Kiến nghị Bộ GTVT chủ trì kết nối hàng loạt dự án "khủng" từ TPHCM đi các tỉnh phía Nam

07/01/2021 - 06:29

PNO - Để phát huy hết thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông kết nối vùng TPHCM.

Theo Sở GTVT TPHCM, dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn, nhưng trong thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; Thiếu sự liên kết vùng, chất lượng phát triển đô thị còn thấp.  

Cao tốc
Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét kiến nghị của TPHCM về ý kiến mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Thời gian vừa qua, UBND TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước đã có nhiều văn bản kiến nghị Trung ương sớm xem xét, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Cụ thể, dự án mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long  Thành - Dầu Giây, ngày 10/6/2020, UBND TPHCM có ý kiến về đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc theo yêu cầu của Bộ GTVT trong đó thống nhất sự cần thiết đầu tư và kiến nghị Bộ cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình giao thông khu vực, căn cứ nhu cầu giao thông, xem xét việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm; các yếu tố kỹ thuật, hành lang an toàn tuyến đường cao tốc… để lựa chọn phù hợp với lộ giới quy hoạch đã được phê duyệt và hiện nay TP đang tổ chức quản lý.  

Về kết nối các tuyến đường trên địa bàn TP đề nghị nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú (quận 2) đồng bộ với quy mô đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối cao tốc đường Long Phước (quận 9) để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội quận 9 và khu đô thị sáng tạo phía Đông và phát huy hiệu quả dự án mở rộng cao tốc. Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đề nghị nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đủ lộ giới theo quy hoạch được duyệt, tránh giải phỏng mặt bằng nhiều lần.

Dự án khép kín đường Vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến khoảng 98,54km (lý  trình đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) đi qua địa phận TPHCM (quận 9, các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh), tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch), tỉnh Bình Dương (TP. Dĩ An, Thuận An), tỉnh Long An (huyện Bến Lức).

Hiện nay dự án đang gặp khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án thành phần 1A (Tỉnh lộ 25B - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) được tách ra thành dự án riêng do UBND quận 9 thực hiện. Theo báo cáo rà soát của UBND quận 9, hiện nay tổng mức đầu tư khoảng 2.050 tỷ đồng vượt so với chủ trương đầu tư công đã thông qua (khoảng 148,91 tỷ đồng). Do ngân sách TP chỉ cân đối cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn TP khoảng 148,91 tỷ đồng theo như cam kết.

Sở GTVT kiến nghị
Sở GTVT kiến nghị xem xét cân đối vốn giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A và sớm lựa chọn nhà đầu tư cho dự án thành phần 1B

Đối với đoạn 3, điểm kết nối đầu tuyến quan trọng của cao tốc TPHCM - Mộc Bài dự kiến đầu tư xây dựng hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, cao tốc TPHCM - Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. Do đó, cần ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành đường Vành đai 3 - đoạn 3 trong giai đoạn 2021-2025 đồng bộ với cao tốc TPHCM -  Mộc Bài nhằm phát huy hiệu quả đầu tư khi triển khai và hoàn thành.

Đối với đoạn 4, kết nối từ quốc lộ 22 đến với cao tốc Bến Lức - Long Thành, việc sớm đầu tư hoàn thành đoạn 4 góp phần kết nối giao thông tốt hơn cho hệ thống Cảng Hiệp Phước với các cụm khu công nghiệp dọc tuyến và khu vực xung quanh. 

Tuyến Vành đai 4 với chiều dài khoảng 198,0km, đi qua tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Long An dự kiến mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “Đối với  đường Vành đai 4 giao các địa phương liên quan lập dự án ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021-2025 các đoạn tuyến được giao trong quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này”.

Từ những khó khăn, vướng mắc
Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT sắp xếp tổ chức cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết nối giao thông vùng TPHCM  

Do đó, Sở kiến nghị Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về Vành đai 4, trong đó nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng.  

Còn trục động lực kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020. Dự án có chiều dài khoảng 54,5km, đi qua địa bàn TPHCM, tỉnh Long An và Tiền Giang, dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 16.197 tỷ đồng.  

Do chi phí đầu tư xây dựng 3 cầu quá lớn, ngân sách tỉnh không đủ nguồn lực. Để tuyến đường được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn cho tỉnh Long An đầu tư xây dựng 3 cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây với tổng mức đầu tư khoảng 4.546 tỷ đồng. Trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để UBND tỉnh Long An được chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư theo hình thức huy động các nguồn lực để đầu tư khai thác như:  Khai thác quỹ đất, hợp đồng hợp tác công tư (PPP) đối với dự án đoạn từ ngã tư Tân Kim đến Trung Lương.

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI