Kiểm soát “ô nhiễm tiếng ồn”: Tết này tạm ổn nhưng vẫn còn lo

09/03/2021 - 10:57

PNO - “Ô nhiễm tiếng ồn” đã trở thành đề tài nóng bỏng của nhiều năm qua, đặc biệt trong mùa lễ tết. Thế nhưng, vào đầu năm 2021, tình trạng này ở TPHCM đã giảm hẳn. Phải chăng chúng ta đã thật sự kiểm soát được tiếng ồn?

Bán nhà đi… trốn tiếng ồn!

Cái ô nhiễm không màu, không mùi, không hình dạng này thật sự là thảm họa với cộng đồng bởi sự đinh tai, nhức óc của nó. Hàng trăm cuộc gọi của bạn đọc khắp nơi phản ánh về Báo Phụ Nữ TPHCM chuyện hàng xóm hát karaoke, hát với nhau quá lớn; các cửa hàng điện máy, bách hóa rao bán hàng ì đùng; và có khi lại là mớ âm thanh hỗn độn từ những tiếng rao bán bầu, bí, mướp, thanh long, dưa hấu ở một ngã tư đường… 

Tiếng ồn ở nhiều khu vực buôn bán đã giảm sau khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM về xử lý ô nhiễm tiếng ồn
Tiếng ồn ở nhiều khu vực buôn bán đã giảm sau khi có chỉ đạo của UBND TPHCM về xử lý ô nhiễm tiếng ồn

“Gia đình tôi ở trong xóm. Tình hình an ninh trật tự tương đối tốt, nhưng chỉ phiền là việc hát karaoke quá thường xuyên, bất kể ngày đêm và mở loa rất to. Có nhà, 11-12g trưa cũng hát. Có người vừa nhậu vừa hát suốt mấy tiếng đồng hồ, hát đến 10g đêm vẫn chưa tàn tiệc. Có hôm, đầu xóm, cuối xóm và cả nhà ở hẻm phía sau cùng hát…” - bà Nguyễn Thị Hường (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM), tỏ ra mệt mỏi.

Nhưng không chỉ có gia đình bà Hường mà cả xóm của bà đều phải “sống chung với lũ” vì sợ mất lòng hàng xóm, phản ánh lên chính quyền thì cũng chẳng đi đến đâu.

Trong tình thế ấy, ai không chịu nổi thì phải tự tìm cách chạy trốn. Ông Phạm Văn Hùng, một giáo viên về hưu ở quận Gò Vấp, TPHCM có lần phẫn nộ: “Tôi nói thật, nếu cái cửa hàng quần áo trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 14 mà không giảm âm thanh, hay dẹp đi, thì tôi sẽ bán nhà đi chỗ khác”. Và vào tháng 8/2020, ông báo tin đã bán nhà đi “trốn” tiếng ồn.

Nhưng trường hợp của ông Hùng không phải là đầu tiên và duy nhất mà nhiều người, sau nhiều lần phản ánh với chính quyền về tiếng ồn ở các hàng quán, siêu thị điện máy cạnh nhà không kết quả, đã phải bán nhà để tự cứu mình. 

Tình hình đã thay đổi từ một văn bản!

Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm âm thanh, đặc biệt là từ karaoke, loa kéo, năm nay đã giảm. "Năm trước dù lên Củ Chi hay về quận 12, tôi đều bị âm thanh các dàn karaoke gia đình và loa kéo tra tấn. Năm nay thì khác hẳn, kể cả ở các ngã ba, ngã tư đường, các chợ cũng im ắng hơn" - bà Trần Thị Ánh Minh, ngụ quận 1, TPHCM nhận định.

Trên thực tế, tiếng ồn ở TPHCM những ngày vừa qua đã giảm. Nguyên do đến từ tinh thần của văn bản khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan về việc tăng cường phòng, chống vi phạm tiếng ồn trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Văn bản nêu đích danh chủ tịch UBND và trưởng công an các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đồng thời phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến tiếng ồn tại địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.  

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TPHCM - cho biết trong dịp tết vừa qua UBND thị trấn Củ Chi không nhận được thông tin phản ánh nào liên quan đến tiếng ồn.

Theo ông Dương, để quản lý những vi phạm về tiếng ồn trong cộng đồng dân cư, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền đến từng khu phố, từng hộ gia đình. Đối với các điểm kinh doanh cũng như hộ gia đình trong khu dân cư, UBND, công an thường xuyên phải kiểm tra, nhắc nhở… 

Trong những ngày vừa qua, sau khi nghe phản ánh về việc hát karaoke, hát với nhau gây ồn ào ở các xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), phường Tân Hưng Thuận (quận 12), Báo Phụ Nữ TPHCM đã gọi điện báo ngay với chính quyền các địa phương và tình hình đã biến chuyển tốt chỉ trong 20-30 phút.

Ông Phan Cường - Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận (quận 12) - thẳng thắn: “Cán bộ phường không thể biết hết, nhưng nghe dân báo tin, chúng tôi kiểm tra và nhắc nhở nơi vi phạm ngay”.

Bà Nguyễn Thị Lang khẳng định: “Để có cái tết yên bình cho dân, từ trước tết này, ban điều hành khu phố đã đến từng nhà tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình thường hay hát hò. Ngoài ra, khu phố đã thành lập nhóm chat với các hộ gia đình, có thông tin là nhắn vào nhóm để nhắc nhở ngay”.

Thực tế trên cho thấy, để giải quyết nạn ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư, nơi công cộng là không quá khó, bên cạnh các quy định pháp luật thì sự quan tâm trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra của cán bộ cấp cơ sở luôn là điều rất cần thiết. 

Chế tài vẫn chưa đủ răn đe, ngăn ngừa tái diễn

Thực tế cho thấy karaoke di động không chỉ là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân. Đã có những vụ án hình sự mà nguyên nhân sâu xa phát sinh từ loại hình này. Trong khi đó, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định đảm bảo sự yên tĩnh chung theo quy định của pháp luật hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe cũng như ngăn ngừa tái diễn.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22g ngày hôm trước đến 6g sáng ngày hôm sau. Quy định trên được hiểu, nếu gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ sau 6g đến 22g trong ngày thì không vi phạm và không bị áp dụng chế tài xử phạt, hoặc nếu có thì cán bộ địa phương chỉ nhắc nhở. 

Mặt khác, chỉ khi hành vi vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì mới có căn cứ áp dụng xử phạt theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Nhưng để áp dụng quy định này phải trải qua quy trình trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường. Trong khi đó, cũng theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì Sở Văn hóa và Thể thao không có chức năng đo tiếng ồn mà phải ký hợp đồng với đơn vị chức năng để đo làm căn cứ xử lý.

Việc hát karaoke bằng loa kéo tại nhà, ngoài vỉa hè, quán ăn thường diễn ra bất kể lúc nào trong ngày, việc đo tiếng ồn vì thế không phải lúc nào cũng thực hiện được ngay tại thời điểm phát sinh vi phạm, do vậy khó xử lý kịp thời, dẫn đến không đáp ứng được tính cấp thiết của việc xử lý hành vi vi phạm.

Luật sư Vũ Huy Cường 
(Đoàn Luật sư TPHCM)

Thiên Ân - Mẫn Nhi - Tinh Châu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI