Kiến nghị nâng tiền cọc đấu giá đất để hạn chế “cò mồi”, bỏ thầu

28/11/2023 - 13:50

PNO - Nhiều ĐBQH kiến nghị nâng mức tiền cọc để hạn chế tình trạng "cò mồi" cũng như bỏ thầu trong đấu giá quyền sử dụng đất.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nâng mức cọc đấu giá đất tối thiểu 20% giá khởi điểm để hạn chế "cò mồi" tham gia do số tiền lớn

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) cho biết, dự án luật hiện không quy định cụ thể thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc, do đó người trúng đấu giá sẽ không làm hợp đồng ngay. ĐB đề xuất bổ sung quy định cụ thể thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc. 

Ngoài ra, dự thảo luật quy định "trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa 20% giá khởi điểm". ĐBQH nêu quan điểm, điều này chưa thống nhất với các Nghị định có liên quan của Chính phủ. ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị điều chỉnh mức tiền đặt trước tối thiểu bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để thống nhất với quy định của Luật Đất đai. 

Đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị mức đấu giá quyền sử dụng đất không được thấp hơn 20%. “Như vậy những người có nhu cầu thực sẽ tham gia, còn các đối tượng "cò" sẽ hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn” - ĐB phân tích.

Bên cạnh tăng tiền đặt cọc, ĐB kiến nghị giảm số ngày quy định thời hạn nộp tiền. Hiện nay Nghị định 126 của Chính phủ đang quy định thời hạn nộp tiền là 90 ngày, ĐB cho rằng, thời gian này quá dài và tạo điều kiện cho các đối tượng “cò” nộp tiền cọc rồi tìm người bán lại.

ĐB tin rằng, việc siết thời gian nộp cọc từ 90 ngày còn 30 ngày sẽ tạo điều kiện cho cá nhân có nhu cầu mua thực. Đồng thời hạn chế đội ngũ “cò mồi” tham gia đấu giá rồi bán lại để hưởng chênh lệch. 

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị phải tăng cường việc công khai thông tin đấu giá. Dự án luật đang quy định thông tin đấu giá tài sản phải đăng trên một tờ báo Trung ương hoặc địa phương. ĐBQH chỉ ra, như vậy chưa hoàn toàn chặt chẽ. Bởi, hiện có rất nhiều tờ báo, tạp chí đang hoạt động nhưng mức độ ảnh hưởng khác nhau. Nếu chỉ quy định chung chung thì rất dễ xảy ra tình trạng lách luật bằng cách lựa chọn những tờ báo ít người tiếp cận và có rất ít độc giả để đăng thông tin. Bà đề nghị bổ sung hình thức niêm yết tại nơi có tài sản (là thửa đất được đấu giá) để tất cả mọi người có thể tiếp cận.

Giải trình, làm rõ ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long cho hay, về vấn đề tiền cọc đấu giá tài sản, theo thông lệ quốc tế, có những trường hợp không quy định tiền đặt trước. Nhiều ĐBQH băn khoăn, mức cọc thấp có thể dẫn đến việc bỏ cọc, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, có thể bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI