Kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội chỉ còn 3 - 3,5%/năm

22/02/2019 - 18:36

PNO - Đó là kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) liên quan đến đề án xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Theo HoRea, từ khi chấm dứt gói tín dụng vay ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng đã khiến nhiều người thu nhập thấp không được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.

UBTVQH đã có văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/04/2017 gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội (có 1.260 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội) nhưng trên thực tế đa số các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn.  

Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính Phủ, tại khoản 2 điều 33 quy định giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Kien nghi tiep tuc giam lai suat cho vay mua nha o xa hoi chi con 3 - 3,5%/nam
Dự nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) dỡ dang vì thiếu vốn

Quy định này thực tế chưa thực hiện khoản 1.c điều 58 Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam. Dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang không được tiếp tục vay vốn để hoàn thành dự án, nhiều người vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, Horea kiến nghị Quốc hội bổ sung “Chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội” vào điều 7 nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của UBTVQH về các chương trình mục tiêu. 

Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho 4 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm: Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank; thực hiện giảm mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 4,8% xuống còn 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng đã khảo sát hiện có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân ở TP.HCM có nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2016 – 2020.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI