Kiến nghị 4 giải pháp khơi thông nguồn vốn bất động sản

17/02/2024 - 20:28

PNO - Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) vừa đưa ra 4 giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển.

Theo VARS, thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển cả về phạm vi, quy mô và ngày cùng chứng tỏ được vai trò quan trọng với nền kinh tế. Tuy nhiên, sau quãng thời gian tăng trưởng nóng, cùng với nhiều bất cập nội tại chưa được giải quyết một cách triệt để, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn. Dù có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ, các Bộ, ngành đưa ra, nhưng cho tới thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn phải đối mặt với thực trạng “khát tiền”.

Trong 2 năm qua, doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn nghiêm trọng, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, ách tắc về pháp lý đẩy lượng hàng tồn kho gia tăng, nhiều công trình, dự án không hoàn thành đúng tiến độ, rơi vào cảnh dang dở, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Dù nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các Bộ, ngành đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, thanh khoản trên thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực theo thời gian, tuy nhiên áp lực dòng tiền vẫn chưa vơi với doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Theo VARs, Dù có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ, các Bộ, ngành đưa ra, nhưng cho tới thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn phải đối mặt với thực trạng “khát tiền
Theo VARs, dù có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ, các Bộ, ngành đưa ra, nhưng cho tới thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn phải đối mặt với thực trạng “khát tiền".

Thống kê cho thấy, những năm gần đây, bên cạnh nguồn vốn tự có, nguồn vốn bổ sung từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ứng trước từ khách hàng thì nguồn vốn trung, dài hạn để phát triển thị trường bất động sản chủ yếu là vốn tín dụng ngân hàng và vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng biến động mạnh bởi chính sách tín dụng, kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

Do đó, VARs kiến nghị 4 giải pháp khơi thông nguồn vốn. Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt tập trung tháo gỡ nút thắt pháp lý. Sớm ban hành các văn bản quy định chỉ tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2025 để tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án ách tắc tái khởi động, tạo cơ sở để cơ quan quản lý địa phương phê duyệt dự án mới.

Đặc biệt là phân khúc đang có nhu cầu rất lớn là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, từ đó thúc đẩy thanh khoản, giúp các doanh nghiệp có nguồn thu để trả nợ, cân đối tài chính và để dòng tiền luân chuyển dựa trên đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.

Thứ hai, nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc nhà ở bình dân, với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển và tăng sức mua cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình.

Thứ ba, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế để cải thiện minh bạch thông tin và đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm trên cơ sở kiểm soát năng lực của các tổ chức xếp hạng để đảm bảo xếp hạng tín nhiệm phù hợp và phản ánh đúng nhất rủi ro của doanh nghiệp trong một điều kiện kinh tế nhất định. 

Thứ tư, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), cần có các cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI