Theo Sở Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cơ bản chặt chẽ tạo khung pháp lý cần thiết cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư đúng quy định, góp phần đưa công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn từng bước đi vào ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tranh chấp, khiếu kiện trong công tác quản lý nhà chung. Nguyên nhân, nhiều chủ đầu tư còn chủ quan, né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) vì sợ tốn kém chi phí hoặc thiếu kinh phí. Chế tài xử lý chủ đầu tư không chấp hành các quy định PCCC chưa nghiêm, mức xử phạt vi phạm còn thấp chưa đủ sức răn đe.
|
Sở Xây dựng kiến nghị công khai chủ đầu tư, đơn vị quản lý vi phạm gây tranh chấp, bức xức cho cư dân |
Các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể một số nội dung, chưa quy định về biện pháp chế tài xử lý với nhiều hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị, chủ sở hữu… đặc biệt là quy định pháp luật còn chồng chéo.
Vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành và ý thức trách nhiệm người dân chưa thể hiện được yêu cầu đáp ứng mô hình phát triển, các lợi ích chưa được giải quyết hài hoà theo quy định.
Cơ quan chuyên ngành, chính quyền, quản lý Nhà nước một số nơi chưa thực hiện tốt, các hành vi vi phạm trong chung cư chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, như: lấn chiếm, cơi nới thêm diện tích phần sử dụng chung; sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng không đúng thiết kế; chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng; công tác PCCC chưa đảm bảo…
Do đó, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị UBND TP trình Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định thêm các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị, cư dân trong việc quản lý, vận hành, sử dung nhà chung cư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành có nhiều vi phạm trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư gây nhiều tranh chấp, bức xúc cho cư dân và đã đươc Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính thì Sở Xây dựng đề xuất UBND TP chấp thuận cho đăng tải các nội dung vi phạm của các doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng để người dân nắm thông tin (theo quyết định của TP về ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập).
Xử lý chậm “sổ hồng”… Sở Xây dựng khó tiếp cận thông tin
Liên quan khiếu nại của khách hàng về việc chậm sổ hồng, theo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường là cơ quan trực tiếp tiếp nhận và có thẩm quyền giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, tại Khoản 5, Điều 39 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận: “Thanh tra chuyên ngành xây dựng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điều 31 của Nghị định này”. Thanh tra xây dựng TPHCM kiểm tra quá trình đầu tư xây dựng của dự án và kết thúc việc theo dõi, kiểm tra khi công trình nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, trong quá trình quản lý, sử dụng, qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiên hành vi vi phạm thì xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà và công sở (theo quy định tại Nghị định 139).
Do đó, Thanh tra Sở Xây dựng rất khó khăn trong việc tiếp cận, thu thập hồ sơ và xử lý hành vi không lập thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan do Sở Xây dựng TPHCM không phải là cơ quan chuyên môn thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận.
|
Bích Trần