Đổ trăm tỷ làm phim chiếu mạng
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng vì dịch COVID-19, các nhà sản xuất, đơn vị đầu tư phim ảnh bắt đầu rục rịch trở lại. Mới đây, Galaxy Play cho biết, sẽ đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sản xuất những phim bộ độc quyền, chiếu trên nền tảng online.
Đại diện truyền thông của Galaxy Play tiết lộ, dự kiến mỗi tuần sẽ bấm máy một phim mới, để đến tháng 11/2020 có đủ nguồn phim phục vụ khán giả. Nội dung phim sẽ bám sát thị hiếu người xem, những vấn đề thời sự nóng hổi hoặc phim thiên về tình cảm gia đình. Với nhóm đề tài trải rộng, nhà đầu tư này hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khác nhau.
|
Diệp Bảo Ngọc và Hữu Vi trong phim Mắt của quỷ |
Mở đầu sẽ là phim Mắt của quỷ (đạo diễn Nhật Trung) mang màu sắc kinh dị nhưng gửi gắm thông điệp về gia đình, tình mẫu tử… Vào tuần thứ hai của tháng 10/2020, đơn vị này sẽ khởi quay một bộ phim nói về vấn đề tình, tiền.
Trước đó, phim Tam thái tử, Gái ngàn đô cũng được sản xuất để chiếu độc quyền trên Galaxy Play, Phượng khấu chiếu độc quyền trên ứng dụng có quảng cáo POPS... POPS Worldwide là nhà đầu tư cho Phượng khấu, series Bánh bèo hữu dụng, series Tháng năm dữ dội để phát sóng trên nền tảng của mình. Ngoài ra, có không ít nghệ sĩ trở thành nhà sản xuất, tự bỏ tiền đầu tư làm phim chiếu mạng “cho bằng bạn bằng bè” khiến thị trường phim chiếu mạng được “đà“ đi tới.
Tuy nhiên, do không chịu sự kiểm duyệt từ cơ quan quản lý, một số phim chiếu mạng có nội dung nhạy cảm, không hợp thuần phong mỹ tục, dán nhãn cảnh báo cho có như Gái ngàn đô; hoặc ngang nhiên sử dụng những cảnh đã bị Hội đồng duyệt phim quốc gia yêu cầu cắt bỏ khi ra rạp như Thất sơn tâm linh...
|
Gái ngàn đô, phim 18+ ngập cảnh nóng, bạo lực |
Chưa kể, với hiệu quả gấp hàng chục lần các phương thức quảng cáo thông thường, thời gian qua, các nhãn hàng cũng mạnh tay đổ tiền vào các sản phẩm của nghệ sĩ, trong đó có phim chiếu mạng. Song, không phải cái bắt tay nào cũng “đúng luật”. Chẳng hạn, trong hai tập phim chiếu mạng Đại kê chạy đi của NSND Hồng Vân, xuất hiện sản phẩm bia được quay cận cảnh, rõ nhãn hiệu trong thời gian tương đối dài. Trong khi đó, việc quảng cáo bia rượu trong các sản phẩm văn hóa, giải trí là vi phạm luật hiện hành.
Liệu có hay không việc lách luật từ cú bắt tay của nghệ sĩ và các nhãn hàng mà cơ quan quản lý không thể kiểm soát? Đây là những tiền lệ gây nhiều bất cập, khiến thị trường phim chiếu mạng vốn đã khó kiểm soát càng trở nên khó hơn, thậm chí có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường.
Luật chưa có quy định
Trước câu hỏi về việc kiểm duyệt phim khi chiếu trên nền tảng online, Galaxy Play cho biết có thực hiện thao tác này, nhưng không chia sẻ cụ thể về đơn vị duyệt phim. Trong khi đó, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, tới thời điểm hiện tại, luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc kiểm duyệt phim chiếu mạng, nhất là trên những nền tảng online có trả phí. Dự thảo Luật Điện ảnh sẽ bổ sung mảng này.
Tại Trung Quốc, nơi nổi tiếng với nhiều nền tảng chiếu mạng có lượng người dùng lớn, việc kiểm soát nội dung phim chiếu mạng đã được thực hiện nhiều năm, chẳng hạn cấm nội dung mê tín, phá vỡ văn hóa truyền thống, những nội dung vi phạm luật pháp...
Ngay cả dòng phim cung đấu đã góp phần mang về danh tiếng cho ngành phim ảnh Trung Quốc, cũng bị siết chặt vì lo ngại những hệ lụy xấu. Gần đây, hai phim cung đấu nổi tiếng Diên Hy công lược và Hậu cung Như Ý truyện bị gỡ bỏ trên các nền tảng chiếu mạng tại Trung Quốc.
|
Hậu cung Như Ý truyện bị gỡ bỏ trên các nền tảng chiếu mạng tại Trung Quốc. |
Trong khi Tencent từ chối trả lời thì iQiYi khẳng định: “Do cân nhắc nghiệp vụ”. Nhiều người tin đây là động thái của cơ quan quản lý sau gần một năm cân nhắc cấm phim cung đấu. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng những phim này xuyên tạc lịch sử, cổ vũ lối sống xa hoa, ích kỷ, cổ xúy những giá trị trái đạo đức - điều mà các nhà quản lý văn hóa không muốn xuất hiện trong các sản phẩm giải trí nói chung.
Đầu tháng Chín năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã có động thái mạnh tay với Netflix liên quan đến cảnh bóc lột trẻ em trong phim Cuties. Cơ quan quản lý nước này yêu cầu Netflix phải chặn quyền truy cập vào phim này đối với người dùng trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trước 9/9, nếu không sẽ đình chỉ hoặc tước giấy phép hoạt động. Nước này cũng đưa ra danh mục các phim không được lưu hành trong phạm vi lãnh thổ với những nội dung được cho là không phù hợp.
Trong bối cảnh phim Việt đang cần bàn đạp để phục hồi và phát triển, chính sách hỗ trợ từ các nhà đầu tư là việc làm đáng trân trọng. Nhưng khi chưa có luật định rõ ràng về việc kiểm duyệt đối với phim chiếu trên các nền tảng trực tuyến, thì bản lĩnh và trách nhiệm công dân của nhà sản xuất, ê-kíp làm phim được đặt lên hàng đầu.
Đồng thời, luật định cũng cần bắt kịp sự phát triển hiện tại, tránh những hệ quả xấu, khi xảy ra chuyện lại loay hoay không biết dựa vào đâu để giải quyết.
Thành Lâm