Kiểm tra tình trạng kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc

04/06/2022 - 19:37

PNO - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý tình trạng BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc.

Liên quan đến vấn đề bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê thực phẩm chức chăng vào đơn thuốc, nhà thuốc bán đắt hơn giá thị trường, hóa đơn thuốc lên đến tiền triệu vì thực phẩm chức năng, chiều ngày 4/6, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Về kê đơn, Bộ Y tế đã nắm được. Theo quy định, bác sĩ chỉ được kê đơn thuốc. Bộ Y tế sẽ kiểm tra, có biện pháp xử lý phù hợp và thông tin kết luận tới báo chí trong thời gian sớm nhất”. 

Nhiều đơn thuốc của Bệnh viện Nhiệt đới kê có thực phẩm chức năng.
Nhiều đơn thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê có thực phẩm chức năng

Trước đó, nhiều bệnh nhân của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phản ánh bị kê đơn thuốc kèm thực phẩm chức năng khiến các đơn thuốc lên tới hàng triệu đồng. Trong khi đó, Luật Khám chữa bệnh cấm y bác sĩ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Điều 4, Thông tư 05/2016/TT-BYT ngày 29/2/2016 của Bộ Y tế về việc ghi đơn thuốc cũng quy định rõ: Bác sĩ không được phép kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc.

Liên quan đến việc triển khai tiêm vắc xin mũi 3, 4 có bắt buộc không, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 29 về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Theo Khoản 2 Điều 30 Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 29 của Luật này. Tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng và quy định danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của Chương trình tiêm chủng mở rộng quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Luật này. Quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tùy theo tình hình dịch. Quy định việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tại Khoản 3 Điều 27 của Luật này, điều kiện của cơ sở y tế quy định tại Khoản 4 Điều 27 của Luật này.

Căn cứ vào những quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch COVID-19, và là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ thành đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Ngoài ra, độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch, với một số lý do sau:

Thứ nhất, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên triển khai tiêm vắc xin tự nguyện, hơn là bắt buộc.

Thứ hai, việc sử dụng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vắc xin với trẻ em 5-12 tuổi.

Thứ ba, các vắc xin phòng COVID-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả sử dụng.

"Căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vắc xin cho trẻ 5-12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan để xem xét vấn đề này.

Về việc có sửa quy định 5K hay không, từ khi bùng phát dịch COVID-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang - khử khuẩn.

Hiện nay, việc tiêm vắc xin COVID-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh. Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vắc xin - khẩu trang - khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 trình Chính phủ. Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. 

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI