Kiếm tiền để cho đi

09/07/2015 - 10:55

PNO - PN - Phong trào “kiếm tiền để cho đi” (earning to give) hiện đang lan truyền rất nhanh trong thế hệ trẻ. Phong trào này khuyến khích những người trẻ chọn các ngành nghề có thể sinh lợi nhiều nhất trong khả năng của họ và dành tặng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Alex Foster (26 tuổi) có thu nhập 45.000 bảng một năm và đã dành ra 25.000 bảng đóng góp cho các hội từ thiện. Hiện anh là tổng giám đốc của công ty do chính anh thành lập ở London, với doanh thu một triệu đô la hàng năm.

Kiem tien de cho di

Alex Foster dành ra hơn nửa số lương để đóng góp hoạt động từ thiện - ẢNH: TELEGRAPH

Từ bé, Alex từng mơ ước trở thành kỹ sư, xây dựng những chiếc cầu và làm đường ở châu Phi, giúp cải thiện cuộc sống người dân ở đây. Khi còn đi học, Alex làm cho các ngân hàng lớn. Số tiền đầu tiên kiếm được khoảng 10.000 bảng, anh cho đi hơn nửa. Sau khi tốt nghiệp và “đầu quân” cho một ngân hàng có tiếng với thu nhập cao, Alex vẫn chi tiêu rất cần kiệm, chỉ khoảng 100 bảng một tuần, ngủ trong tầng hầm thuê lại của bạn bè với giá rẻ. Với Alex, nhu cầu cho bản thân rất ít, anh không nhất thiết phải có phiên bản máy tính bảng mới nhất khi chúng vừa xuất hiện trên thị trường, hay những kỳ nghỉ dài ở nơi xa hoa tráng lệ. Được làm việc tích cực, kiếm thật nhiều tiền và cho đi thật nhiều là mục đích Alex Foster hướng đến.

Tương tự, Adam Gleave (21 tuổi), sinh viên Đại học Cambridge đã làm thêm trong kỳ nghỉ hè và tặng cho hội từ thiện 12.000 bảng, một nửa số lương anh nhận được. Adam cho biết: “Khi kiếm được nhiều tiền, bạn chi tiêu không cần suy nghĩ, điều đó rất nguy hiểm. Hiện tôi dành khoảng 20% để cho đi. Sau khi tốt nghiệp, tôi có kế hoạch dành hơn nửa số lương của mình vào việc này”.

Những người trẻ như Alex và Adam đang tích cực hưởng ứng phong trào “kiếm tiền để cho đi” hiện đang lan truyền rất nhanh trong thế hệ trẻ. Dù người ta đánh giá thế hệ trẻ ngày nay kém may mắn hơn thế hệ cha ông họ với thu nhập kém hơn, kiếm việc làm khó hơn và phải để dành rất lâu mới mua được nhà riêng, nhưng số người hưởng ứng phong trào “cho đi” này lại rất đông. Nghiên cứu chỉ ra con số 53% đồng tình họ sẽ làm việc nhiều hơn để thay đổi cuộc sống cho những người kém may mắn.

Hiện nay đã có 200 người tham gia tổ chức 80.000 Giờ - một tổ chức phi lợi nhuận thành lập ở Oxford. Một trong những thành viên là Christopher Smith (24 tuổi), chuyên viên tư vấn thương mại. Anh dành riêng 16% thu nhập để cho đi. Christopher chia sẻ: “Tôi không thể làm lính cứu hỏa vì tôi không cao lớn và khỏe mạnh. Vì thế, tôi chọn làm thương mại và đóng góp từ thiện, như vậy cũng cứu được nhiều mạng sống như lính cứu hỏa”. “Mỗi lần lên lương, tôi lại điều chỉnh số phần trăm... cho đi. Hiện tôi đã tăng khoảng 9.000 bảng mỗi năm, nhưng vẫn ở nhà thuê và chưa có ý định mua nhà riêng” - Christopher chia sẻ thêm.

Ở Mỹ, số người hiến tặng một nửa thu nhập của mình cũng khá nhiều. Matt Wage là sinh viên xuất sắc của trường đại học danh tiếng Princeton. Luận văn của anh đoạt giải thưởng và được Đại học Oxford mời nghiên cứu sau đại học. Thay vào đó, khi vừa tốt nghiệp, anh vào làm cho một công ty đầu tư ở Wall Street. Matt lý giải cho việc làm tréo ngoe này là lương cao sẽ tạo cơ hội để anh cống hiến cho cộng đồng nhiều hơn. Trong năm 2013, anh đã tặng 100.000 đô la Mỹ, hơn nửa số lương trước thuế của anh. Matt yên tâm khi biết rằng số tiền anh gửi đến các tổ chức từ thiện có thể cứu nhiều mạng người hơn so với việc anh trở thành một nhà tâm lý xã hội học hay nhân viên cứu trợ quốc tế.

Khi sự bất bình đẳng gia tăng trong nhiều năm qua, các chuyên gia xã hội cho rằng hiện đã có sự lan tỏa rộng lớn trong suy nghĩ của nhiều người: đồng tiền không nhất thiết là nền tảng cho hạnh phúc.

 PHAN QUỲNH DAO (Theo Telegraph, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI