32 tuổi, cháu tôi cưới vợ. 2 đứa ríu rít bên nhau suốt 5 năm rồi cưới. Tình yêu của cháu tôi gây cho người khác cảm tưởng “Chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi”.
Vài năm sau, cô dâu chú rể ở riêng và sinh con. Cả 2 đứa có việc làm tốt, thu nhập cao, lại được gia đình hỗ trợ nên cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nom mặt ông cháu có vẻ ủ dột. Vài lần chúng bế con về nhà nội chơi. Ông bà xúm vào đứa cháu mới 2 tuổi âu yếm chiều chuộng.
Còn cặp vợ chồng trẻ mỗi đứa 1 điện thoại, cắm mặt vào đó cho đến giờ… ăn cơm. Cơm nước xong, cô cháu dâu vào bếp giúp mẹ chồng dọn dẹp. Ông chồng ngồi ngoài bàn nước, nói chuyện với ba, với bác - là tôi - rồi tiếp tục cắm đầu vào điện thoại cho đến lúc về.
|
Ảnh mang tính minh họa - Racool_studio |
***
Có lần, ông cháu sang nhà tôi chơi, loay hoay tìm cuốn sách gì đó, vì nhà tôi rất nhiều sách. Tôi hỏi chuyện gia đình, cháu bảo: “Ổn bác ạ”. “Ổn là sao? Vợ chồng vẫn yêu nhau thắm thiết đấy chứ?” - tôi lại hỏi. Cậu ta cười: “Tầm này còn yêu đương gì hả bác. Cháu đọc ở đâu đó người ta nói, yêu là khao khát lẫn nhau, cưới nhau rồi thì khao khát giảm dần, có con rồi thì hết khao khát, tức là hết yêu”. “Hết yêu rồi thì sao?” - tôi hỏi cháu. “Thì sống với nhau chỉ là trách nhiệm, nếu làm tốt trách nhiệm thì hôn nhân tồn tại, nếu không thì ly hôn. Bạn bè cháu ly hôn nhiều lắm”.
- Không được. Nếu cháu đã từng khao khát thì cháu có thể tái tạo nó, kiểu thuật ngữ kinh tế gọi là tái cấu trúc sự khao khát.
- Bác nói sao, khao khát là cảm xúc tự nhiên, làm sao mà tái tạo được?
- Vậy cháu có đồng ý làm theo lời khuyên của bác, thử xem có tái cấu trúc tình yêu và sự khao khát được không?
- Vâng, nhưng cháu nên làm gì?
- Làm những gì cháu đã từng làm, thời cháu còn khao khát cô ấy, chẳng hạn như ôm hôn mỗi buổi sáng, nói lời âu yếm khi đi làm về và khi lên giường thì luôn tỏ ra… đắm đuối.
- Ôi trời, đã hết khao khát rồi, đã nhàm chán rồi thì cố làm những việc đó cũng chẳng làm được. Nhạt nhẽo lắm!
- Đã thử cố chưa mà biết?
- Cháu không cố thử khi cháu thực sự không muốn. Cô ấy cũng vậy.
- Kệ cô ấy! Cháu cứ thử cố xem sao đã! Hãy bắt đầu ngay khi từ nhà bác trở về, cháu hãy ôm cô ấy rồi hỏi câu gì đó, kiểu “Em đang làm gì? Có cần anh giúp gì không?”. Đành rằng, khi đang chán nhau mà phải ôm nhau thì không hứng thú gì, nhưng cứ nghe bác, hãy làm điều đó kể cả khi không hứng thú, rồi hứng thú sẽ quay trở lại.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Ông cháu đăm chiêu suy nghĩ. Tôi cố khuyến khích nó, rằng sống trên đời cần cố gắng, yêu cũng vậy, cũng cần cố gắng, vì tình yêu không chỉ là cảm xúc nhất thời, bởi cảm xúc chẳng bao giờ tồn tại mãi, nên tình yêu cần cả ý chí nữa. Cứ thử làm như bác khuyên 1 lần xem sao.
Chừng 1 tuần sau, ông cháu sang nhà tôi trả lại cuốn sách và tìm cuốn khác, tôi hỏi về việc “tái cấu trúc tình yêu”. “Cháu đã thử” - ông chồng trẻ trả lời - “nhưng gượng lắm. Chắc tụi cháu hết duyên rồi nên có cố cũng không được. Ý chí của cháu chỉ cố kéo dài thời gian cho đến lúc chán quá phải ly hôn thôi”.
“Làm sao ta biết được khi nào ta hết duyên chứ? Ta chỉ biết được ta hết duyên khi ta đã cố gắng hết sức, còn chưa cố gắng mà đã tin mình hết duyên thì tình yêu của cháu nhợt nhạt và chưa bao giờ là có duyên cả” - tôi nói.
