Kiểm soát giá hàng hóa để tránh lạm phát

17/02/2022 - 06:12

PNO - Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất trong vòng tám năm qua khiến giá dịch vụ vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền để tránh lạm phát.

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, việc nhập nguyên liệu, hàng hóa gặp khó khăn do thiếu hàng và thiếu tàu chở hàng. Trong khi đó, giá hàng hóa, các chi phí đầu vào đang tăng từ 20 - 50%, chi phí vận chuyển hàng từ nước ngoài về tăng gấp đôi, giờ thêm giá xăng tăng khiến mặt bằng giá hàng hóa có nguy cơ sẽ tăng cao.

Bà Huỳnh Phương Trinh - Phó Tổng giám đốc Công ty Sản xuất bột Quốc Tế - cho biết giá các nguyên liệu nhập về tăng từ 20 - 50% do nguồn nguyên liệu thô khan hiếm, do tàu về chậm, giá cước tàu tăng gấp đôi. Hầu hết các đối tác Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu đều báo không đủ lượng hàng cung ứng, đến tháng 5/2022 mới có hàng và chỉ cung cấp khoảng 50% đơn đặt hàng, giá hàng tăng từ 600 USD lên 800 USD/tấn. Giá cước tàu vận chuyển cũng tăng cao nhưng lại thiếu tàu chở hàng, thời gian hàng về đến Việt Nam cũng chậm từ 30-45 ngày. Giá thành phẩm hiện tăng bình quân hơn 20% nhưng công ty chưa tăng giá bán lẻ được, phải thương lượng với khách và có lộ trình. 

Ông Trần Huỳnh Huy - Giám đốc hệ thống Meet Shop, chuyên nhập khẩu, kinh doanh thịt đông lạnh - cho biết giá các loại thịt nhập về tăng 25 - 30%, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng tăng từ 25 - 30%. Tính ra, khi hàng về đến cửa hàng, tổng mức giá tăng hơn 50% và mức này chưa dừng lại khi giá xăng tăng cao. Đặc biệt, thịt bò từ châu Âu tăng giá đến 30% nhưng lại đang khan hiếm trong khi sức mua trong nước thấp nên công ty giảm sản lượng hàng nhập về đến 70 - 80% so với trước. Cũng do sức mua yếu nên các DN không dám tăng giá sản phẩm theo mức tăng giá hàng nhập vào (50 - 60%), chỉ tăng khoảng 20 - 30% và còn hỗ trợ 50% chi phí giao hàng để giữ khách. 

“Các DN mong dịch COVID-19 ổn định, kinh tế hồi phục và Nhà nước có giải pháp bình ổn giá xăng dầu để không tác động xấu đến mặt bằng giá cả chung” - ông Trần Huỳnh Huy chia sẻ. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giá xăng dầu trong nước tăng do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, gây lo lắng cho tất cả các ngành, DN trên toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Giá xăng dầu tăng cao vào thời điểm này càng khiến DN Việt Nam khó khăn hơn. Quá trình phục hồi của DN, của nền kinh tế Việt Nam càng khó khăn hơn sau dịch COVID-19. 

“Giá xăng dầu tăng kéo hàng loạt chi phí khác tăng theo, kể cả các chi phí trực tiếp. Chính phủ cần xem xét, đẩy nhanh việc thực hiện các gói hỗ trợ đối với DN, minh bạch, tránh thất thoát và tỷ lệ DN tiếp cận được càng cao càng tốt. Chính phủ cũng nên cắt giảm các chi phí khác như chi phí hành chính, thủ tục. DN mong các chính sách tốt hơn, môi trường minh bạch hơn” - bà Phạm Chi Lan nói.

Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - phân tích giá xăng dầu tác động rất mạnh đến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ. Ngoài tác động trực tiếp, giá xăng dầu tăng còn tác động gián tiếp qua chi phí vận chuyển. Thực tế, trong những năm qua, Nhà nước kiểm soát được giá xăng dầu thấp thì kiểm soát được lạm phát tốt. Nhưng kiểm soát lạm phát không chỉ bằng việc kiểm soát giá xăng dầu mà cần đồng bộ nhiều chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại...

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, Nhà nước cần ngăn chặn tình trạng tăng giá không hợp lý “ăn theo” giá xăng dầu, nhất là những dịch vụ do Nhà nước kiểm soát, cung cấp, không loại trừ lĩnh vực tín dụng, đất đai. Chính phủ phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ giá những hàng hóa đầu vào khác mà DN không thể kiểm soát được, mới giúp giá cả chung trên thị trường không tăng cao và đây là biện pháp thiết thực nhất để chống lạm phát. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI