1. Bạn tôi có một gia đình có thể coi là hạnh phúc, con cái đều đã lớn. Gần đây bạn thường than phiền với tôi rằng, vợ anh quá lắm điều. “Cô ấy càm ràm về đủ thứ, từ chuyện cơ quan, chuyện chợ búa, thậm chí… xem xong bộ phim, cô ấy ghét ai, thương ai cũng nói mãi không thôi. Đúng là đàn bà càng già càng lắm lời!”.
Tôi thấy buồn cười, vì xét cho cùng, đàn ông cũng lắm lời, cũng càm ràm đủ thứ. Có điều, thay vì nói với vợ thì họ chọn… quán bia. Ai từng đi uống bia ở những quán bình dân, quán vỉa hè, rồi từng im lặng quan sát mà xem, ầm ĩ không chịu nổi. Mỗi vị khách là một cái loa và thậm chí… ngồi chung một bàn cũng chẳng loa nào thèm quan tâm loa nào, cứ nói lấy được về đủ thứ chuyện tào lao mà chẳng ai thực sự nghe ai.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tôi hỏi bạn: “Có bao giờ ông chịu lắng nghe vợ càm ràm không?”. “Có chứ, tôi nghe hết” - bạn khẳng định. “Nghe hết rồi sao?” - tôi lại hỏi. “Thì tôi có trả lời, có đối đáp cho qua chuyện chứ làm sao nữa”.
Thực ra, trong mọi câu chuyện giữa vợ chồng họ, hầu hết chỉ là đối đáp, trả lời cho xong. Nếu câu chuyện là những khúc mắc thì sự giải thích, động viên nhau cũng chỉ qua loa, hời hợt.
2. Chúng ta thường được nghe những nhà tâm lý khuyên “hãy tập trung trong mọi việc”. Trong đạo Phật, việc thực hành “chánh niệm” chính là việc học cách “tập trung” vào mọi thứ mình làm. Tập trung là sống trọn vẹn với thực tại, ở đây và bây giờ, chỉ nghĩ tới việc đang làm chứ không nghĩ tới việc khác.
Với những người yêu nhau, phải học cách tập trung, học cách gần gũi nhau chứ không phải lảng tránh theo nhiều cách như vẫn thường làm. Và, việc tập trung trong đối thoại biểu hiện ở cách lắng nghe.
Hầu hết chúng ta đều nghe người khác nói, thậm chí có thể trao đổi, đưa ra lời khuyên, góp ý… nhưng không thực sự lắng nghe. Ta không thực sự coi trọng điều người khác nói. Như trường hợp bạn tôi với vợ anh ta, tuy anh ta có đối đáp, có trả lời nhưng không thực sự nghiêm túc. Kết quả là, những cuộc chuyện trò dẫn đến mệt mỏi, chán ngán, khó chịu…
“Cậu phải thực sự tập trung lắng nghe mới có thể thấu cảm với cô ấy, mới thực sự cảm nhận điều gì xảy ra sau một chuỗi những càm ràm lắm điều của cô ấy”. “Ôi, nếu vậy thì tôi phát điên lên mất”. Rõ ràng, bạn tôi có cảm tưởng rằng, nếu tập trung lắng nghe thì sẽ mệt mỏi hơn.
3. Thực ra, cũng theo phương pháp “chánh niệm”, tức học cách tập trung vào đối tượng thì kết quả luôn ngược lại. Bất cứ hành động nào, nếu được thực hiện một cách tập trung sẽ khiến con người tỉnh táo hơn, dù có thể có sự mệt mỏi tự nhiên nhưng tinh thần thoải mái hơn; trong khi hành động thiếu tập trung sẽ dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần, thậm chí sẽ mất ngủ.
Bạn tập trung vào câu chuyện của vợ hay của người yêu, của con cái bạn… bạn sẽ cảm nhận và thấu hiểu được người ấy và điều này dẫn đến sự hòa hợp, khiến bạn dễ chịu hơn nhiều so với việc bạn hời hợt, né tránh, lờ đi để rồi sau đó là nặng nề, mệt mỏi.
Tương tự như bạn tập trung nghe nhạc, bạn hòa mình vào bản nhạc, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn so với sự nghe mà không tập trung, bạn bị âm thanh tác động mà vẫn chẳng cảm thấy gì. Để có được sự tập trung này, ta phải học cách kiên nhẫn lắng nghe.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
4. Có nghệ thuật nào mà muốn đạt thành tựu lại không đòi hỏi sự kiên nhẫn học tập, bao gồm cả nghệ thuật sống và nghệ thuật yêu thương?
Hãy quan sát đứa trẻ tập đi - nhà phân tâm học E. Fromm cho ta lời khuyên - ta sẽ học được sự kiên nhẫn. Nó đi và ngã, lại đứng dậy, lại đi, lại ngã, lại đứng dậy… cứ thế, đứa trẻ cố gắng cho đến khi đi được mà không ngã nữa, nó sẽ vui sướng thế nào.
Khi theo đuổi những mục đích quan trọng, người trưởng thành, nếu học được sự kiên nhẫn và tập trung của đứa trẻ thì sẽ đạt thành tựu. Chính sự tập trung, sự kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta trở thành những người nhạy cảm. Sự nhạy cảm giúp ta thấu hiểu được chính mình cũng như đối tác, những người ta quan tâm và yêu quý.
Các bậc thiền sư, bằng khả năng tập trung và sự kiên nhẫn thực hành chánh niệm, họ đạt tới cảnh giới “cảm nhận” được hơi thở của vạn vật. Chúng ta là những người bình thường, chỉ mong muốn cuộc sống hạnh phúc hơn. Muốn thế, ta phải học cách tập trung, kiên nhẫn và biết lắng nghe.
Biên kịch Đỗ Trí Hùng