Ngày 25/10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống Bạo lực gia đình (2008 - 2018).
Tham dự lễ tổng kết có ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Tư pháp, Hội LHPN TP.HCM, đại diện UBND 24 quận huyện và 322 phường xã thị trấn trên địa bàn TP.
|
Đại biểu tham dự hội nghị |
Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, thực tế bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn TP.HCM có nhiều điểm chung với tình hình BLGĐ trên cả nước. Công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (Luật PCBLGĐ) được đẩy mạnh nên số vụ ngày càng được kéo giảm. Tuy nhiên có những vụ mang tính chất nghiêm trọng, dã man, gây tàn tật vĩnh viễn đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình, thậm chí tử vong, đã xảy ra thời gian qua.
Theo số liệu thống kê, tính từ 6 tháng cuối năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2018, toàn TP có 1.877 vụ BLGĐ, trong đó số vụ BLGĐ ở 19 quận nội thành chiếm 74.7% vụ.
Phân loại theo loại hình BLGĐ, bạo lực thân thể chiếm đa số với 1.152 vụ (chiếm 61.1%); bạo lực tinh thần 578 vụ; bạo lực tình dục 23 vụ... Trong tổng số vụ BLGĐ trên, có 1.743 nạn nhân là nữ (chiếm 86,1%). Điều đó cho thấy, trong tổng số vụ BLGĐ, đa phần nạn nhân đều là nữ và thủ phạm gây bạo lực đa số là nam giới.
Nguyên nhân gây ra BLGĐ được chỉ ra như: nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế; tình trạng bao che, không khai báo, tâm lý sợ bị chê cười của nạn nhân bạo lực gia đình; kinh tế khó khăn, tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc nghiện ngập,...); tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới; người dân thiếu những kỹ năm ứng xử trong gia đình; người dân ít hợp tác, tâm lý dĩ hòa vi quý...
Đáng chú ý, dù số vụ BLGĐ tuy có giảm, nhưng theo thống kê của Tổng cục thống kê từ năm 2013 -2016, miền Đông Nam bộ có 18.336 vụ ly hôn, trong đó riêng TP.HCM có 13.928 vụ (chiếm 76%).
|
Biểu diễn tiểu phẩm về đề tài bạo lực gia đình tại hội nghị |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN TP.HCM, với vai trò chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, thời gian qua Hội LHPN TP đã phối hợp với các ngành thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống BLGĐ như: đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước "Phụ nữ tích cực học tập sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" (giai đoạn 2006 - 2011 và 2011 - 2016) gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" đến 100% cơ Hội trên địa bàn TP.
Việc tuyên truyền về công tác này cũng được duy trì đều đặn bằng nhiều kênh thông tin hữu ích của Hội: trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, thông qua hệ thống các bài giảng trực tuyến, đưa nội dung công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ trong trang Thông tin Phụ nữ Gia đình và Cuộc sống do Hội LHPN biên soạn; duy trì củng cố và nâng chất hoạt động tổ Trợ giúp pháp lý miễn phí; trợ giúp phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của BLGĐ và mua bán người trên địa bàn TP.HCM tại Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương...
Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, đơn vị thực hiện chức năng thường trực, quản lý nhà nước về gia đình, cho biết, một trong những khó khăn hạn chế khi thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ của TP là việc phân bổ kinh phí dành cho công tác gia đình, phòng chống BLGĐ.
Cụ thể, kinh phí nghiệp vụ cho công tác gia đình cấp TP được phân bổ từ năm 2008 -2015 trung bình 200 triệu đồng/năm. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm kinh phí phân bổ cho công tác gia đình nói chung và phòng chống BLGĐ nói riêng là 900 triệu đồng/năm. Với cấp quận/huyện là 46 triệu đồng/năm, cấp xã/phường/thị trấn chỉ đạt 7,6 triệu đồng/năm. "Với cấp TP, tạm ghi nhận là đủ kinh phí để tổ chức hoạt động cơ bản nhất liên quan đến công tác gia đình và phòng chống BLGĐ. Riêng cấp phường/xã/thị trấn, kinh phí như vậy còn rất thấp, chưa đủ để tổ chức các hoạt động thường xuyên".
Trên cơ sở đó, các sở ngành đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị HĐND TP ưu tiên tăng cường phân bổ kinh phí dành cho công tác gia đình và phòng chống BLGĐ; kiến nghị HĐND TP quan tâm về chế độ, chính sách cho đội ngũ cộng tác viên công tác gia đình ở cơ sở.
Tại hội nghị, các đơn vị liên quan cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống Bạo lực gia đình và các văn bản liên quan. Trong đó, kiến nghị bỏ quy định "có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ, hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình" (Điểm d, khoản 1, điều 19, Luật PCBLGĐ).
Lý do, quy định này không khả thi trong thực tế, vì hầu hết nạn nhân bị bạo lực là người vợ, con, người thân trong gia đình. Nhiều người bị phụ thuộc kinh tế, nên dù bị đối xử tàn nhẫn, họ vẫn cam chịu, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Vì vậy nên sửa đổi quy định này thay vào quy định khác phù hợp, thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra xử lý.
Tại điều 17 và điều 43, Luật Phòng, chống BLGĐ, có đưa biện pháp ngăn ngừa đối với người gây bạo lực gia đình là phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư. Biện pháp này khó thực hiện trong thực tế, bởi tại TP, đối tượng gây BLGĐ còn là dân nhập cư. Khi phát hiện hành vi, đối tượng thường chuyển chỗ qua địa bàn khác. Bên cạnh đó, biện pháp phê bình góp ý trong cộng đồng dân cư thường được kết hợp thực hiện trong các cuộc họp tổ dân phố theo từng quý. Khi tổ chức cuộc họp, thì đối tượng đã trốn hoặc chuyển qua địa bàn khác.
Riêng về chế tài xử phạt: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 300.000đ đối với các hành vi ép người khác kết hôn, tảo hôn, hành hạ, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác..." (Điều 55, NĐ 167/2013/NĐ - CP), TP.HCM cũng kiến nghị hoặc có chế tài mạnh hơn hoặc thay nên thay bằng chế tài lao động công ích để người gây BLGĐ cảm thấy xấu hổ, từ đó thay đổi hành vi.
|
Hoài An