Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án Vành đai 4

05/05/2024 - 16:11

PNO - Sáng 5/5, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã báo cáo phương án xây dựng đường Vành đai 4 tại hội nghị hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, quá trình triển khai thực hiện dự án Vành đai 4, UBND TPHCM đã cùng Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức nhiều cuộc họp về triển khai thực hiện dự án.

Theo ý kiến của các địa phương, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường Vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương); cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án (cầu Thủ Biên giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, cầu giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu).

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Việt Dũng
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

Bên cạnh đó, nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; tỉ lệ vốn ngân sách tham gia hỗ trợ dự án trên 50% tổng mức đầu tư dự án; cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhìn nhận, đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic.

Do đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TPHCM chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 (vận dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù như khi thực hiện Vành đai 3).

Đồng thời, đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, khoảng 10.041 tỉ đồng, giai đoạn bố trí vốn 2021-2025. Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 1.718 tỉ đồng, tỉnh Đồng Nai khoảng 3.925 tỉ đồng; tỉnh Bình Dương khoảng 4.398 tỉ đồng.

Riêng tỉnh Long An, ngân sách trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án, khoảng 28.458 tỉ đồng và xin bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 6.700 tỉ đồng (30% chi phí giải phóng mặt bằng), phần còn lại (khoảng 21.758 tỉ đồng) bố trí trong giai đoạn 2026-2030. Đặc biệt, TPHCM xin tự cân đối vốn.

Đối với các địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị sớm hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án các đoạn tuyến Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền, để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định, và có ý kiến, đề xuất về đầu tư các công trình cầu tại vị trí giáp ranh, kết nối giữa 2 địa phương; báo cáo khả năng bố trí vốn địa phương và đề xuất vốn trung ương hỗ trợ; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án theo đề nghị của UBND TPHCM tại công văn trước đó.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI