Kiến nghị xem lại quy định về số giờ lái xe

21/02/2025 - 06:25

PNO - Theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025), người lái ô tô kinh doanh vận tải không được lái xe quá 10 giờ/ngày, không quá 48 giờ/tuần và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Quy định này gây khó cho giới kinh doanh vận tải và giới tài xế ô tô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có 2 xe đầu kéo, trong đó trực tiếp cầm lái 1 chiếc, anh H.C. (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) so sánh, luật trước đây “dễ thở” hơn do chỉ quy định số giờ lái xe trong ngày, còn luật mới quy định thêm số giờ trong tuần, số giờ chạy liên tục, nên việc tuân thủ rất khó. Theo anh, mỗi lần tắc đường (kẹt xe), nhất là khu vực cửa khẩu, cửa cảng hoặc tuyến đường có mật độ giao thông lớn, xe “nhích từng chút một” trong nhiều giờ, nên số giờ còn lại để chạy xe hầu như không còn. Thêm vào đó, trên một số tuyến đường cao tốc hiện nay chưa có trạm dừng nghỉ nên tài xế không thể ngừng chạy khi đã chạy gần 4 giờ liên tục.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - có nhiều yếu tố khách quan khiến doanh nghiệp và tài xế không thể làm chủ thời gian lái xe. Cụ thể, hệ thống đường bộ chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là ở các thành phố lớn, ở các bến cảng, cửa khẩu, trục quốc lộ chính; một số tuyến đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ. Thông thường, khi chạy đường trường, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều bố trí 2 tài xế. Với quy định chỉ được lái xe tối đa 48 giờ/tuần, doanh nghiệp phải bố trí 3 tài xế, vừa làm tăng chi phí, vừa không khả thi bởi thiết kế của xe đầu kéo chỉ có 2 ghế cho 2 người ngồi.

Vì vậy, vừa qua, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản kiến nghị “gỡ vướng” cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị nâng thời gian lái xe tối đa trong 1 tuần lên 60 giờ và chỉ xử phạt khi thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong 1 ngày vượt quá 10% quy định.

Trong văn bản kiến nghị của mình, dẫn số liệu khảo sát, Hiệp hội Logistics TP Hà Nội cho hay, thời gian lái xe liên tục trong 1 tuần của tài xế kinh doanh vận tải ở Việt Nam hiện nay khoảng 60-65 giờ khi chạy tuyến đường dưới 300km và trên 65 giờ khi chạy tuyến đường trên 300km. Khi áp dụng quy định của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, số giờ làm việc của tài xế bị giảm khoảng 20 - 30%, thu nhập giảm tương ứng, đồng thời giá cước vận tải tăng lên. Hiệp hội này kiến nghị điều chỉnh số giờ làm việc của tài xế lên 65 giờ/tuần, tương đương với các nước thuộc khối EU như Mỹ, Nhật Bản.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc quy định về thời gian được phép lái xe đối với tài xế kinh doanh vận tải là nhằm bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động (thời gian làm việc của người lao động không quá 8 giờ/ngày, không quá 48 giờ/tuần) và Công ước Vienna về giao thông đường bộ mà Việt Nam tham gia. Qua nghiên cứu, khi lái xe trên 4 giờ liên tục, tài xế bị mệt mỏi. Quy định thời gian lái xe là biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lái xe, đồng thời góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Cũng theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, với các tình huống bất khả kháng như tắc đường hoặc thiếu điểm dừng xe, tài xế có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó. Cảnh sát giao thông sẽ xem xét các tình huống cụ thể chứ không chăm chăm xử phạt. Sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, tài xế cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi.

Theo Nghị định 168/2024, tài xế ô tô lái xe quá thời gian quy định hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục bị phạt 3-5 triệu đồng, trừ 2 điểm giấy phép lái xe; chủ xe để cho tài xế của mình lái ô tô liên tục quá thời gian quy định bị xử phạt 4-6 triệu đồng (cá nhân) và 8-12 triệu đồng (tổ chức).

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI