có cách ly, cần có hướng tuyên truyền hợp lý, hiệu quả để bà con an tâm…”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nêu vấn đề.
|
Tam Bình