Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ xuất ngoại lá trầu không

29/07/2017 - 11:00

PNO - Nhờ đưa lá trầu không xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, nhiều người dân xóm 5 (xã Nghi Ân, thành phố Vinh, Nghệ An) có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ cây trồng này.

Gần 10 năm gắn bó và trải qua bao thăng trầm với cây trầu không, chưa bao giờ ông Nguyễn Hồng Thái lại nghĩ loại cây trồng này có thể vươn ra thị trường ngoài nước như bây giờ.

Theo ông Thái, nếu như trước đây lá trầu không của người dân Nghi Ân chủ yếu mang ra chợ hoặc đổ mối cho các thương lái thì từ gần nửa năm nay, những chiếc lá có vị thơm, cay nồng này đã trở thành hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Với giá bán 70.000 đồng/kg lá cho thương lái, vườn trầu không rộng hơn 1000 m2 của ông Thái cho thu nhập ổn định từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lá trầu không xuất khẩu cũng được đòi hỏi rất khắt khe từ lá phải to, dày, đẹp và mặt nhẵn bóng không tỳ vết.

Kiem tien trieu moi ngay nho xuat ngoai la trau khong
Ông Thái cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng từng luống cây trầu không.

Nhanh tay kiểm tra một vòng xung quanh vườn cây trầu không, ông Thái cho biết, loại cây trồng này tuy có giá trị kinh tế nhưng cũng rất “khó tính”. Không những dễ lây nhiễm các dịch bệnh, chết do thời tiết mà còn cả có thể truyền nhiễm từ con người. Mùa lạnh, sương muối thất thường là thời điểm cây trầu không dễ bị rụng lá và dễ chết nhất.

“Thậm chí những người tiếp xúc với những loại cây khác mang mầm bệnh, hay mang hơi lạnh trong người cũng có thể truyền bệnh cho cây trầu không”, ông Thái nói và cho biết hơn 1000 m2 diện tích trầu không của gia đình đều được trồng theo hình thức trang trại, được bao quanh bằng nhà lưới và hạn chế người ngoài tiếp xúc để tránh dịch bệnh.

Kiem tien trieu moi ngay nho xuat ngoai la trau khong
Nhờ xuất ngoại lá trầu không qua thị trường Đài Loan, người dân trồng loại cây này bắt đầu có thu nhập cao hơn hẳn so với bán buôn, lẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa (trú xóm 5, xã Nghi Ân), do có vị thơm, cay nồng nên lá trầu không Nghi Ân được người dân ưa chuộng từ lâu. Không chỉ mang giá trị cao từ thị trường xất khẩu, mà lá trầu không bán lẻ ở trong nước cũng rất ổn định. “Nhiều thời điểm 1000 đồng mỗi lá nhưng khan hàng không có mà bán”, bà Hoa nói và cho biết với việc đầu ra ổn định, số lượng không giới hạn nên nhiều người bắt đầu đầu tư, mở rộng diện tích để phát triển loại cây này.

Theo kinh nghiệm người dân nơi đây, cây trầu không khá khó tính, tốn công làm đất, chăm sóc, hay bị sâu bệnh và khả năng chống chịu với thời tiết kém; phân bón cây trầu không phải là phân chuồng hoai mục, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học. Vườn trầu phải được rào kín, chắn nắng nóng mùa hè, che kín sương muối vào dịp trời đông giá lạnh. Việc chăm bón cũng phải biết cách để lá trầu phát triển đồng đều, không to quá hay nhỏ quá.

Kiem tien trieu moi ngay nho xuat ngoai la trau khong
Giá trị tăng cao, nhiều diện tích trồng loại cây này cũng bắt đầu được nhân rộng.

Theo chính quyền quyền xã Nghi Ân, hiện trên địa bàn xã này có trên 100 hộ dân trồng cây trầu không với số lượng từ vài chục đến vài ngàn gốc. Loại cây này cho thu hoạch thường xuyên nên giúp nhiều hộ dân có được một nguồn thu khá ổn định.

Giá trị kinh tế của cây trầu không trên địa bàn xã đã được khẳng định, nhiều hộ gia đình phát triển mô hình kinh tế bằng loại cây này với mức thu nhập từ 200 – 400 triệu mỗi năm. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích cây trầu không vẫn đang được chính quyền địa phương cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa cung và cầu, tránh trường hợp mở rộng diện tích ồ ạt nhưng không có đầu ra ổn định.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI