Không lo khi học trực tuyến, kiểm tra trực tiếp
Cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1 - cho hay, ngay khi học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại trường, trường đã sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, tranh thủ thời gian học sinh đến trường để củng cố lại các kiến thức trọng tâm học sinh còn chưa vững khi học trực tuyến.
Song song đó, trường cũng kết hợp dạy trực tuyến, gửi đề cương ôn tập để học sinh làm quen và hệ thống lại kiến thức tại nhà, giúp học sinh an tâm bước vào kỳ kiểm tra thực chất nhất.
|
Kiến thức phù hợp nên học sinh không lo khi học trực tuyến, kiểm tra trực tiếp |
Theo cô Bùi Minh Tâm, hiện nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng rằng học trực tuyến kéo dài nhưng kiểm tra trực tiếp sẽ gây áp lực kiến thức cho học sinh. Đây là suy nghĩ không đúng vì trên thực tế, kiểm tra bằng hình thức trực tiếp là theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, song kiểm tra trực tiếp chỉ là hình thức để đảm bảo đánh giá học sinh một cách khách quan, công bằng nhất, còn kiến thức kiểm tra lại nằm trong kiến thức học trực tuyến, không có sự đánh đố.
Tương tự, Hiệu trưởng một trường THCS tại Q. Gò Vấp cho hay, nhà trường đã tận dụng thời gian vàng học sinh học trực tiếp để củng cố, ôn tập lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến của học sinh. Qua đó, giáo viên bộ môn sẽ đánh giá, phân loại mức độ nhận biết của từng nhóm đối tượng học sinh để xây dựng ma trận đề kiểm tra phù hợp.
“Ma trận đề kiểm tra bám sát năng lực tiếp thu của từng nhóm đối tượng học sinh. Kiến thức trong đề sẽ chỉ nằm trong chương trình mà các em đã được học, đã được giáo viên củng cố, không vượt quá các yêu cầu cần đạt theo hình thức học trực tuyến của học sinh, đề sẽ không gây đánh đố, không tạo áp lực. Do vậy, phụ huynh và học sinh không cần quá lo lắng”, vị này chia sẻ.
Không kiểm tra nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt
Sở GD-ĐT TPHCM quy định, kiến thức trong đề kiểm tra phải căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình học kỳ I và hướng dẫn điều chỉnh nội dung của Bộ GD-ĐT. Trong đó, không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình; không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự làm, tự thực hiện...
Nội dung đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỷ lệ các mức độ câu hỏi…) do hiệu trưởng quyết định sau khi bàn bạc, thống nhất với tổ chuyên môn, đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM - nhấn mạnh, việc kiểm tra học kỳ I trong bối cảnh năm học đặc biệt học sinh học trực tuyến kéo dài phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc “học đến đâu, kiểm tra đến đó; học gì kiểm tra đó”, tránh tạo thêm áp lực, nhồi nhét kiến thức, gây quá tải cho học sinh. Kiến thức trong đề kiểm tra nằm trong nội dung học sinh đã được học, cộng với thời gian đi học trực tiếp để nắm bắt trình độ tiếp thu của học sinh.
|
Đề kiểm tra học kỳ I sẽ theo nguyên tắc "học đến đâu, kiểm tra đến đó, học gì kiểm tra đó" |
“Nhà trường phải phối hợp hai điều này lại để xây dựng ma trận đề có mức độ phù hợp với mức tiếp thu của học sinh. Đề kiểm tra phải vừa sức và có độ “nhô” cần thiết để học sinh đạt được mức phấn đấu, kích thích được sự tích cực học tập của các em. Đề cũng không quá khó để học sinh chán nản nhưng cũng không quá dễ vì sẽ khiến việc đánh giá không còn tác dụng. Điều này chính mỗi thầy cô sẽ hiểu nhất để đánh giá đúng đắn, chính xác nhất năng lực học tập của học sinh mình”, ông Lê Duy Tân phân tích.
Riêng vấn đề thiết kế đề kiểm tra mở, ông Tân lưu ý, mở không có nghĩa là đưa dữ liệu thực tế vào đề. Phần mở trong đề kiểm tra sẽ có nhiều cách và tùy theo từng môn học để thiết kế. Trong môn KHTN, có thể yêu cầu học sinh viết bài mô tả học sinh đã học như nào, đã có những bước tiếp thu ra sao để làm được bài tập này. Điều này mỗi học sinh sẽ viết khác nhau. Câu hỏi mở phải mang tính dẫn dắt và chỉ có thực học thì học sinh mới làm được.
“Mở để đánh giá được quá trình học của người học chứ không có nghĩa là mở là cho các đề rộng, mênh mông, học trò sẽ không biết đường làm. Mở một vấn đề mới thì yêu cầu phải mang tính dẫn dắt”, ông Lê Duy Tân nhấn mạnh.
Với các môn KHXH, ông Tân cho rằng phần ngữ liệu đưa vào đề kiểm tra mở cần phải cân nhắc, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Đối với các ngữ liệu đang gây tranh cãi giáo viên phải có sự dẫn dắt vấn đề phù hợp, hướng tới giúp học sinh nhận thức đúng vấn đề, tránh để các em tự phát.
“Câu hỏi dẫn dắt phải mang tính định hướng, không chiều theo sở thích của học sinh, khi đó đề mở sẽ mang ý nghĩa cao”, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM Lê Duy Tân gợi ý.
Học sinh khối 6 chưa kiểm tra học kỳ I từ ngày 10/1 Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn, với học sinh lớp 6, do vẫn học trực tuyến nên trong thời gian từ ngày 10/1 sẽ chưa kiểm tra học kỳ I. Học sinh khối 6 và học sinh vì lý do bất khả kháng không thể đến trường tham dự kiểm tra học kỳ trực tiếp sẽ được kiểm tra sau khi quay lại trường học tập trực tiếp hoặc sẽ kiểm tra theo hướng đề kiểm tra mở, dạng bài thực hành, dự án. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, học sinh khối 6 chưa thể đến trường học tập trực tiếp, Sở GD-ĐT sẽ xin ý kiến Bộ GD-ĐT để có hướng dẫn thực hiện kiểm tra học kỳ I cho học sinh. |
Én Bông