Kiểm soát chặt biên giới Tây Nam để ngăn dịch COVID-19

14/04/2021 - 07:11

PNO - Số ca nhiễm COVID-19 ở Campuchia gần đây liên tục tăng cao trong bối cảnh nhiều người Việt tại đây muốn về quê đoàn tụ cùng gia đình trong dịp tết cổ truyền Chol-Chnam-Thmay.

Biên giới trong “tình hình mới”

Trong hai ngày 12 và 13/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh đã tổ chức gặp mặt, tặng quà và chúc tết lực lượng vũ trang ba tỉnh bạn giáp Tây Ninh là Svay Rieng, Tbong Khmum và Prey Veng nhân dịp tết cổ truyền Chol-Chnam-Thmay của người Khmer. Do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc chúc tết được tổ chức ngay tại cột mốc biên giới thay vì cử lực lượng sang nước bạn như mọi năm. 

Chị Ngọc - tiểu thương chợ Camphuchia ở TPHCM - cho biết chị đã sang Việt Nam sinh sống hơn 30 năm. Hằng năm, vào dịp tết Chol-Chnam-Thmay, chị thường thu xếp về Campuchia để sum họp gia đình. Nhưng năm nay, nghe tin dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Campuchia, chị quyết định ở lại.

Người nhà chị Ngọc ở tỉnh Siem Reap (Camphuchia) cho hay, bên đó, các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt; người dân không được đi ra đường từ 20g đến 5g sáng hôm sau.

Để phòng, chống dịch đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉ nh Tây Ninh chúc tết lực lượng vũ trang ba tỉnh củ a Campuchia giá p giớ i vớ i Tây Ninh ngay tại cột mốc biên giới Ả NH: LÊ QUÂN
Để phòng, chống dịch đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh chúc tết lực lượng vũ trang ba tỉnh của Campuchia giáp giới với Tây Ninh ngay tại cột mốc biên giới - Ảnh: Lê Quân 

Trao đổi với chúng tôi chiều 13/4, đại diện Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh cho biết, trong khoảng thời gian cận tết Chol-Chnam-Thmay (lễ chính thức diễn ra từ ngày 14-16/4), các đoàn thể, cơ quan hai bên biên giới qua lại tặng quà cho người dân. Do dịch ở nước bạn đang rất căng thẳng nên người dân phải giữ khoảng cách 5m, không được tiếp xúc gần. Lực lượng biên phòng, công an nhận được lệnh phải bám sát địa bàn để nắm bắt thông tin liên tục 24/24 giờ.

Tất cả các cửa khẩu và chốt chặn ở dọc rìa biên giới của tỉnh được nâng mức báo động. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng phải bảo đảm nghiêm các quy trình phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh trong lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, ở khu cách ly. 

Tại tỉnh Kiên Giang, khi vừa có thông tin dịch bệnh bên kia biên giới diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang đã triển khai thêm tổ, chốt, phương tiện. Hiện có tổng cộng 102 tổ, chốt cố định, 14 tổ cơ động và 13 tàu, xuồng chuyên dụng, phối hợp với các lực lượng chức năng trực tiếp tuần tra, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới bộ, biên giới biển, đảo. Để đảm bảo quân số, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang quyết định không giải quyết các trường hợp nghỉ phép. 

Vẫn còn tình trạng nhập cảnh trái phép

Tính đến ngày 13/4, Campuchia có thêm 181 trường hợp dương tính với COVID-19 mới và ba người tử vong. Như vậy, đến nay, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 33 người dân xứ Chùa Tháp. 

Trong lúc tình hình dịch COVID-19 ở Campuchia đang diễn biến rất phức tạp, tình trạng nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới vẫn diễn ra. Tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước (có 240km đường biên gới với Campuchia), lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các nhóm người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Vào lúc 19g15 ngày 31/3, lực lượng tuần tra phát hiện ba ô tô chở 15 người nước ngoài xâm nhập vào địa phận H.Hớn Quản, liền ngăn chặn, đưa nhóm người này cùng ba tài xế người Việt Nam đi cách ly.

Gần đây nhất, tối 12/4, người dân ở ấp An Tân, xã An Phú, huyện Hớn Quản phát hiện hai xe taxi có dấu hiệu nghi vấn nên đã trình báo chính quyền địa phương. Qua kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng phát hiện, hai xe taxi biển số TPHCM đang chở năm khách nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Để phòng, chống dịch đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh chúc tết lực lượng vũ trang ba tỉnh của Campuchia giáp Tây Ninh ngay tại cột mốc biên giới - Ảnh: Lê Quân
Để phòng, chống dịch đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh chúc tết lực lượng vũ trang ba tỉnh của Campuchia giáp Tây Ninh ngay tại cột mốc biên giới- Ảnh: Lê Quân

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ Campuchia là rất lớn do Việt Nam và Campuchia có đường biên giới đất liền dài, lại có chung đường biển, khó kiểm soát. Ngoài ra, lượng người Việt Nam sinh sống và giao thương với Campuchia cũng rất nhiều. Ca bệnh thứ 2.580 và 2.582 mắc COVID-19 nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam mới đây là lời cảnh báo rõ ràng nhất. Hai bệnh nhân này đã theo tàu cá để nhập cảnh trái phép về H.Phú Quốc, tỉnh An Giang, sau đó di chuyển về TP.Hải Phòng và TPHCM. 

Ông Phu cho rằng, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn, lối mở, đặc biệt là đường biển, để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Người dân cần tuyệt đối tuân thủ biện pháp cách ly y tế, không vượt biên, không nhập cảnh trái phép. Ông cũng kêu gọi người dân khi phát hiện người nhập cảnh trái phép về cộng đồng, cần báo cho lực lượng chức năng. Trước đây, đã có trường hợp người mẹ ở tỉnh Vĩnh Long trình báo với công an để đưa con đi cách ly, ngăn chặn kịp thời vụ lây lan dịch. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cơ quan này vẫn tiếp tục thực hiện việc cách ly người nhập cảnh theo quy định, giám sát các hoạt động liên quan đến việc tổ chức cách ly y tế, bao gồm khu cách ly tại khách sạn, tại bệnh viện, các khu cách ly tập trung của quận, huyện, thành phố và giám sát người đã hoàn thành việc cách ly. Tổng số đang được cách ly là 2.234 người, trong đó có 2.098 người được cách ly tại các điểm cách ly tập trung, 15 người được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Trung tâm khuyến cáo, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu, người dân khi về nước cần tuân thủ quy định cách ly y tế.

Ngày 13/4, tờ The Phnom Penh Post dẫn báo cáo của Bộ Y tế Campuchia cho biết, tới nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 4.696 ca mắc COVID-19, trong đó, 2.406 người đang được điều trị và 33 trường hợp tử vong. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan cảnh báo, Campuchia đang “đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia” do COVID-19; hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ “vỡ trận” và gây hậu quả thảm khốc nếu không chặn được đợt dịch này.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI