PNO - Rất nhiều đề xuất đã được các doanh nghiệp, bộ ngành nêu ra tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp sáng 26/9 về giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì sẽ hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân. Từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài để lắng nghe ý kiến, đề xuất… và Chính phủ đã cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.
Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… Và hội nghị là cơ hội để Chính phủ và DN cùng nhau tìm những giải pháp để thực hiện song song hai mục tiêu.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: Các tỉnh/thành đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội trong bốn tháng qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi ngành nghề thuộc các thành phần kinh tế. Tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đến nay đã có trên 85.000 DN (chiếm 10% tổng số DN cả nước) rút khỏi thị trường trong tám tháng đầu năm 2021; trung bình mỗi tháng trên 10.000 DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Chủ tịch VCCI cho biết DN đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với một số đại biểu tại hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 sáng 26/9 - ẢNH: TTXVN
Trước hội nghị này, Bộ Y tế có đưa ra bản dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”. Tuy nhiên tám hiệp hội ngành hàng (Thực phẩm minh bạch, Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, Dệt may Việt Nam, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nhựa Việt Nam và DN Nhật Bản tại Việt Nam) đã cùng kiến nghị gửi Chính phủ, cho rằng nhiều quy định trong dự thảo này chưa phù hợp với chủ trương “Sống chung với COVID”. Những tiêu chí trong dự thảo mà Bộ Y tế đưa ra còn chung chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “Zero COVID” chứ chưa hoàn toàn là “Sống chung với COVID” nên chưa phù hợp.
Sớm tháo gỡ nhiều vướng mắc
Để có thể vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch.
Chúng ta có thể yên tâm, tự tin để chuyển đổi trạng thái Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Với các giải pháp dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, chúng ta có thể yên tâm, tự tin để chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế. Thời gian tới, cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn trong phòng, chống dịch, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược.
Do đó ông Phạm Tấn Công đề nghị với Thủ tướng Chính phủ trong cơ cấu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng DN. Đồng thời ông cũng đề nghị ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm sống chung lâu dài với dịch bệnh; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch, hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh COVID”…
Ngoài ra, theo ông Phạm Tấn Công, các giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang được cộng đồng DN mong chờ được triển khai nhanh chóng để kịp thời hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn này.
Trước và trong hội nghị với Thủ tướng Chính phủ, đại diện nhiều hiệp hội, ngành hàng, DN đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc như kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa thông suốt, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin. Đồng thời cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí… Đặc biệt cần nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc…
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam - thay mặt các DN thành viên đề xuất Chính phủ cần xem các DN đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6-9 tháng không để bị ngân hàng chuyển nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành y tế, thực phẩm, sắt thép… Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chính quyền giảm một nửa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính hiện hành, ví dụ thủ tục 30 ngày thì giảm còn 15 ngày để hỗ trợ DN; Giảm 50% đến hết tháng 6/2022 đối với thuế giá trị gia tăng và áp dụng đại trà, không chọn lọc về mặt hàng nhằm giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giảm giá bán cho người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện vẫn còn một số hạn chế trong việc thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Một số chính sách triển khai tại các địa phương khá cứng nhắc, thiếu thống nhất gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ. Điều này do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp khiến số DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp. Ngoài ra, vấn đề được các DN mong mỏi nhất lúc này là Chính phủ khẩn trương có hướng dẫn cụ thể các quy định về tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để họ có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái “bình thường mới” đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu góp ý từ cộng đồng DN trong thời gian gần đây; giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch; giao Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10-30%…
Doanh nghiệp khẩn trương chuẩn bị khôi phục hoạt động
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - nhận định khi TP.HCM mở cửa, thị trường nội địa khởi động lại, sức tăng trưởng sẽ rất nhanh, thị trường bán lẻ sẽ bùng nổ, công ty sẽ chú trọng vào sản xuất sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể…
“Bằng mọi cách tất cả các nhà máy của chúng tôi sẽ hoạt động lại ngay khi được phép để giải quyết các kế hoạch kinh doanh, đơn hàng tết. Ngay cả các đơn hàng xuất khẩu phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay từ tháng 10/2021. Trở ngại lúc này là có thể thiếu hụt lao động, nhiều lao động đặc biệt những người đã có gia đình chưa sẵn sàng trở lại làm việc, nhưng chúng tôi sẽ làm công tác tư tưởng để họ hợp tác”, ông Nguyễn Lâm Viên bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan - DN của ông cũng xác định sống chung với dịch và đã trang bị hệ thống giám sát camera hồng ngoại ứng dụng trí tuệ nhân tạo tự động nhận diện cá nhân nào sốt trên 380C để cách ly ngay; đồng thời có đội ngũ bác sĩ online tư vấn hướng dẫn cho người bệnh chăm sóc sức khỏe… DN thực hiện tiêu chí “hai xanh một sạch” (nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, nhân viên không bệnh)…
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao - nhận định dù khó khăn nhưng hầu hết các DN và cả các bạn trẻ khởi nghiệp đều có niềm tin, tự tin quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, nhiều DN đã tận dụng thời gian, nghiên cứu thêm sản phẩm mới hay hoàn thành các tiêu chuẩn ISO, HACCAP…
Tổng thống Donald Trump không ban hành sắc lệnh thuế như dự báo đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước tăng giá 2 lần trong buổi sáng.
Giá vàng trong nước và thế giới quay đầu giảm, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Ngày 16/1, Nutifood đã đồng hành với Hội LHPN TPHCM trong chương trình 'Xuân yêu thương-Tết nghĩa tình', trao 530 suất quà sữa NutiMilk với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.
Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 320 đồng/lít với xăng E5RON 92 lên 20.750 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng RON95 tăng lên 21.220 đồng/lít.