Ông cháu nhìn tôi, vẻ rất nghiêm túc và biết lắng nghe: “Cháu chưa hiểu ý bác”. Tôi diễn giải: “Thiên tài âm nhạc Beethoven sinh ra để cho âm nhạc, ngay từ năm 7 tuổi, khi ngồi vào đàn piano, cậu ta đã chơi mê mải say sưa. Đó là vì cậu ta yêu âm nhạc hay như nhà Phật nói, cậu ta có duyên với âm nhạc.
Nhưng cháu nên nhớ, cha mẹ của Beethoven nhìn thấy khả năng của con trai và yêu cầu con rèn luyện rất nghiêm túc. Mỗi ngày Beethoven phải ngồi vào đàn ít nhất là 5 tiếng. Sau này, ông kể, có lúc ngồi vào tập đàn mà có cảm giác như bị tra tấn, nhưng vẫn phải ngồi, phải tập và kết quả cậu ấy đã sáng tác giao hưởng khi 13 tuổi. Cháu nghĩ sao nếu mỗi khi mỏi mệt, chán nản, Beethoven bỏ tập và tin rằng mình đã hết duyên với âm nhạc rồi?”.
Cháu tôi bắt đầu nghệt mặt ra. Tôi tiếp tục: “Cậu ấy vẫn tập ngay cả khi rất chán chường, mỏi mệt và rồi sự say mê lại quay về với cậu, từ đó cậu ấy gắn bó suốt đời với cây đàn và với âm nhạc. Tình yêu của con người với bất kỳ cái gì cũng tuân theo quy luật đó. Sẽ có lúc người ta chán chường, mệt mỏi vì muôn vàn lý do. Cuộc sống là vậy. Cháu sẽ chán người cháu yêu, đến mức muốn chia tay cho nhẹ người. Rồi cháu sẽ lại yêu người khác, lại tin rằng mình có duyên với người đó, rồi lại chán, lại nghĩ rằng hết duyên rồi. Cứ như vậy thì không bao giờ biết đến hạnh phúc đích thực. Người ta chỉ biết được còn duyên hay hết duyên khi thực sự cố gắng, đi cùng với sự kiên nhẫn. Học yêu chính là học cách kiên nhẫn đấy”.
“Học yêu là học kiên nhẫn” - ông cháu tôi lặp lại, như một nghi vấn. “Đúng vậy. Một triết gia kiêm nhà tâm lý học rất nổi tiếng, là Erich Fromm, cho rằng, khác với sự thích, yêu phải là một nghệ thuật và ta không thể nắm được môn nghệ thuật nếu không học hỏi một cách kiên nhẫn và thực hành nó. Như Beethoven với âm nhạc, như Picasso với hội họa, như Lev Tolstoy với văn chương. Họ phải lao động rất vất vả, phải kiên nhẫn, phải tập trung, vì nghệ thuật nào cũng đòi hỏi điều đó, nhất là nghệ thuật yêu” - tôi nhấn mạnh.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
***
Vài tháng sau, cháu tôi lại đến chơi, đi cùng vợ con, thằng bé 2 tuổi, rất xinh và đáng yêu. Chúng làm một bữa ăn tối, mấy bác cháu cùng thưởng thức. Suốt bữa ăn và sau đó là uống trà, tán chuyện, vợ chồng trẻ lại ríu ra ríu rít như mới yêu. Tranh thủ lúc cháu dâu dọn dẹp trong bếp, tôi bế thằng chắt và khẽ hỏi ba nó về chuyện tái cấu trúc tình yêu.
“Dạ, kết quả rất tốt ạ” - ông cháu thì thào - “Lúc đầu cô ấy cũng ngạc nhiên trước thái độ của cháu, nhưng cháu kệ, cứ làm theo yếu chỉ bác dặn, kiên nhẫn và cố gắng, cháu hôn cô ấy ngay cả khi cháu… không muốn nhìn cô ấy. Rồi cô ấy cũng đáp lại và bỗng dưng cảm xúc ngày xưa xuất hiện từ từ… giờ thì tràn trề, như thời trước khi cưới”.
“Tốt. Bác rất mừng. Nhưng đừng chủ quan nhé! Toàn bộ cuộc sống là cố gắng và kiên nhẫn. Tình yêu cũng vậy. Càng cố gắng và kiên nhẫn bao nhiêu, quả ngọt hạnh phúc sẽ mỹ mãn bấy nhiêu”. Tôi tin cháu tôi hiểu.
Biên kịch ĐỖ TRÍ HÙNG