Kiến nghị đảm bảo quyền lợi người mua nhà khi xử lý dự án bất động sản nợ xấu

15/06/2017 - 18:49

PNO - Chiều 15/6, đại diện Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (Horea) cho biết vừa có công văn 57/CV gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi người mua nhà khi xử lý dự án bất động sản (BĐS) nợ xấu.

Theo Horea, hiện nợ xấu nội bảng của các tổ chức tính dụng đã trên 160.000 tỷ đồng (chiếm 2,52% tổng dư nợ). Nợ xấu có liên quan mật thiết đến thị trường BĐS và các ngành có liên quan đến BĐS. Nợ xấu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều dự án BĐS “trùm mền”, dở dang.

Riêng tại TP.HCM hiện có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Trong khi nợ xấu của các dự án này đa phần được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là BĐS, dự án BĐS, nhà ở đã hoàn thành hoặc nhà ở hình thành trong tương lai. Tài sản đảm bảo của nợ xấu có nguồn gốc từ nhiều dạng, nhưng trong đó có căn hộ của người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng. Do đó, khi xử lý nợ xấu cần đảm bảo bao quát quyền lợi của tất cả các bên, trong đó có quyền lợi của người mua căn hộ khi ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tính dụng.

Kien nghi dam bao quyen loi nguoi mua nha khi xu ly du an bat dong san no xau
Tòa nhà Sài Gòn One Tower (34 Tôn Đức Thắng, Q.1) đang dính đầm địa nợ xấu, sau sáu năm xây dựng vẫn còn "trùm mền"

Góp ý về dự án thảo này, Horea kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bổ sung đối tượng áp dụng xử lý nợ xấu không chỉ có các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mà còn có người đi vay, người bảo lãnh vay, người mua nhà trong các dự án BĐS là tài sản đảm bảo. 

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu ngoài bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; quyền lợi của người gửi tiền... cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người đi vay, người bảo lãnh vay, người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng. 

Ngoài ra, theo Horea, khi xử lý tài sản đảm bảo là dự án BĐS bằng hình thức chuyển nhượng dự án, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật về kinh doanh BĐS. Cụ thể, bên nhận chuyển nhượng dự án phải kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án. 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Horea, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS để giải quyết nhiều dự án đang ngừng trệ trên địa bàn TP.HCM nhưng chưa được. Trong khi việc chuyển nhượng dự án, một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau, quan trọng phải bảo vệ đầy đủ quyền lợi của các bên. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng, chuyên gia BĐS, việc ban hành cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội xem xét thông qua lần này, nhiều khả năng sẽ mở đường cho việc sửa đổi nhiều quy định còn bất cập trong Luật Kinh doanh BĐS hiện nay. Đặc biệt, nếu Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế xử lý nợ xấu bằng hình thức chuyển nhượng dự án BĐS sẽ giúp khai thông nguồn vốn rất lớn cho thị trường, tái khởi động các dự án ngừng triển khai.

Được biết, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu cũng đưa ra nguyên tắc chung để xử lý nợ xấu là: không sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước cho xử lý nợ xấu; không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Phan Trí 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI