Kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét tính chất đô thị đặc biệt cho TPHCM

18/08/2023 - 17:23

PNO - Tại Hội nghị tổng kết ngành giáo dục năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 18/8, TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại các quy chuẩn trong Thông tư 13 theo tính chất đặc thù vùng miền, tính chất đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, năm học 2022-2023, TPHCM gặp một số khó khăn, vướng mắc: Chưa có định biên chế độ chính sách phù hợp thu hút giáo viên các môn ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, nhân viên trường học (văn thư, thủ quỹ, kế toán) để thành phố triển khai tốt Chương trình GDPT 2018.

Một số quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn, gây bất cập, khó khăn khi triển khai, như: vướng mắc thực hiện chủ trương đầu tư dự án trường học theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT khi có nhiều chỉ tiêu mâu thuẫn với tiêu chuẩn quốc gia; TPHCM gặp khó khăn với quy định diện tích đất bình quân tối thiểu do có mật độ dân số cao.

“Thực tế hiện nay, nếu thực hiện theo tiêu chuẩn của Thông tư 13 thì nhiều trường học cũ tại TPHCM có số lượng phòng học giảm sút nghiêm trọng. Như vậy, học sinh không có chỗ học, buộc TPHCM vẫn sử dụng cơ sở hiện hành đảm bảo chỗ học cho học sinh. TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại quy chuẩn này, phân loại theo từng vùng, theo tính chất đặc thù từng vùng miền cũng như tính chất các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM. Có thể tính diện tích trên đầu học sinh không phải là diện tích đất mà là diện tích sàn xây dựng để TPHCM tạo điều kiện chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất trường học…”- ông phân tích. 

Lãnh đạo TPHCM cho biết, trong năm học, TP đã xây dựng dự thảo chiến lược phát triển ngành giáo dục TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể hoá chủ trương, định hướng phát triển giáo dục. Các chương trình đề án mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố được thực hiện quyết liệt. Chương trình GDPT 2018 được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, trình tự, từ việc chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giảng dạy… TP tiếp tục giữ vững thế mạnh trong các lĩnh vực ngoại ngữ, toán học, tin học, thể dục thể thao. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số, cải cách giáo dục.

Năm học 2022-2023, TPHCM đã triển khai tuyển sinh, phân tuyến tuyển sinh đầu cấp 100% bằng hình thức trực tuyến, sử dụng mã định danh cá nhân học sinh và các thuật toán phân tích hoàn thiện dữ liệu ngành giáo dục; triển khai nền tảng quản trị dữ liệu toàn ngành.. 

Đặc biệt, TPHCM đã hoàn tất hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, đã gửi Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xem xét, đề cử TPHCM trở thành thành viên của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong năm 2023. Ngành giáo dục cơ bản xây dựng xong dự thảo bộ tiêu chí trường học hạnh phúc dự kiến sẽ triển khai trong năm học mới, với mong muốn xây dựng môi trường giáo dục yêu thương, an toàn, chia sẻ, thấu hiểu.

“Giúp giáo dục vượt qua khó khăn, giữ vững thành tích, chất lượng đào tạo, đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo TPHCM. Năm học 2023-2024, TPHCM tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể phát triển nhiệm vụ ngành giáo dục, góp phần thực hiện trọng tâm xây dựng TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục…” - Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI