Kiểm tra cuối học kỳ 1: Còn tùy tiện khi ra đề ngữ văn chương trình mới

20/12/2022 - 17:12

PNO - Đây là nhận định của thạc sĩ Trần Lê Duy - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, tác giả sách ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo. Theo thạc sĩ Trần Lê Duy, việc ra đề tùy tiện gây khó và hoang mang cho học sinh.

"Học sinh khối 10 năm nay là lứa đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc THPT. Do đó, giáo viên phải cẩn trọng, cân nhắc trong cả việc dạy lẫn kiểm tra đánh giá, tránh gây hoang mang cho học sinh, đặc biệt là trong kỳ kiểm tra học kỳ 1" - ông Trần Lê Duy nói.

Theo thạc sĩ Trần Lê Duy cho rằnggiáo viên phải cẩn trọng, cân nhắc trong cả việc dạy lẫn kiểm tra đánh giá, tránh gây hoang mang, choáng váng cho học sinh
Theo thạc sĩ Trần Lê Duy, giáo viên phải cẩn trọng, cân nhắc trong cả việc dạy lẫn kiểm tra đánh giá, tránh gây hoang mang cho học sinh

Giảng viên này nhấn mạnh, khi ra đề kiểm tra trong chương trình GDPT 2018, yêu cầu cần đạt của chương trình là pháp lệnh, là mức độ tối thiểu người học cần đạt được để có thể lên lớp. Đề kiểm tra cần hướng đến các yêu cầu cần đạt này, đảm bảo đúng mức độ tư duy mà chương trình quy định. Tránh tự ý tăng độ khó, mức độ tư duy, gây khó cho học sinh.

"Việc kiểm tra đánh giá không chỉ để ra điểm, mà quan trọng là để có những phản hồi kịp thời về năng lực học sinh, là cơ sở điều chỉnh việc dạy và học. Trước khi làm đề, tổ bộ môn phải xem lại chương trình, thống nhất kiểm tra kỹ năng gì, yêu cầu nào cần đạt, từ đó quyết định hình thức ra đề, cấu trúc điểm" - thạc sĩ Trần Lê Duy chỉ rõ.

Học sinh cần có kỹ năng đọc hiểu, nắm chắc lý thuyết để có thể thích nghi với cách thức kiểm tra, đánh giá mới
Học sinh cần có kỹ năng đọc hiểu, nắm chắc lý thuyết để có thể thích nghi với cách thức kiểm tra, đánh giá mới

 

Cô Trần Thị Thu Hiền - tổ phó tổ Ngữ văn, Trường THPT Tenlơnman (quận 1) chia sẻ, chương trình GDPT 2018 bậc THPT đòi hỏi học sinh phải chủ động học. Việc kiểm tra đánh giá không còn ra theo hướng phân tích tác phẩm nằm trong chương trình học, do đó yêu cầu học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu, nắm chắc lý thuyết để có thể thích nghi với cách thức kiểm tra, đánh giá mới.

"Để học sinh khối 10 làm quen với cách kiểm tra đánh giá mới, trong quá trình giảng dạy học sinh cần phải được trang bị các kỹ năng này, chuyển từ thói quen học thuộc, phân tích tác giả tác phẩm cố định sang nắm chắc kỹ năng cần có. Việc kiểm tra đánh giá cũng chỉ xoay quanh các kỹ năng mà học sinh đã học để đánh giá năng lực các em, có hướng điều chỉnh phù hợp" - cô Thu Hiền nói.

Mất phân nửa thời gian để... đọc đề

Em Nguyễn Tấn Hùng - học sinh lớp 10 Trường THPT N.T.H - cho biết, em cảm thấy choáng váng khi đọc đề kiểm tra cuối kỳ 1 môn ngữ văn. Đề dài 3 trang giấy A4, riêng văn bản đọc hiểu đã chiếm cả trang A4, với thời gian làm bài là 90 phút, để đọc và hiểu được đề phải mất đến nửa thời gian.

"Đoạn văn đọc hiểu rườm rà, trừu tượng, em không hiểu đang nói về điều gì. Chưa kể, câu hỏi trắc nghiệm trong phần này rất lắt léo, tối nghĩa, dù em đã học rất kỹ lý thuyết trong sách giáo khoa nhưng cũng gặp khó khăn khi làm bài".

Trần Trang - học sinh lớp 10 Trường THPT P.L - cho biết em gần như chỉ khoanh bừa các câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra ngu·văn, bởi không hiểu đoạn văn đọc hiểu muốn nói gì. Theo nữ sinh này, đề kiểm tra văn lớp 10 hoàn toàn là các tác phẩm, văn bản không nằm trong sách giáo khoa, rất khác với cách kiểm tra đánh giá ở bậc THCS. 

Lỗi giáo viên là không đảm bảo nguyên tắc vừa sức

Theo thạc sĩ Trần Lê Duy, điểm mới trong quy định kiểm tra đánh giá chương trình mới là ngữ liệu đọc hiểu là văn bản mới, nằm ngoài tất cả các bộ SGK hiện hành. Dù vậy, không có nghĩa là giáo viên tùy tiện muốn hỏi gì thì hỏi mà cách hỏi phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc chọn ngữ liệu cần đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức, tính giáo dục và tính thẩm mỹ. Văn bản mới, nhưng kỹ năng học sinh cần có để giải quyết là kỹ năng đã được học.

Ông nêu ví dụ, có tình trạng ra văn bản thông tin nhưng hỏi không liên quan đến văn bản thông tin. Thậm chí, một số trường ra lại các kiến thức ở năm lớp 8, lớp 9 (không liên quan đến yêu cầu cần đạt của lớp 10). Có trường yêu cầu học sinh phân tích bài thơ mới mang màu sắc tượng trưng, siêu thực mà không có hướng dẫn, định hướng nào. "Các nhà nghiên cứu, phê bình cũng phải mất nhiều ngày mới cắt nghĩa được những bài thơ này, nay thầy cô bắt học sinh lớp 10 làm trong 1, 2 ngày, đòi phải viết đúng ý tác giả, thì học trò làm như thế nào?" - thạc sĩ Trần Lê Duy băn khoăn.

"Cách ra đề này vi phạm việc thực thi chương trình, làm khó học sinh, khiến học sinh hoang mang vì “học một đằng, thi một nẻo”. Đây không phải là lỗi của chương trình mà là lỗi của thầy cô khi không đảm bảo nguyên tắc vừa sức khi dạy học" - thạc sĩ Trần Lê Duy nhấn mạnh. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI