Kiểm soát “thân nhiệt” trong nhà, ngoài phố

06/11/2024 - 10:00

PNO - Nếu vợ chồng có ý thức điều hòa “thân nhiệt” của mình cũng như giữ ôn hòa trong tương tác, cư xử với nhau, có lẽ các chuyên gia tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình sẽ thất nghiệp.

Thân nhiệt của con người là chỉ số khá bền vững. Dù ta bao nhiêu tuổi, thuộc giới tính nào, đang ở môi trường nào… thì thân nhiệt trung bình luôn ở khoảng 36,8 độ C. Nếu nhiệt kế nhảy lên con số cao (sốt), người ta sẽ lo sợ và nghĩ ngay đến “bị bệnh”.

Trong đời sống hôn nhân, nếu vợ chồng có ý thức điều hòa “thân nhiệt” của mình cũng như giữ ôn hòa trong tương tác, cư xử với nhau, có lẽ các chuyên gia tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình sẽ thất nghiệp.

Bi kịch ở chỗ, không ít người sẵn sàng tương tác lịch sự, niềm nở, nhẹ nhàng với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm hoặc người lạ bên ngoài nhưng lại bỗ bã, thô lỗ, gắt gỏng với người thân trong gia đình nói chung, bạn đời mình nói riêng.

Lời nói nặng nề, thái độ gắt gỏng, thô lỗ gây tổn thương bạn đời là nguyên nhân phá hoại hạnh phúc gia đình - ẢNH MINH HỌA: shutterstock
Lời nói nặng nề, thái độ gắt gỏng, thô lỗ gây tổn thương bạn đời là nguyên nhân phá hoại hạnh phúc gia đình - Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 có 680.049 cặp kết hôn và có 32.060 vụ ly hôn (tăng so với con số 29.010 vụ vào năm 2022 và 22.132 vụ vào năm 2021). Cũng công bố vào năm 2023, thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy: 27,7% nguyên nhân gây khủng hoảng hôn nhân là do mâu thuẫn về lối sống, 25,9% do ngoại tình, 13% do yếu tố kinh tế, 6,7% do bạo lực gia đình…

Chị Hoàng Mơ (quận 7, TPHCM) vừa bước khỏi cuộc hôn nhân thứ hai với tâm trạng ngổn ngang, hụt hẫng, dù chính chị là người chủ động ly hôn. Nguyên nhân là chồng chị hơn 2 năm nay đã “say nắng” một cô đồng hương. Điều khiến chị tức tối là cô ấy thua chị về mọi mặt: nhan sắc, học thức, địa vị, mối quan hệ xã hội… Nhưng chỉ có chồng chị hiểu, cô ấy có một điều mà vợ mình không có: lời ăn tiếng nói dịu dàng, từ tốn dễ nghe.

Thật ra, chị Hoàng Mơ cũng làm được điều đó nhưng chỉ với… người ngoài. Thậm chí, công ty còn gọi chị là “hoa hậu thân thiện”. Với đồng nghiệp, đối tác, chị đối xử nhẹ nhàng, tế nhị, khéo léo; nhưng bước vào bên trong ngạch cửa căn nhà, chị lại là con người khác.

5 năm hôn nhân, không thể kể hết bao nhiêu lần chồng chị góp ý: “Em nói gì xẵng lè vậy, tự nhiên lại sửng cồ, quạu quọ với anh là sao?”. Bất mãn với cách ăn nói của vợ, chồng chị đóng sập cửa bước ra khỏi phòng, châm thuốc hút.

Những lần như vậy, chị Mơ chẳng những không thấy áy náy mà còn nói: “Ờ tui vậy đó, con này không thảo mai được. Chịu thì ở, không chịu thì thôi, ra đường gặp con nào ngọt ngào cứ theo người ta đi”. Những lời gắt gỏng, thái độ cau có của chị dần đẩy chồng đi xa.

Vì sao không ít người mềm dẻo, dịu ngọt với người ngoài, trong khi dễ dàng nổi nóng, hành xử gây tổn thương những người bên cạnh dù từ đáy lòng họ rất mực yêu thương? Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện TPHCM), có 4 nguyên nhân cơ bản đưa đến tình trạng đáng tiếc này.

Thứ nhất, phổ biến nhất là những mối quan hệ thân thuộc (vợ chồng hay cha mẹ, con cái, anh chị em ruột…) mang đến cảm giác an toàn. Họ yêu quý ta nên ta không e ngại bộc lộ con người thật nhất. Bởi cảm thấy an toàn, chúng ta thường nghĩ “nếu mình có hơi quá đáng thì họ sẽ tha thứ, chấp nhận mình, họ cũng biết tính mình rồi nên sẽ không giận đâu”. Ngược lại, với người ngoài, chúng ta không thấy an toàn, cần phải giữ thể diện nên ta có xu hướng lịch sự, hòa nhã, chỉn chu hơn.

Lý do thứ hai mà tiến sĩ Phạm Thị Thúy rút ra được trong quá trình tư vấn tâm lý là những người hay gắt gỏng, có những tổn thương trong gia đình. Những chấn thương tâm lý trong quá khứ từ các mối quan hệ trong gia đình có thể khiến người ta cư xử thô lỗ với nhau mà người ngoài không thể hiểu được.

Lý do thứ ba là có một số người không có khả năng làm chủ cảm xúc nên dễ bộc lộ sự mất kiểm soát với người nhà khi gặp áp lực, căng thẳng hoặc ốm đau. Còn với người ngoài, liên quan đến nguyên nhân đầu tiên đã chia sẻ, họ không cảm thấy an toàn nên không dám bộc lộ cảm xúc tiêu cực này.

Lý do thứ tư thuộc về phía nạn nhân. Có những bậc cha mẹ quá chiều con, có những người vợ quá chiều chồng… khi đối phương cư xử không đúng mực, họ không bày tỏ cho người kia biết là mình khó chịu, nên đối phương cứ “được nước lấn tới”.

Về giải pháp để kiểm soát “thân nhiệt”, nhất là trong gia đình, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, hòa khí, sự an lành của mái ấm, thái độ tôn trọng chính là nền tảng để nuôi dưỡng tình yêu và hạnh phúc. Điều này cần đôi bên bồi đắp hằng ngày. Bản thân nạn nhân hãy mạnh dạn phản hồi, bởi đôi khi đối phương sẽ không dễ nhận ra họ đang cư xử quá lố.

Còn nếu chúng ta là người muốn thay đổi, chúng ta cũng cần ngỏ ý với người thân rằng, hãy nhắc nhở nếu thấy ta có vẻ “tăng nhiệt”. Thái độ sẵn sàng lắng nghe sẽ giúp bạn đời thoải mái nói ra cảm xúc của họ. Mỗi người cần tự rèn luyện và phát triển khả năng làm chủ, chuyển hóa cảm xúc. Khi nâng cao được năng lực, trí tuệ cảm xúc (EQ), chúng ta sẽ hạn chế được bi kịch “Bụt chùa nhà không thiêng” cực kỳ tai hại này.

Thảo Ly - Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI