Có vài lần đi uống bia với ông bạn, cứ một chốc, khi đang chuyện vui bạn lại dừng vì điện thoại báo tin nhắn, bạn hí hoáy nhắn tin trả lời khiến câu chuyện gián đoạn. Một lúc bạn mới đặt điện thoại xuống, quay sang nhìn tôi cười:
- Vợ nhắn tin hỏi đang ở đâu, bảo đang uống bia với anh Hùng! Nào, tiếp tục đi, mình đang nói gì ấy nhỉ…
Câu chuyện tiếp tục nhưng phần nào đã mất đi sự hào hứng. Tôi biết, vợ cậu bạn tôi hỏi nhiều hơn so với lời kể của anh ấy. Cô ấy đang kiểm soát chồng.
Lần khác, khi tôi và bạn có công việc cùng đi Vũng Tàu, hai anh em thuê một phòng hai giường trong khách sạn. Buổi tối, sau khi gặp gỡ bạn bè đối tác, nhậu nhẹt say sưa về phòng và lăn ra giường, trong khi hai đứa đang nói chuyện về công việc thì bạn có điện thoại, vợ bạn gọi facetime.
Trong khi trả lời vợ, bạn lia điện thoại khắp phòng để cô ấy dễ bề quan sát:
- Bọn anh vừa đi nhậu cùng đối tác về, say bét nhè, đang ở phòng khách sạn đây! Phòng rộng, hai giường nhé, kia là anh Hùng cũng đang say…
Tôi vội quơ chiếc chăn đắp lên người. Khi bạn hàn huyên với vợ xong, tôi trách:
- Tôi hở hang thế này mà ông cũng cho vợ ông nhìn à?
- Thì sao? Cũng như mặc quần bơi ngoài bãi tắm thôi mà!
- Ngoài bãi tắm khác và trong phòng ngủ khác!
Thời gian sau đó nhiều lần tôi chứng kiến ông bạn bị vợ kiểm soát kiểu như vậy, nhưng bạn không thật thà như trước nữa, bạn nói dối. Khi đang ngồi uống bia với tôi, bạn trả lời: “Anh đang bận họp” hoặc “đang gặp đối tác”… Nếu vợ gọi facetime thì anh chạy ra chỗ khác cho xem cảnh, hoặc ngắt béng facetime đi, rồi gọi lại: “Anh đang trong phòng họp, không facetime được”… Nghĩa là, sự dối trá đã xuất hiện.
Nhiều cặp vợ chồng, hoặc mới đang giai đoạn yêu nhau, luôn có hành vi kiểm soát nhau như vậy, và họ cho rằng đó là sự quan tâm. Có yêu nhau thì mới quan tâm chứ! Là vợ chồng thì mới quan tâm thế chứ!
|
Hầu hết đàn ông đều thấy khó chịu khi bị vợ liên tục nhắn tin “tra khảo” - Ảnh mang tính minh họa: shutterstock |
Thật ra, quan tâm và kiểm soát khác hẳn nhau.
Sự quan tâm luôn kèm theo sự tế nhị, bởi chính sự quan tâm luôn nhắc nhở ta không nên làm phiền bạn bè, người yêu, chồng hoặc vợ mình. Còn sự kiểm soát không có giới hạn nào hết, sự kiểm soát chỉ nhằm mục đích kiểm soát mà thôi.
Và nó biến cuộc sống thành nặng nề, nó hủy diệt tình yêu lúc nào mà ta không biết.
Sự kiểm soát giống như sợ dây xích, nó chỉ gây cảm giác thích thú nhất thời. Khi mới yêu, được người yêu nhắn tin hỏi han vặn vẹo, ta cảm thấy thích thú. Vợ chồng mới cưới, cô vợ/người chồng nhắn tin suốt ngày, bất cứ lúc nào hai người không ở bên nhau, cũng gây cảm giác thích thú cho người kia…
Nhưng sự thích thú ấy qua đi, và cảm giác bị cầm tù, bị canh gác xuất hiện.
Sự kiểm soát có thể là sự quan tâm, nhưng là sự quan tâm thái quá và cực đoan.
Quan tâm cực đoan biểu hiện sự ích kỷ. Bạn muốn anh ấy/cô ấy chỉ quan tâm đến bạn, chú ý đến bạn và bạn không muốn anh ấy/cô ấy quan tâm đến bất kỳ ai khác trừ bạn. Nhưng bạn không biết rằng, nếu anh ấy/cô ấy không quan tâm đến bất kỳ ai khác thì làm sao anh ấy/cô ấy có thể quan tâm đến bạn được.
Và bạn cố giám sát theo dõi để đảm bảo rằng, chồng bạn, người yêu bạn không thể quan tâm ai khác ngoài bạn, và bạn khiến đối phương phát điên. Sự dối trá nảy sinh từ sự giám sát của bạn. Và khi dối trá xuất hiện thì tình yêu không còn nữa.
Để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn, bạn cần phải linh động và nghĩ thoáng hơn. Hãy để chồng/vợ bạn tự do với niềm vui riêng. Nếu anh ấy/cô ấy đi công tác, đi chơi với bạn bè… hãy để anh ấy/cô ấy tự do với thế giới đó. Vào thời điểm đó, anh ấy/cô ấy có thể tạm thời quên bạn đi, nhưng điều đó không có nghĩa anh ấy/cô ấy đã hết yêu bạn. Sau những khoảnh khắc riêng tư đó, anh ấy/cô ấy lại về bên bạn và chia sẻ với bạn những điều anh ấy/cô ấy đã trải qua khi không có bạn ở bên, điều đó thật tuyệt vời.
Nếu tôi lúc nào cũng bị cô kiểm soát thì còn gì để tôi chia sẻ với cô nữa?
Hãy nhớ rằng, tự do là giá trị cao nhất và nếu tình yêu không đem đến cho bạn sự tự do, thì đó không còn là tình yêu nữa!
Đừng biến tình yêu của mình, đời sống gia đình của mình thành tù ngục, bởi trước sau, với bất kỳ nhà tù nào, cũng có kẻ vượt ngục. Đó là sự tan vỡ.
Biên kịch Đỗ Trí Hùng