Kiên Giang: Giáo viên, công chức đi khám bệnh phải lăn tay vì… không biết chữ

16/10/2017 - 16:49

PNO - Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang phát hiện một số trường hợp giáo viên, công chức khám bệnh nhưng không ký tên mà lại lăn tay do không biết chữ.

Theo ông Thái Văn Tính, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang, trong thời gian dài, một số bệnh nhân, chủ yếu là ở thành phố Rạch Giá khám bệnh nhưng không ký được tên mà phải lăn tay, gạch thập do không biết chữ.

Kien Giang: Giao vien, cong chuc di kham benh phai lan tay vi… khong biet chu
Khám bảo hiểm y tế đang được nhiều người bệnh lựa chọn.

Ông Tính khẳng định đây là những chiêu rút ruột quỹ bảo hiểm y tế chứ không thể là bệnh án thật. Việc phát hiện những trường hợp này rất đơn giản khi giám định viên rà soát lại mã thẻ bảo hiểm y tế và vô cùng bất ngờ vì những bệnh nhân phải lăn tay lại là những giáo viên hoặc công chức nhà nước. Tổng số tiền bị lạm dụng khoảng 100 triệu đồng.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Thái Văn Tính cho biết: Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang sẵn sàng thanh toán cho những trường hợp già yếu, không biết chữ thật sự nên phải lăn tay, gạch thập. Còn lại khoảng 40 triệu đồng bị lạm dụng quỹ thì không được thanh toán.

Ông Tính cho rằng: “Chúng tôi thấy rất lạ vì không hiểu sao lại có nhiều trường hợp bệnh nhân không biết chữ, phải lăn tay, gạch thập nhiều quá. Vì vậy, chúng tôi kiểm ra mã thẻ thì phát hiện một số trường hợp là mã thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc của giáo viên, công chức. Làm gì giáo viên, cán bộ công chức mà lại không biết chữ, phải lăn tay? Đây là lạm dụng quỹ bảo hiểm”.

Kien Giang: Giao vien, cong chuc di kham benh phai lan tay vi… khong biet chu
Người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (Ảnh minh họa)

Theo ông Thái Văn Tính, những trường hợp lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế này có thể là do chính nhân viên y tế của phòng khám hoặc bệnh viện thực hiện: “Có thể do nhân viên y tế lấy mã thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân rồi làm hồ sơ khám bệnh giả, tự lăn tay hoặc gạch thập. Chính vì vậy, chúng tôi từ chối cấp mã thẻ cho một số cơ sở y tế ở tỉnh Kiên Giang vì sợ họ làm hồ sơ khám bệnh giả”.

Câu chuyện bi hài này được công bố vào sáng 16/10/2017 tại hội nghị đối thoại giữa bảo hiểm xã hội và ngành y tế về vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì hội nghị này.

Kien Giang: Giao vien, cong chuc di kham benh phai lan tay vi… khong biet chu
 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp chính các nhân viên y tế đã trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Đối tượng là một bác sĩ của trung tâm y tế tại tỉnh Vĩnh Long lập khống 272 lượt khám chữa bệnh với số tiền đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán là hơn 49 triệu đồng.

Một nhân viên y tế tại tỉnh Trà Vinh lập khống hồ sơ thanh toán để lấy thuốc bảo hiểm y tế với số tiền hơn 27 triệu đồng.

Một nhân viên y tế của Bệnh viện Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) lập khống hồ sơ để trục lợi trên 26 triệu đồng. Nhân viên y tế của Trạm y tế xã Pùng Tra và xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La lập hồ sơ khống để lấy thuốc bảo hiểm y tế.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI