Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp Hội viên câu lạc bộ bất động sản Việt nam (VREC) và TPHCM (HREC) đã có những chia sẻ về các đối sách chuẩn bị tăng tốc sau dịch.
Theo các doanh nghiệp, sự chuyển đổi từ B2B (kinh doanh sỉ) sang B2C (kinh doanh lẻ) là một chính sách được hầu hết các doanh nghiệp sử dụng để ứng phó với khó khăn của thị trường. Ngoài ra, việc số hoá và công nghệ hoá doanh nghiệp cũng là một ưu tiên hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm và áp dụng triệt để.
Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ về khủng khoảng kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Hội viên câu lạc bộ Bất động sản VREC & HREC khẳng định không xem việc cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương là một đối sách hay; thậm chí các doanh nghiệp Hội viên còn xem đây là thời điểm vàng để tập trung đào tạo nhân sự, thực hiện chính sách đãi ngộ nhân viên và thiết lập lại hệ thống cũng như kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
|
"Doanh nghiệp bất động sản không được nằm trong các chính sách hỗ trợ khiến những người lao động trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực liên quan khó khăn theo" - một hội viên Câu lạc bộ BĐS chia sẻ
|
Ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ nhấn mạnh: “Ngoài hoạt động hướng đến xã hội, doanh nghiệp cần tập trung đến người lao động, bồi dưỡng kiến thức, giao việc và giữ liên kết với người lao động đồng thời thực hiện chuyển đổi số và tận dụng chuyển đổi số là những điều quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn hiện tại”.
Chị Mỹ Nguyễn – Hội viên câu lạc bộ chia sẻ, việc doanh nghiệp bất động sản không được nằm trong các chính sách hỗ trợ, đặc biệt không nằm trong đối tượng được khoanh, giãn nợ, giảm lãi vay sẽ khiến những người lao động trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực liên quan khó khăn theo, thậm chí trong đó có cả khách hàng là người lao động ở các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng khi hoạt động kinh doanh của các công ty bất động sản bị trì trệ... “Nếu xem ngành bất động sản nói chung và nghề môi giới bất động sản nói riêng là một ngành nghề hợp pháp theo luật định, thì việc hỗ trợ để doanh nghiệp bất động sản có cơ hội trụ vững, để người lao động ngành bất động sản được quan tâm đúng mực cũng là vấn đề cần được các cấp lưu tâm và xem xét” – chị Mỹ kiến nghị.
Ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản VREC & HREC lạc quan chia sẻ: “Các doanh nghiệp sẽ quay lại hoạt động một cách sôi nổi và năng động sau dịch, đó là điều chắc chắn. Thị trường chứng khoán vẫn báo cáo lãi, lợi nhuận gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2020. Kiều hối đổ về Việt Nam vẫn không ngừng tăng trong thời gian trước và trong dịch. Nên việc ngưng đọng của dòng tiền và nền kinh tế sẽ là tạm thời và có khả năng hồi phục trong thời gian tới”.
Cũng theo ông Bảo, các doanh nghiệp cần nhìn thẳng vào vấn đề và tiến hành những biện pháp cấp bách như: cắt giảm chi phí nhân sự, mặt bằng. Chấp nhận tuyển nhân sự mới và mặt bằng mới phù hợp với tình hình mới sau dịch. Tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát trong vài tháng tới nhưng hệ luỵ có thể ảnh hưởng nhiều năm sau đó. Doanh nghiệp cũng lưu ý làm mạnh dòng tiền bằng cách: đàm phán với ngân hàng về giảm lãi xuất, tăng thời gian đáo hạn và tăng hạn mức vay; giảm tỉ lệ lợi nhuận cho khách hàng để nhanh chóng thu hồi nợ; khéo léo trong nghệ thuật chiếm dụng vốn bằng việc đàm phán với nhà cung cấp cho giãn thời gian thanh toán và đặc biệt phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để vận động hùng hạp với những người tin tưởng để gia tăng vốn và sức mạnh doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp đã sẵn sàng hoạt động trở lại với các chính sách nhân sự và biện pháp an toàn dịch trong điều kiện mới. Tin rằng, việc cho doanh nghiệp từng bước mở cửa kinh doanh với các điều kiện đi kèm như: nhân sự đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc-xin hoặc miễn nhiệm với COVID-19 là khẩn thiết” – ông Bảo nói thêm.
Bích Trần