Kiểm duyệt nội dung trên các OTT ngoại: Nhanh lên chứ!

03/07/2020 - 06:54

PNO - Sự du nhập của các đơn vị OTT nước ngoài tại nước ta là nhu cầu phát triển tất yếu của thị trường. Song, việc quản lý các đơn vị OTT ngoại hiện nay vẫn là chuyện đau đầu với các cơ quan chức năng trong nước.

Vụ việc cảnh quay ở phố cổ Hội An bị chú thích thành Phù Lăng (Trung Quốc) trong tập 4 mùa 1 loạt phim Madam Secretary (Mỹ) trên Netflix thể hiện sự thiếu tôn trọng của một đơn vị nước ngoài đang kiếm tiền trên lãnh thổ Việt Nam như Netflix. Một lần nữa phải khơi lại tính cấp bách của việc kiểm duyệt nội dung trên các ứng dụng truyền hình trực tuyến có nguồn gốc nước ngoài.

Tiến thoái lưỡng nan

Những năm qua, khi truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng chậm thì dịch vụ truyền hình trên nền tảng internet (OTT) phát triển mạnh, đáp ứng xu hướng nghe nhìn thời hiện đại. Trong số các đơn vị OTT nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, Netflix dù mới xuất hiện từ năm 2016 nhưng được khán giả chú ý hơn hẳn vì thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm.

Hội An bị chú thích thành Phù Lăng trong tập 4 mùa 1 phim Madam Secretary (CBS sản xuất, Netflix phát hành)
Hội An bị chú thích thành Phù Lăng trong tập 4 mùa 1 phim Madam Secretary (CBS sản xuất, Netflix phát hành)

Vì thế, việc Madam Secretary của đài CBS được Netflix mua bản quyền phát sóng từ năm 2014-2019 chú thích bối cảnh quay ở Hội An thành Phù Lăng (Trung Quốc) khiến khán giả khó chấp nhận vì thể hiện sự xâm phạm chủ quyền trắng trợn của đơn vị sản xuất CBS, cũng như sự thiếu tôn trọng Việt Nam của đơn vị phát hành Netflix - một công ty đang kinh doanh tại Việt Nam. Dù rằng Netflix đã phản hồi: “Cảnh được đề cập nằm trong bộ phim Madam Secretary được lên sóng từ năm 2014, đây là sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu. Nội dung này hiện nay không còn phát sóng tại Việt Nam, và tất cả sự trùng hợp với tình huống hoặc địa điểm có thật đều không phải là chủ ý”, thì vẫn khiến dư luận nghe khó xuôi tai. 

Trước nhầm lẫn nghiêm trọng này, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu đơn vị sản xuất cắt bỏ ngay những thông tin, hình ảnh sai lệch đối với chủ quyền Việt Nam trên các ứng dụng. Đòi hỏi này xem ra khó khả thi với Netflix, bởi đơn vị này vốn nổi tiếng với phương châm tôn trọng sáng tạo của tác giả. Khó ép buộc Netflix can thiệp vào nội dung sai lệch của một tác phẩm mà Netflix chỉ là người mua bản quyền, và cũng không thể kiểm duyệt những nội dung phát trên Netflix, chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam hiện nay. 

Nhập gia nhưng chưa tùy tục

Sự du nhập của các đơn vị OTT nước ngoài tại nước ta là nhu cầu phát triển tất yếu của thị trường. Song, việc quản lý các đơn vị OTT ngoại hiện nay vẫn là chuyện đau đầu với các cơ quan chức năng trong nước. Cuộc chạy đua giành thị phần giữa các đơn vị OTT trong và ngoài nước từ lâu vốn đã là cuộc chiến không cân sức khi một bên (nước ngoài) vừa có vốn mạnh vừa không phải chịu sự kiểm duyệt nội dung; còn bên kia (trong nước) không có được những lợi thế đó.

Có nhiều người xem OTT là một phương thức truyền hình mới, cần có một chính sách quản lý riêng, cởi mở hơn, khác với các quy định về quản lý dịch vụ truyền hình như Luật Báo chí hoặc Nghị định 06 khiến việc đưa các đơn vị OTT nước ngoài vào khuôn khổ luật pháp Việt Nam vẫn cứ phải… cần thêm thời gian. 

Trong khi chờ hoàn chỉnh hành lang pháp lý, việc tuân thủ luật chơi chỉ còn biết trông chờ vào tinh thần tự giác của người tham gia. Có câu “nhập gia tùy tục”, một khi đã bước vào thị trường nước khác, thì dù là “cá lớn” hay “cá bé” đều phải chấp hành quy định của nước sở tại. Trong trường hợp của Netflix - một đơn vị đã có mặt hơn 190 quốc gia và khu vực - càng phải làm gương khi làm ăn ở Việt Nam. 

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng Tám năm ngoái để bày tỏ mong muốn kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đại diện Netflix là ông Yu-Chuang Kuek - Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng cho biết sẽ có đầu mối liên lạc tại địa phương để xử lý các vấn đề liên quan tới nội dung được đăng tải trên Netflix, cam kết gỡ bỏ những phim có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật, văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam theo yêu cầu của bộ.

Vụ việc phim Madam Secretary chú thích sai Hội An thành Phù Lăng thiết nghĩ là cơ hội để Netflix chứng minh cho hành động “nói đi đôi với làm”. Đây cũng là bài học đối với các cơ quan quản lý trong nước về việc sớm có những quy định pháp lý để hoàn chỉnh quy chế về kinh doanh của các đơn vị OTT nước ngoài, nhằm tạo sự công bằng cho thị trường truyền hình hiện nay. 

Nguyễn Ngọc 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI