Kiểm soát COVID-19 thất bại, châu Âu trở thành điểm nóng của các cuộc biểu tình

01/11/2020 - 19:42

PNO - Nỗi lo về bất ổn dân sự ngày càng gia tăng khi người dân nhiều nước châu Âu dần đánh mất niềm tin, sự kiên nhẫn trước các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của chính phủ.

Liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 gia tăng kỷ lục, nhiều nước châu Âu đã ban bố tình trạng khẩn cấp, tái phong tỏa toàn quốc lần 2 để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nhanh chóng triển khai lệnh giới nghiêm từ 18g đối với các nhà hàng và quán bar, trong khi đó Anh, Pháp lần lượt tái phong tỏa, hạn chế sự tăng tốc của dịch bệnh.

 người biểu tình tập trung tại Cổng Brandenburg ở Berlin để yêu cầu hỗ trợ tài chính trong đợt đại dịch thứ hai.
Người biểu tình tập trung tại Cổng Brandenburg, Berlin yêu cầu hỗ trợ tài chính trong đợt bùng phát dịch thứ 2

Tuy nhiên, sự hỗ trợ tài chính cần thiết không đầy đủ cùng các hệ thống theo dõi và truy tìm F1, F2 đang quá tải, không thể đối phó với sự gia tăng của virus corona đã gây nên sự tức giận trong dân chúng. Chính điều này dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình, nổi dậy của người dân nhằm chống đối các biện pháp kiểm soát của chính phủ.

Từ Milan (Ý) đến Manchester (Anh) hay Marseille (Pháp) đến Madrid (Tây Ban Nha), viễn cảnh tối tăm của dịch COVID-19 đã làm dấy lên một làn sóng nổi loạn. Hàng ngàn người dân ở Madrid đã chống lại lệnh giới nghiêm 22g, khiến chính phủ Tây Ban Nha phải áp đặt tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô. Thậm chí, các cuộc biểu tình còn bắt đầu trở nên bạo lực khi một nhóm khoảng 50 người ném các vật nguy hiểm vào cảnh sát ở Barcelona.

Tại Đức, hàng ngàn công nhân và người sử dụng lao động trong các ngành nghệ thuật và khách sạn đã tuần hành ở Berlin, yêu cầu hỗ trợ tài chính lớn hơn khi đại dịch khiến họ lâm vào cảnh thất nghiệp. 

Trong khi đó, thị trưởng các thành phố khác, bao gồm Barcelona (Tây Ban Nha), Lisbon (Bồ Đào Nha), Prague (Cộng hòa Séc), Milan… đã thông qua chính phủ của họ, viết thư trực tiếp cho Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel, yêu cầu được tiếp cận với quỹ phục hồi của EU trị giá 750 tỷ euro, nhằm trợ giúp người dân trước làn sóng phản đối bùng phát mạnh mẽ.

Cảnh sát chống bạo động Ý dùng hơi cay để giải tán đám đông.
Cảnh sát chống bạo động Ý dùng hơi cay để giải tán đám đông

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, trên khắp châu lục, người dân đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn về kinh tế, đồng thời kiệt quệ sức khỏe tinh thần. Cùng với đó, người dân ngày càng hoài nghi về khả năng của chính phủ trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã phá hủy sinh kế cũng như đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của họ.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde, làn sóng thứ 2 ập đến có nguy cơ sẽ dập tắt sự phục hồi kinh tế của châu Âu. Trước đó, vào mùa hè và đầu mùa thu, chính phủ các nước đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế "không đồng đều, không chắc chắn và đầy đủ".

Các chuyên gia cảnh báo trong thời gian tới, tình hình bất ổn xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trên khắp châu Âu, khi dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của hàng trăm ngàn người.

Nhà địa lý học Pháp Christophe Guilluy cho rằng: “Sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp và giữa các khu vực đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch”. Đồng thời, Christophe Guilluy nói thêm, để thoát khỏi các biện pháp kiểm soát, nhiều người dân Paris đã chạy trốn đến các tỉnh lẻ và vùng nông thôn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho cư dân sống ở đây.

Chung Thu Hương (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI