Kiểm soát bệnh nền nguy hiểm nhất của bệnh nhân nhiễm COVID-19

24/02/2020 - 07:52

PNO - Con số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc tử vong vẫn chưa có dấu hiệu chững lại và ngày càng có thêm bệnh nhân nhiễm bệnh này tử vong ở các quốc gia khác.

Có một điểm chung là phần lớn trường hợp tử vong là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, trong đó bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) được xem là một trong những bệnh nền nguy hiểm nhất. 

“Sát thủ” giấu mặt

Trong khi đó, theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hen dị ứng miễn dịch lâm sàng TP.HCM, Giám đốc Phòng khám Đại học Y Dược 1, tỷ lệ người mắc bệnh COPD ở Việt Nam rất cao. Đây là bệnh gây tử vong hàng thứ ba tại Việt Nam chỉ sau đột quỵ và tai biến mạch máu não. Mỗi năm có 25.000 người tử vong, cao hơn cả tai nạn giao thông nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Bệnh nhân COPD được tái khám định kỳ tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
Bệnh nhân COPD được tái khám định kỳ tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1

Tại các bệnh viện lớn, hầu như mỗi ngày đều có bệnh nhân COPD vào cấp cứu và có trường hợp không qua khỏi. Bác sĩ Tuyết Lan chia sẻ: “Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân COPD tử vong khi vào đợt kịch phát, chúng tôi rất đau lòng, bởi đây là bệnh có thể phòng ngừa, kiểm soát tốt, nhưng nhiều người chủ quan, để bệnh vào đợt cấp và đẩy mình vào cửa tử”. 

Cụ ông Lê Văn M. (81 tuổi, ngụ ở Q.10, TP.HCM) kể: “Tôi hút thuốc từ năm 17 tuổi, thời trẻ hút 2-3 bao/ngày. Năm 59 tuổi, tôi bị ho kéo dài và họng có đàm. Một lần, gần 23g, tôi tắm xong, vào phòng máy lạnh, lập tức bị mệt thở không nổi. Gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, bác sĩ nói tôi bị COPD và rơi vào đợt cấp do tắm đêm, nhiễm lạnh. Lần đó, tôi nằm viện cả tháng, tưởng chừng không qua khỏi. Sau lần chết hụt này, tôi bỏ thuốc lá, tập thể dục và tái khám đều đặn nên sức khỏe ổn định”.

Bác sĩ Tuyết Lan cho hay, không phải ai cũng may mắn như ông M. Gần 40 năm hành nghề, bà đã nhiều lần chứng kiến bệnh nhân COPD vào cơn cấp tính và đến bệnh viện quá muộn. “Có bệnh nhân mới 48 tuổi, nhưng có tiền sử hút thuốc 33 năm. Bệnh nhân đã được chẩn đoán COPD và chúng tôi dặn phải tái khám thường xuyên. Thế nhưng, sau khi sức khỏe ổn định, không còn mệt, khó thở thì bệnh nhân bỏ tái khám. Một buổi sáng, bệnh nhân dậy sớm tắm và rơi vào đợt kịch phát. Gia đình chở tới bệnh viện nhưng đã quá trễ. Bệnh nhân chết để lại vợ đang có bầu và ba đứa con nhỏ”, bác sĩ Tuyết Lan kể.

Bệnh nguy nhưng không hiểm nếu kiểm soát tốt

Bác sĩ Tuyết Lan cho biết, bệnh COPD không chỉ ảnh hưởng đến phổi, mà còn tàn phá nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân nhập viện nhiều lần do đợt cấp phải dùng nhiều kháng sinh mạnh kèm theo corticoid, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như lao phổi, teo cơ, đái tháo đường, viêm phổi, trầm cảm, loét dạ dày, mỏng da, xuất huyết, cườm mắt, loãng xương... 

Tại Việt Nam tỷ lệ nam giới trên 40 tuổi bị COPD là 7,2%, chủ yếu do hút thuốc lá và nữ giới 1,9%. Số bệnh nhân ngày càng tăng còn do ô nhiễm không khí trầm trọng. Tiền căn bệnh lao, sống hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc, hen suyễn kéo dài, dùng chất đốt sinh khối... cũng làm tăng khả năng mắc bệnh. 

COPD là bệnh mạn tính nên gánh nặng kinh tế đối với người bệnh và gia đình rất lớn. Nhiều bệnh nhân không tuân thủ điều trị vì không có khả năng chi trả. Hầu hết bệnh nhân COPD đều bị ho, khạc đàm và khó thở ngày càng nặng. Nhưng điều nguy hiểm là bị rơi vào đợt cấp. Chi phí thuốc men, nằm viện, một đợt cấp nặng của COPD có thể tốn cả trăm triệu. 

Tuy hiện nay chưa chữa dứt gốc COPD, nhưng thuốc có thể phòng ngừa đợt cấp và giúp bệnh nhân bớt khó thở. Tuân thủ điều trị và kiểm soát bệnh là cách hữu hiệu để người mắc COPD không rơi vào nguy hiểm. Như bệnh nhân M. kể trên, ông luôn mang bên mình một quyển tập khổ lớn. Trong đó, ông ghi chép bệnh sử của mình, thông số mỗi lần tái khám, cũng như thời tiết ra sao, ăn món gì mà sức khỏe chuyển biến tốt/xấu hơn. Một trong những bí quyết kiểm soát bệnh của ông để không rơi vào đợt cấp là chống lạnh tuyệt đối. Với bệnh nhân COPD, nếu có những triệu chứng: khó thở, môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh hoặc màu xám (là dấu hiệu cho thấy nồng độ ô-xy thấp trong máu), rơi vào trạng thái lơ mơ, nhịp tim rất nhanh thì nên vào bệnh viện cấp cứu. Vì đó là dấu hiệu của đợt cấp rất nguy hiểm tính mạng. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bác sĩ Tuyết Lan khuyến cáo, người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như COPD, cao huyết áp, đái tháo đường không nên  đến những nơi đông người và tránh xa các nguồn lây nhiễm như không tiếp xúc, đến gần người bị cảm, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI