Kiểm tra xem bạn nói với con bao nhiêu câu tích cực mỗi ngày?

10/05/2017 - 06:30

PNO - Tỷ lệ trung bình mà trẻ 2 tuổi nghe được trong ngày là 14 tiêu cực và 1 tích cực, chẳng hạn như "rơi cái ly bây giờ, đừng đánh chị, đừng mút tay, đừng chạm vào đồ vật ấy...

Bất cứ một công việc "tự học nào” cũng đòi hỏi bạn phải chú ý mọi lúc và mọi nơi. Vai trò làm cha mẹ cũng đòi hỏi bạn một sự chú tâm như thế mặc dù bạn đã có thể trải qua nhiều lần nuôi con. Một trong những đòi hỏi ấy là sự chú ý của bạn vào LỜI NÓI đối với các con.  

Kiem tra xem ban noi voi con bao nhieu cau tich cuc moi ngay?
Ảnh minh họa.

“Bám chặt vào” hay “Coi chừng ngã”

Xin chia sẻ một ví dụ về sức mạnh lời nói của một người nổi tiếng. Chuyện kể rằng: "Hồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ rất linh hoạt. Tôi thích chơi trò chạy nhảy và leo trèo. Một lần nọ, tôi trèo lên một cái cây ngay sau nhà mình cùng cô em họ, Tammy. Cả hai chúng tôi đều không nhận ra mình có thể ngã ở trên độ cao như thế.

Hôm đó, trong lúc mải miết chơi, gió mạnh đột khởi như muốn kéo cả cây lên khỏi mặt đất. Tôi đã nhanh chóng bám chặt vào cành cây khi nghe tiếng gọi của bố 'bám chặt vào'. Một hồi sau, tôi thấy Tammy đang ôm ngực kêu lên đau đớn ở phía dưới. Em đã ngã!

Vừa leo xuống đất, bố tôi đã giải thích vì sao Tammy rơi xuống. Mẹ của Tammy cũng đã hét lớn với cô con gái rằng: "cẩn thận kẻo ngã" và Tammy đã ngã. Bố tôi bảo tâm trí con người khó có thể xử trí một hình ảnh tiêu cực.

Bộ não non nớt của Tammy đã hình dung NGÃ trước, sau đó mới cố truyền mệnh lệnh cho cơ thể làm điều ngược lại với điều nó vừa tưởng tượng ra. Còn bộ não tám tuổi của tôi ngay lập tức tập trung vào việc nắm chặt cành cây".

Kiem tra xem ban noi voi con bao nhieu cau tich cuc moi ngay?
Ảnh minh họa.

Lời giải thích này đã trở thành nền tảng cho cậu bé hồi đó trong việc giành được giải thưởng Nobel khoa học sau này trước khi ông trở thành tổng thống của Ấn Độ.

Cậu bé ấy có tên là Abdul Kalam. Ông đã chia sẻ sự thành công của ông là do được cha huấn luyện cách hướng tâm trí vào điều ông thật sự mong muốn. 

Bao nhiêu câu nói tích cực mỗi ngày?

"Bám chặt vào” là bài học vừa đơn giản và vừa hiệu nghiệm trong việc giáo dục con, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách.

Theo thống kê về giáo dục từ nước Anh, vài năm trước cho rằng cha mẹ nói những câu tiêu cực trong việc giáo dục con nhiều hơn tích cực. Tỷ lệ trung bình mà trẻ 2 tuổi nghe được trong ngày là 14 tiêu cực và 1 tích cực, chẳng hạn như "rơi cái ly bây giờ, đừng đánh chị, đừng mút tay, đừng chạm vào đồ vật ấy... ".

Một nghiên cứu tiếp theo sau đó, cũng chỉ ra rằng để các em có thể phục hồi lòng quý trọng bản thân, sự tự tin và linh hoạt, thì phải cần tới 17 câu nói tích cực để phục hồi cho một câu nói tiêu cực.

Những câu nói khác của các bậc cha mẹ dành cho những đứa ở mọi độ tuổi rằng: "đừng thi trượt con nhé, lười biếng quá, đừng về trễ, chỉ có dán mắt vào màn hình ti vi thôi.. ".

Kiem tra xem ban noi voi con bao nhieu cau tich cuc moi ngay?
Ảnh minh họa

Rõ ràng, chúng ta đang hướng trẻ tập trung vào thất bại và những điều ta không muốn, thay vì tập trung vào những điều ta muốn trẻ làm hoặc trở thành.

Hậu quả chung mà hẳn bạn cũng nhận thấy rằng nhiều em có thể rất giỏi trong trường học, nhưng lại rất e dè và thiếu quyết đoán khi đối mặt với thực tế.

Tại một buổi hội thảo gần đây, tất cả 200 em sinh viên cơ khí tại TP. HCM đều giơ tay đồng ý rằng họ thường nghĩ theo hướng ngược lại với điều họ mong muốn.

Chẳng hạn như 'mình sẽ thi trượt mất, mình sẽ không xin được việc làm..". Tôi hỏi các em có thường nghe cha mẹ nói những câu như vậy với các em không, thì các em đều trả lời "rất thường xuyên".

Cha mẹ hay dặn dò con cái: "ráng học, đừng để trượt nghe con". Từ nào trong câu nói này sẽ đọng lại trong tâm trí các em? Nỗi lo "trượt" khiến các em hồi hộp và mất đi bình tĩnh trong phòng thi. Thay vào đó, chúng ta nên nói “học chăm chỉ”, “con sẽ tự tin trong môn học này và sẽ thi đậu”…

Ngôn từ không lời cũng có ảnh hưởng lớn đối với trẻ nhỏ. Nhớ lại hồi 4 tuổi, tôi từng hát ca rất tự nhiên ở nhà. Bố mẹ tôi thường để tôi tự do ca hát như thế cho đến khi tôi bước vào lớp một.

Hôm đó, trong giờ học hát, tôi đã cất giọng ca lớn hơn so với các bạn khác trong lớp. Cô giáo nhìn tôi và tỏ vẻ khó chịu với cử chỉ rằng tôi đang hát sai. Kể từ ngày hôm đó, tôi đã không còn tự nhiên hát trước đám đông nữa. Tôi đã hình thành niềm tin mình không hát được. Hơn nữa, niềm tin này còn giới hạn tôi ở nhiều trường hợp khác.

Có thể người giáo viên kia chỉ vô tình và không cố ý làm tôi xấu hổ. Nhưng nhìn lại, tôi nghĩ mình sẽ không làm như thế đối với một cô bé đang tự nhiên ca hát từ trong tim mình. Tôi sẽ nhẹ nhàng chỉ dẫn các em hát sao cho đúng nhịp.

Bạn có thể dành ra một ngày để chú ý kiểm tra xem những lời nói của bạn dành cho con thường nghiêng về hướng tiêu cực hay tích cực và hãy chú ý để điều chỉnh sao cho tốt nhất.

Trish Summerfield
Trung tâm Innerspce - Làm giàu thế giới nội tâm TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI